.
.

Nền tảng quan trọng cho tiến trình tái cơ cấu Vinatex

Thứ Hai, 04/11/2013|09:28

Dự kiến cuối quý IV/2013, chậm nhất đầu quý I/2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ hoàn thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bắt đầu từ quý II/2014, sẽ chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần - nền tảng quan trọng cho tiến trình tái cơ cấu Vinatex.

Mạnh mẽ thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex Vũ Ðức Giang cho biết, Bộ Công thương đã có quyết định xác định giá trị doanh nghiệp (DN) của Vinatex. Tập đoàn sau cổ phần hóa sẽ có vốn điều lệ là khoảng 5.000 tỷ đồng, sẽ bán 49% cổ phần ra bên ngoài, còn Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần. Ðến sau năm 2017, sẽ tiếp tục bán tiếp phần vốn Nhà nước tại tập đoàn. Hiện nay, các công tác chuẩn bị IPO đang hoàn tất và có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước quan tâm tới tiến trình IPO, phương án sau cổ phần hóa và chiến lược phát triển đầu tư của Vinatex. "Tuy nhiên, chúng tôi đang lựa chọn nhà đầu tư chiến lược một cách thận trọng, kỹ càng, bảo đảm phù hợp chiến lược phát triển của Tập đoàn", ông Vũ Ðức Giang chia sẻ.

Theo quyết định phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Vinatex giai đoạn 2013 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ thì Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, chỉ còn có bốn DN do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, các DN còn lại tiến hành cổ phần hóa, sắp xếp lại, thoái vốn... Các DN lớn cũng như các DN nhỏ trong Tập đoàn khi thực hiện tái cấu trúc đều phải bảo đảm nguyên tắc không được làm suy yếu sức mạnh của tập đoàn, ngược lại phải phát huy, nhân rộng sức mạnh tổng hợp. Ðến nay, mô hình tái cơ cấu Tập đoàn sau khi cổ phần hóa đã được xác định rõ. Cổ phần hóa sẽ tạo nguồn sức mạnh tổng hợp cả về vốn, khoa học công nghệ, quản lý, nhân sự... giúp Tập đoàn vượt lên được những yếu kém về nhân lực, thiết kế, nguồn nguyên liệu vốn tồn tại đã lâu mà chưa được khắc phục một cách hiệu quả.

Không chỉ tái cơ cấu vốn sở hữu, Vinatex cũng đang đẩy mạnh quá trình thoái vốn tại các DN đầu tư ngoài ngành. Ðến nay, Tập đoàn đã thoái 70% vốn đầu tư ngoài ngành. Mặc dù số vốn này chỉ chiếm 2,5% tổng vốn đầu tư của Vinatex nhưng Tập đoàn kiên quyết thoái vốn ở các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và một số lĩnh vực đầu tư không đem lại lợi nhuận. Không gặp khó khăn như các DN khác, Vinatex khá thuận lợi trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, việc thoái vốn của Vinatex không làm mất vốn Nhà nước mà ngược lại vẫn bảo toàn được vốn, thậm chí một số khoản vốn có giá bán thị trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu. Ông Vũ Ðức Giang chia sẻ: "Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành được Vinatex thực hiện trên cơ sở làm việc chặt chẽ với các cổ đông hiện hữu đồng thời thuyết phục cổ đông về khả năng sinh lời của DN. Mục tiêu ban đầu mà Vinatex báo cáo Chính phủ là đến hết năm 2015 sẽ thực hiện thoái vốn xong nhưng khả năng đến năm 2014, chúng tôi quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn này. Ðây cũng chính là cách để tạo sức hút với các cổ đông".

Giữ vai trò dẫn dắt ngành dệt may

Song song với việc tái cơ cấu các DN trong Tập đoàn, Vinatex cũng thực hiện tái cơ cấu chiến lược đầu tư của Tập đoàn: tập trung phát triển các sản phẩm  mang tính cốt lõi của tập đoàn, của ngành, giữ nhịp độ phát triển cân đối giữa các lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm và may... Bên cạnh đó, các công nghệ, thiết bị mới, bảo đảm khả năng thu hồi vốn nhanh, đầu tư có hiệu quả. Về tài chính, xác định rõ nguồn vốn sau khi cổ phần hóa, Tập đoàn rà soát lại các lĩnh vực đầu tư, cân đối chặt chẽ nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển các dự án, cơ cấu lại dòng vốn, không đầu tư vào bất cứ một lĩnh vực ngoài ngành, lĩnh vực không hiệu quả.

Mô hình tổ chức đảng, bộ máy quản lý từ lãnh đạo Tập đoàn đến các phòng, ban chức năng của Tập đoàn sau khi cổ phần hóa cũng đã được xây dựng cụ thể, bảo đảm sau khi Vinatex cổ phần hóa, không có sự xáo trộn về hoạt động, đội ngũ cán bộ có tầm nhìn, trình độ quản trị DN đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như đòi hỏi của cổ đông, của thị trường, của ngành... Chiến lược của Tập đoàn đến năm 2030 là luôn luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng dẫn đầu ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sẽ lên đến hơn 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tái cơ cấu, Vinatex gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước hết là cơ chế, chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược chưa được quan tâm đúng mức. Giá thuê đất còn cao, các địa phương lại không mặn mà với những dự án đầu tư khâu nhuộm - hoàn tất, xử lý nước thải nên khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia trong khi chất lượng chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may còn yếu. Tỷ trọng xuất nhập khẩu cũng chưa cân đối, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, giảm giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam. Chính sách thuế, các loại phí của Việt Nam còn cao so khu vực ASEAN và thiếu tính ổn định. Việc tăng tiền lương liên tục trong thời gian qua đã làm tăng chi phí tiền lương, chi phí bảo hiểm, thêm vào đó giá điện, nước tăng, giá nguyên phụ liệu dệt may có xu hướng tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng, thậm chí DN còn phải chấp nhận giảm giá để giữ chân khách hàng do sức mua thị trường thế giới giảm... Tất cả những khó khăn này khiến khả năng sinh lời của DN suy giảm, từ đó làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex Vũ Ðức Giang cho rằng, để tái cơ cấu thành công, Vinatex phải đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị DN theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch, xác định rõ các loại DN để ưu tiên phát triển hoặc thu hẹp, chuyển đổi hoặc xóa bỏ... Giải pháp tái cơ cấu toàn quy mô Tập đoàn, đặc biệt mô hình quản trị phải phù hợp với việc cổ phần hóa. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nền tảng vững chắc do cổ phần hóa mang lại, Vinatex sẽ vững vàng trên lộ trình tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và luôn khẳng định được vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam.

Liên Hoa (Theo Nhân dân)

.
.
.
.