Quan điểm chỉ đạo hội nhập quốc tế của Đảng và sự vận dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu và là vấn đề mà tất cả các quốc gia, các doanh nghiệp phải đối mặt để tìm ra phương hướng, giải pháp cho sự phát triển bền vững của mình.
Quan điểm chỉ đạo hội nhập quốc tế của Đảng ta
Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản than mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Hội nhập quốc tế theo đúng nghĩa đầy đủ là hội nhập trên tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế nhằm đạt được một mục tiêu hoặc lợi ích chung nào đó.
Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm đưa sự nghiệp phát triển đất nước hòa vào trào lưu phát triển chung của thế giới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, coi đây là một nguyên tắc cơ bản trong đường lối chỉ đạo của mình. Cũng chính vì vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau đã luôn giành được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ rộng rãi của Nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Tư tưởng mở cửa đối ngoại, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới của Đảng đã được thể hiện rõ nét trong các văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (tháng 12/1946) đã long trọng tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Đồng thời, Người khẳng định: “Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc” (Nguồn: Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,t.4,tr523). Đây là những tư tưởng quan trọng đặt cơ sở cho sự hình thành chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung của nước ta sau này.
Những quan điểm chỉ đạo hội nhập quốc tế của Đảng ta được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Nghị quyết chỉ ra sáu quan điểm cần chú trọng trong quá trình hội nhập quốc tế như sau:
Một là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới.
Ba là, hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực canh tranh quốc gia; gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong nước.
Bốn là, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Năm là, nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dộc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Cho đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”.
Trong đó, các giải pháp chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện trên lĩnh vực kinh tế nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài” bao gồm:
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cải cách thể chế, luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hội nhập kinh tế theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế và điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước. Tập trung xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện các luật, dự án luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Tiến hành rà soát, đánh giá kết quả hợp tác, cập nhật và thực hiện các chiến lược, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương với các đối tác, thiết lập các khuôn khổ hợp tác, nhất là những lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh; “thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn”.
- Thúc đẩy quan hệ kinh tế đa phương, phát huy vai trò định hình, xây dựng thể chế, cơ chế và luật lệ mới tại các cơ chế kinh tế đa phương; kết hợp chặt chẽ và hiệu quả với song phương.
- Tổ chức đào tạo, thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực nghiên cứu về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và các xu hướng mới trong phát triển (chuyển đổi số, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng, sản xuất và đầu tư; phát triển xanh, bền vững, bao trùm; kinh tế tuần hoàn ...) và tận dụng triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; “tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Có thể nói, những thành tựu to lớn mà nước ta đạt được trong hội nhập quốc tế là kết quả của cả một quá trình thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế đã tạo ra môi trường thuận lợi, mở ra những cơ hội cũng như thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác cùng phát triển với các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới, tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của mình. Tuy nhiên, tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động và tình hình thực tế mà mỗi doanh nghiệp phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt đưa ra những phương hướng, giải pháp để từng bước tiến tới hội nhập quốc tế một cách bền vững và hiệu quả.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) giải bài toán hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào?
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 35-HĐBT ngày 26/03/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi gắn với sứ mệnh khác nhau xuyên suốt 34 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vị trí, vai trò của một trong những Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ , góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, luôn đồng hành với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Agribank cũng có những phương hướng, giải pháp có hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Có thể kể đến đó là:
Thứ nhất, Agribank thực hiện tái cơ cấu và chuẩn bị cổ phần hóa từ năm 2013 cho đến nay.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trọng tâm là các Ngân hàng thương mại, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Agribank là ngân hàng thương mại đầu tiên được phê duyệt phương án cơ cấu lại, với sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 ( từ năm 2013 – năm 2015) với nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng: Tập trung đầu tư cho “tam nông”, xử lý nợ xấu, thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại tổ chức bộ máy đặc biệt là hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn từ năm 2016 – năm 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, áp dụng những bài học kinh nghiệm trong thực hiện tái cơ cấu thành công giai đoạn 1, tiếp tục thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đến cuối năm 2019, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại. Hoạt động kinh doanh của Agribank tiếp tục có những chuyển biến tích cực, quy mô kinh doanh được mở rộng và chất lượng được nâng cao. Agribank đã thực sự vượt qua thời kỳ khó khăn, đứng vững trong cạnh tranh, tiếp tục triển khai các công việc liên quan chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sang triển khai khi có quyết định phê duyệt.
Thứ hai, Agribank đang từng bước hướng tới khẳng định thương hiệu quốc tế thông qua hoạt động hợp tác quốc tế và thanh toán quốc tế.
Agribank cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế tới 164 quốc gia trải rộng khắp 5 châu lục. Hiện tại, Agribank có khoảng 40 sản phẩm thanh toán quốc tế cơ bản, bảo đảm cung ứng đủ theo mặt bằng chung tại thị trường Việt Nam. Một số sản phẩm có tính năng vượt trội hơn so với ngân hàng khác như: Thanh toán biên mậu Việt Lào (qua CBPS), thanh toán biên mậu Việt – Trung, dịch vụ chuyển tiền đa tệ, chuyển tiền Campuchia - Việt Nam qua kênh KO…
Agribank đã xúc tiến, đàm phán với các ngân hàng, tổ chức quốc tế để tăng cường khai thác dịch vụ tài trợ thương mại quốc tế từ đó phát triển các sản phẩm thanh toán quốc tế, gia tăng số lượng ngân hàng tài trợ dịch vụ UPAS L/C.
