.
.

Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 27/08/2024|15:40

Xã hội ngày càng phát triển, trong vô vàn điều tích cực thì đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề “Nóng” đang và chưa được giải quyết dứt điểm. Vậy phải chăng chúng ta cần tăng cường chí nhân (chữ trong Bình Ngô Đại cáo) để đập tan “Virus độc” trả lại một môi trường “Trong lành” thông qua văn hóa “Nêu gương”.

Kỳ 1:  Học theo Bác - chúng ta phải nêu gương

Nêu gương là một khái niệm quan trọng trong văn hóa và đạo đức xã hội, đặc biệt trong môi trường làm việc và lãnh đạo, nêu gương là việc làm mẫu, làm trước để người khác làm theo. Nói đến nêu gương là nói đến nghĩa tốt “gần đèn thì sáng”. Nói một cách triết lý thì: nêu gương là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân…, làm “mô hình” để người khác lấy đó làm mẫu! Theo Đạo lý dân tộc ta, trong mỗi gia đình Người Việt Nam có được tôn ti, trật tự, trên dưới một lòng, gắn bó bền chặt, bắt đầu từ người đi trước nêu gương để con cháu, các thế hệ sau học theo, làm theo…Xét rộng ra, cả dân tộc Việt Nam như một gia đình lớn, chúng ta cần học tập, làm theo các vị tiền bối đi trước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc nêu gương không chỉ có ý nghĩa với cá nhân mà còn có tác động tích cực đến toàn bộ tổ chức và cộng đồng nhằm tạo niềm tin và sự tôn trọng; Truyền cảm hứng và động lực; Định hình văn hóa và đạo đức; Tăng cường sự đoàn kết và hợp tác; Nâng cao hiệu quả lãnh đạo; Xây dựng một xã hội và tổ chức bền vững.

Vì vậy, có thể khẳng định “Nêu gương” là một phần không thể thiếu trong xây dựng văn hóa, đạo đức và hiệu quả lãnh đạo. Điều này không chỉ tạo ra sự tôn trọng và niềm tin từ người khác mà còn truyền cảm hứng, thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác, đồng thời giúp xây dựng một xã hội và tổ chức bền vững. Đó là lý do vì sao nêu gương luôn được coi là một yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

d
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phương thức “nêu gương” trong giáo dục cán bộ, đảng viên theo hướng “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” (trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mớ i bằng lời nói). Người luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Người muốn khẳng định một bài diễn văn tuyên truyền có thể chỉ có tác dụng ngắn hạn, trong khi một tấm gương sống có thể tạo ra ảnh hưởng lâu dài và bền vững. Người ta có thể quên những gì đã nghe, nhưng khó quên những gì đã thấy và cảm nhận. Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của nêu gương trong giáo dục và lãnh đạo. Tấm gương sống thực tiễn, cụ thể và gần gũi luôn có sức mạnh và giá trị vượt trội so với những bài diễn văn tuyên truyền lý thuyết.

Cũng theo Người, cách mạng không chỉ là sự nghiệp của một số ít cá nhân hay những đội ngũ lãnh đạo, mà là sự nghiệp của toàn bộ quần chúng. Vì vậy, để thu hút và kêu gọi được lực lượng, để vận động quần chúng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, người đảng viên và các cán bộ lãnh đạo phải trở thành những tấm gương, làm gương mẫu cho nhân dân. Người coi trọng việc "nêu gương" và "làm gương" của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, đặc biệt là với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong quá trình huấn luyện cán bộ, Người luôn nhấn mạnh và nhắc nhở rằng cán bộ phải là người nêu cao tinh thần gương mẫu. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải sống và làm việc theo những nguyên tắc và giá trị cao đẹp, để có thể làm gương cho những người khác noi theo. Sự gương mẫu của các cán bộ, đảng viên không chỉ giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực và đoàn kết trong tổ chức mà còn có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và phát triển. Đồng thời, việc nêu gương cũng là cách hiệu quả nhất để giáo dục và đào tạo những thế hệ cán bộ mới, đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục truyền dẫn những giá trị và tinh thần cách mạng cho tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, mà còn đặc biệt lưu ý đến vai trò tiên phong của các cán bộ chủ chốt, cấp cao trong việc làm gương. Đây là một trong những yếu tố then chốt để tạo ra sự thay đổi tích cực và bền vững trong xã hội và trong hệ thống chính trị.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra cách thức và phương pháp nêu gương của cán bộ, đảng viên, Người đề cao tinh thần hy sinh vì lợi ích chung, tự phê bình và phê bình, cũng như sự gương mẫu trong mọi hành động: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng…”. Người kiên quyết phê phán những cán bộ không tốt, làm gương xấu cho nhân dân, bôi nhọ danh dự của Đảng.

Người rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức và nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới".

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn mẫu mực trong thực hành trách nhiệm nêu gương, trở thành tấm gương sáng ngời, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo. Chính bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, là hình mẫu lý tưởng để mọi người noi theo. Cuộc đời và sự nghiệp của Người không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam mà còn là bài học quý báu về trách nhiệm, đạo đức và tinh thần cách mạng cho nhân loại. Những giá trị mà Hồ Chí Minh để lại sẽ mãi mãi soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam và của các phong trào cách mạng trên thế giới.

Đứng trước nạn đói năm 1945 khiến hàng triệu người dân Việt Nam lâm vào cảnh chết đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể: mỗi người nhịn ăn một bữa trong mười ngày để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu giúp những người bị đói. Hành động của Người thể hiện rõ ràng nhất sự gắn bó và tình thương yêu sâu sắc mà Người dành cho nhân dân. Hành động này không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm khó khăn mà còn để lại bài học quý báu về tinh thần hy sinh, lòng nhân ái và trách nhiệm của người lãnh đạo đối với nhân dân.

Tư tưởng, tinh thần nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện rộng lớn ở hệ thống quan điểm mang tính lý luận sâu sắc mà chính Bác là tấm gương sáng có sức thuyết phục, lôi cuốn và lan tỏa rộng rãi đến toàn thể nhân dân và mỗi cán bộ, đảng viên, có sự thống nhất, hòa quyện giữa “tri” và “hành”, giữa tư tưởng và hành động. Điều này tạo nên sức lôi cuốn và hấp dẫn đặc biệt của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Võ Thị Kim Sa, Ban Tuyên giáo Đảng ủy BIDV

.
.
.
.