PVN tập trung 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Ngày 31/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nghị định nêu rõ, phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn kinh tế có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao; trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là thăm dò khai thác dầu khí, lọc-hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; trong đó, thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh chính.
Theo đó, vốn điều lệ của PVN tại thời điểm chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là hơn 177.000 tỷ đồng. Nhà nước là chủ sở hữu của PVN. Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước đối với PVN.
Ngành, nghề kinh doanh chính của PVN là nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí, khí hoá than, làm dịch vụ về dầu khí ở trong và ngoài nước; kinh doanh, phân phối các sản phẩm dầu, khí, các nguyên liệu hoá phẩm dầu khí; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu, tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm lọc hóa dầu...
PVN có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản như: Tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết các hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân; tiến hành các hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí; tổ chức quản lý, giám sát công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí trên cơ sở hợp đồng với các nhà thầu dầu khí, với công ty con và với các tổ chức, cá nhân khác; trực tiếp sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật; đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại công ty con, công ty liên kết...
PVN được Nhà nước giao quyền thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí và các quy định khác của pháp luật.
PVN có nghĩa vụ khai thác hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, bảo vệ tài nguyên môi trường và thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến khai thác nguồn tài nguyên quốc gia theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại PVN và vốn PVN tự huy động; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của PVN trong phạm vi số tài sản của PVN; định kỳ đánh giá lại tài sản của PVN theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của PVN gồm có: Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc, Ban Kiểm soát nội bộ.
Trong đó, Hội đồng thành viên PVN là đại diện chủ sở hữu Nhà nước trực tiếp tại PVN; thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước tại PVN và đối với các công ty con do PVN đầu tư 100% vốn điều lệ và đối với phần vốn góp của PVN tại các doanh nghiệp khác.
Hội đồng thành viên PVN có quyền nhân danh PVN để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của PVN, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đã phân công cho các cơ quan, tổ chức khác là đại diện quy định tại Điều lệ này.
Các thành viên Hội đồng thành viên cùng chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu Nhà nước, trước pháp luật về mọi hoạt động của PVN và về các quyết định của Hội đồng thành viên gây thiệt hại cho PVN và chủ sở hữu Nhà nước, trừ thành viên biểu quyết không tán thành quyết định này.
Hội đồng thành viên PVN có 7 thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá năm 5 năm.
P.V (Theo TTXVN)