Agribank tiếp tục ghi dấu ấn là thành viên chủ động, tích cực trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương thông qua các diễn đàn quốc tế lớn như: Tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng thăm và làm việc tại Ấn Độ, Singapore và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tata international Limited – Ấn Độ; tham dự Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á 2018 tại Manila, Philippines; Hội nghị Tài chính nông thôn APRACA – IFAD tại Bắc Kinh, Trung Quốc…Tính đến cuối năm 2018, Agribank đã ký lũy kế 132 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện, tài trợ thương mại, sản phẩm dịch vụ, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ phí với các định chế tài chính trong nước và đối tác nước ngoài; số lượng ngân hàng đại lý của Agribank là 755 ngân hàng tại 86 quốc gia và cùng lãnh thổ trên thế giới.
Với nỗ lực không ngừng trong hoạt động, năm 2019 Agribank được đánh giá ở vị trí 142/500 Ngân hàng lớn nhất Châu Á về quy mô tài sản (theo Asian Banker) và nằm trong Top 10 các ngân hàng Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng có bảng cân đối tài chính mạnh nhất khu vực.
Năm 2022, Công ty Brand Finance vừa công bố Bảng xếp hạng 500 Thương hiệu Ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500). Các thương hiệu được lựa chọn và đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí về thị phần, tốc độ tăng trưởng về quy mô tài sản, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cũng như uy tín thương hiệu. Agribank và các Ngân hàng Việt Nam đều có bước thăng tiến lớn về giá trị thương hiệu. Agribank đứng thứ hạng 157, tăng 16 bậc so với năm 2021, xếp hạng cao nhất trong 11 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam được xếp hạng toàn cầu năm 2022.
Đồng thời, Agribank cũng nhận được nhiều giải thưởng do các ngân hàng uy tín trên thế giới trao tặng: Giải thưởng Chất lượng điện đạt chuẩn tự động cao của Ngân hàng BNY Mellon; Giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc của ngân hàng Wells Fargo và giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc với tỷ lệ điện thanh toán chuẩn (MT103) đạt 99.47% do Ngân hàng JP Morgan trao tặng. Những hoạt động và thành tích nói trên cho thấy nỗ lực của Agribank trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, khẳng đinh thương hiệu của mình trên trường quốc tế.
Thứ ba, Agribank xác định yếu tố công nghệ thông tin là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, là nền tảng cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Agribank đã và đang ưu tiên tập trung đầu tư vào phát triển hệ thống công nghệ thông tin, trọng tâm là việc mở rộng các kênh phân phối điện tử, các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, tối đa hóa các tiện ích gia tăng dành cho khách hàng cũng như thực hiện tốt đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, Agribank giành được 10 giải thưởng Sao Khuê cho hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc lĩnh vực tài chính – ngân hàng và ngân hàng số bao gồm: hệ thống Thanh toán biên mậu qua Internet Banking - Cross Border Payment System (CBPS), hệ thống kế nối thanh toán song phương giữa Agribank và Kho bạc Nhà nước (BPST), hệ thống Thanh toán kiều hối tập trung (ARS), hệ thống thanh toán hóa đơn (Billpayment), hệ thống Agribank Realtime Payment – Thanh toán giá trị thấp thời gian thực, cổng thanh toán thuế điện tử AgriTax, ứng dụng Agribank E-Mobile Banking (AEMB), hệ thống phát hành và thanh toán thẻ Chip chuẩn EMV, thẻ Lộc Việt và Agribank AutoBank CDM 24/7.
Đồng thời, Agribank đang phục vụ hơn 13 triệu thẻ đang hoạt động và luôn duy trì vị thế Top3 ngân hàng thương mại trên thị trường với hơn 3000 ATM/CDM, hơn 24.000 POS được lắp đặt phân bổ trên khắp các tỉnh thành, viền mùng xa xôi trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Agribank đang triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi với tiêu chuẩn an toàn, bảo mật cao nhất cho người dùng như: Thẻ chip không tiếp xúc (contactless), thanh toán trên các ứng dụng di động nhiều lớp bảo mật, thanh toán bằng mã QR code, thanh toán trực tuyến…
Với những thành tựu kể trên, Agribank đã thể hiện nỗ lực không ngừng trong việc ứng dụng công nghệ số, phát triển các sản phẩm tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thứ tư, Agribank xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để Agribank phát triển bền vững.
Agribank luôn đầu tư toàn diện cho hoạt động đào tạo và tự đào tạo của người lao động trong toàn hệ thống, đồng thời chú trọng tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của từng vị trí công việc, tạo nền tảng quan trọng để Agribank có những bước phát triển đột phá.
Agribank thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ mới được tuyển dụng; quan tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học cho người lao động khu vực thành thị và những lĩnh vực chuyên môn hội nhập cao.
Agribank trẻ hóa đội ngũ nhân viên và các cán bộ quản lý tạo sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và kỹ năng lao động, từ đó gia tăng năng suất lao động đồng thời đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.
Thứ năm, Agribank luôn giữ vững vai trò là ngân hàng chủ chốt thực hiện đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sát cánh cùng lĩnh vực nông nghiệp bước vào sân chơi lớn mang tên hội nhập toàn cầu.
Agribank luôn dành trên 70% dư nợ tín dụng vào đầu tư cho “tam nông”; tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước (trên 9.000 xã). Cùng với cung ứng tín dụng, Agribank phát triển hàng trăm sản phẩm dịch vụ tiện ích, đa dạng kênh phân phối, trong đó với việc phát triển trên 68.000 tổ vay vốn và các điểm giao dịch lưu động…góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn để từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, Agribank đã và đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, xây dựng Agribank hiệp đại và hội nhập, chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại cổ phần, quản trị điều hành và hoạt động theo hướng thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.
Phí Thanh Vân - Agribank Chi nhánh Phúc Thọ.