Ðộng lực để Vinatex phát triển bền vững
Mục tiêu phấn đấu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trong giai đoạn khó khăn hiện nay là làm thế nào để người lao động (NLÐ) có thể lo được cho cuộc sống và đủ khả năng chăm sóc cho ít nhất một người nữa bằng tiền lương của mình. Ðó cũng chính là động lực để Vinatex phát triển bền vững. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự nỗ lực chung của cả tập đoàn.
Lương là giải pháp ưu tiên
Ðộng viên bằng tiền lương là một giải pháp tốt, đã được minh chứng trong hoạt động thực tế. Hầu hết mọi cán bộ, công nhân viên đều hy vọng mình có được thu nhập vừa ý từ công việc. Ðãi ngộ tiền lương là phương pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu sinh tồn của mỗi cán bộ, công nhân viên. Có được thu nhập cao về tiền lương không những cho họ cảm nhận cuộc sống được bảo đảm mà còn có giá trị biểu hiện về vai trò trong xã hội và thành tựu cá nhân, có ý nghĩa tâm lý rất quan trọng. Từ nhận thức đó, Vinatex đang phấn đấu xây dựng chế độ lương, thưởng để người lao động thật sự yêu công việc, muốn gắn bó với doanh nghiệp, có động lực để phấn đấu vươn lên không ngừng trong công việc và khát khao cống hiến.
Mặc dù khủng hoảng kinh tế và những khó khăn, áp lực tác động đến xuất khẩu của ngành dệt may, nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp bù đắp thu nhập cho người lao động, thậm chí phải giảm bớt lợi nhuận và làm mọi cách để đời sống người lao động được cải thiện. Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân người lao động toàn tập đoàn luôn được nâng cao: Năm 2010 là 3,3 triệu đồng người/tháng, năm 2011 đạt hơn 3,8 triệu đồng/người/tháng và năm 2012 phấn đấu đạt bốn triệu đồng/người/tháng. Tại một số doanh nghiệp, người lao động đã có thu nhập bình quân gần năm triệu đồng/người/tháng như: Tổng công ty CP Phong Phú, Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP, Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi...
Một số doanh nghiệp nhỏ ở địa phương, hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, sau khi về với tập đoàn bắt đầu có lãi, thu nhập bình quân cũng đạt hơn ba triệu đồng/người/tháng. Ðáng chú ý, Công ty may Sơn Ðộng mới được thành lập hai năm nay theo NQ 30A của Chính phủ nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con dân tộc thiểu số ở Sơn Ðộng, Bắc Giang, nhưng thu nhập bình quân cũng đã đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, tập đoàn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 120 nghìn lao động, hàng loạt các chính sách liên quan đến tiền lương, thưởng, phúc lợi hợp lý cũng được xây dựng để bảo đảm cuộc sống cho người lao động cũng như thu hút thêm nguồn nhân lực mới.
Chăm lo đời sống mọi mặt cho người lao động
Thực trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu lao động, sản xuất, kinh doanh gặp khó vì biến động lao động thường xuyên, thế nhưng ở Vinatex, lao động vẫn yên tâm trụ lại với nghề. Ðó là nhờ tập đoàn luôn quán triệt đến các đơn vị thành viên nhiệm vụ phải chăm lo tốt đời sống mọi mặt cho người lao động.
Một số đơn vị đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động khu nhà ở cho CNVCLÐ với hơn 27.992 m2 nhà ở cho hơn 3.456 gia đình công nhân được thuê trọ. Ðặc biệt, với dự án bất động sản Nhân Phú và Tăng Phú House, của Tổng công ty CP Phong Phú, CBCNV ngành dệt may nói chung có cơ hội sở hữu "ngôi nhà mơ ước" để an cư lạc nghiệp. Với vị trí hết sức thuận lợi và hội tụ nhiều tiện ích quan trọng, dự án Nhân Phú và Tăng Phú House thật sự là không gian sống lý tưởng đối với CBCNV Phong Phú nói riêng và ngành dệt may nói chung. Hơn thế, Ban lãnh đạo Tổng công ty CP Phong Phú đã trăn trở tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhất nhằm "tiếp sức" về tài chính cho CBCNV thông qua những phương pháp hỗ trợ tài chính cho người mua nhà. Ngoài ra, có tám đơn vị xây nhà trẻ và duy trì hoạt động của nhà trẻ dành cho con của CBCNV, hơn 23 đơn vị có chính sách hỗ trợ cho các bà mẹ gửi con tại nhà trẻ với mức hỗ trợ từ 50.000 đến 350.000 đồng/cháu/tháng. Một số doanh nghiệp còn có xe ô-tô đưa đón công nhân từ nhà đến nơi làm việc...
Không chỉ bảo đảm mức thu nhập cho người lao động nhằm giảm bớt khó khăn khi giá sinh hoạt điện nước tăng, khoảng hơn 90% số đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn giữa ca cho CNVLÐ với mức từ 10.000 đến 25.000 đồng/suất, bảo đảm ăn ngon đủ chất, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Một số đơn vị còn tổ chức bữa ăn sáng cho CNVLÐ như Tổng công ty Việt Thắng - CTCP, Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ, Công ty CP may Phương Ðông.
Cùng với đó, tập đoàn chú trọng cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Hiện nay, tại các doanh nghiệp của tập đoàn, tất cả các xưởng sản xuất đều có hệ thống điều hòa không khí, nhà vệ sinh sạch sẽ, môi trường làm việc thân thiện. Tập đoàn có Bệnh viện Dệt May và trung tâm y tế để chăm sóc điều dưỡng, chữa trị bệnh cho người lao động, tại các doanh nghiệp đều có trạm y tế để theo dõi cấp phát thuốc cho người lao động.
Trong chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn vẫn chủ trương đưa việc cải thiện đời sống người lao động lên hàng đầu để thu hút lao động, bảo đảm ổn định sản xuất lâu dài và bền vững. Dự kiến từ năm 2013 trở đi, người lao động gắn bó làm việc với doanh nghiệp từ ba năm trở đi thì mức thu nhập sẽ phải nuôi được thêm một suất ăn theo. Lãnh đạo tập đoàn cho biết, sẽ xây dựng thang bảng lương cơ bản phù hợp ngành dệt may để khi người lao động về hưu được hưởng mức trả bảo hiểm xã hội đủ sống và không bị thua thiệt so với người lao động ở một số ngành nghề khác. Ngoài ra, các cá nhân xuất sắc trong các phong trào thi đua lao động sản xuất cũng được nhận phần thưởng xứng đáng do Bộ Công thương và Tập đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng.
Sử dụng đồng vốn hiệu quả
Tuy có số vốn nhà nước nhỏ nhất trong các tập đoàn kinh tế nhà nước nhưng nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh thu năm 2011 của Vinatex lên đến 35.103 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.854 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2010. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu toàn tập đoàn đạt 15,7%.
Ðiểm khác biệt của Vinatex là tiến hành cổ phần hóa các đơn vị thành viên từ rất sớm (năm 2001) và đạt hiệu quả cao. Thời điểm hiện tại, tập đoàn có gần 80 đơn vị thành viên, trong đó có bốn công ty do Vinatex nắm giữ 100% vốn điều lệ, 13 công ty có hơn 50% vốn điều lệ do Vinatex nắm giữ, số công ty có tỷ lệ này từ 50% trở xuống và công ty liên doanh là 48, còn lại là các đơn vị sự nghiệp. Theo kế hoạch, Vinatex sẽ tiếp tục cổ phần hóa các đơn vị còn lại cũng như công ty mẹ - tập đoàn trong năm 2012 nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư từ bên ngoài, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ tiến hành chuyển nhượng các khoản đầu tư ngoài ngành được đánh giá là rất nhỏ (chiếm 6% tổng vốn điều lệ 3.400 tỷ đồng) nhằm huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư nâng cao năng lực chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may của tập đoàn và của toàn ngành.
Lê Tiến Trường (Theo Nhân dân)