.
.

Nhiều chất vấn “nóng” về xăng, dầu

Thứ Hai, 12/11/2012|21:18

 

 Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ để minh bạch hóa thị trường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng 
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhận xét về phần đặt câu hỏi và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng câu hỏi của các đại biểu đặt ra đảm bảo ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, nội dung sắc sảo, rõ ràng. Phần trả lời của Bộ trưởng cũng được cho là ngắn gọn, rõ ràng, nhận thức rõ trách nhiệm của cá nhân, của ngành Công Thương.

 

Nâng “khung” phạt vi phạm về chất lượng xăng dầu

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) “mở màn” nhóm câu hỏi về lĩnh vực điều hành giá, quản lý chất lượng, xuất – nhập khẩu xăng dầu khi có diễn biến “khó hiểu”, biểu hiện của lợi ích nhóm, chất lượng không đảm bảo...

“Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và hướng khắc phục sắp tới như thế nào”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng mặc dù lực lượng quản lý thị trường của ngành Công Thương đã nỗ lực cố gắng, nhưng còn có khuyết điểm, hạn chế.

“Việc điều hành còn gặp bất cập, thời gian, thời điểm tăng, giảm giá, và một số quy định trong Nghị định 84 đã tỏ ra không còn phù hợp. Vì thế Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét tổng kết việc thực hiện Nghị định 84 để trong tháng 12/2012 trình Chính phủ xem xét sửa đổi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Trước mắt phải xem xét sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp như quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá, thù lao đại lý, tần suất 30 ngày để chúng ta tính giá cơ sở và quyết định xem xét phê duyệt phương án giá của doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết, tháng 12 sẽ báo cáo Chính phủ về những nội dung này.

Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị chức năng, trong đó có Bộ Khoa học Công nghệ, các lực lượng cơ sở để tạo sức mạnh chung trong quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, về vi phạm trong xăng, dầu, biện pháp trước hết là phải kiểm soát chặt chẽ khâu nhập khẩu, vì 70% lượng tiêu thụ vẫn là nhập khẩu.

“Chính đây cũng là một trong những kẽ hở nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ thì có thể xăng, dầu không đảm bảo chất lượng xâm nhập vào trong thị trường. Đặc biệt là quan tâm đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát ở trong nước, kịp thời phát hiện những hành vi gian lận pha trộn xăng, dầu không đảm bảo chất lượng và phải xử lý hết sức nghiêm túc”, Bộ trưởng nói, đặc biệt là sẽ kiến nghị Chính phủ tăng khung xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp cần chủ động tham gia thị trường

Cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập về xăng, dầu hiện nay là do chưa có thị trường cạnh tranh, đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế) chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc khi nào sẽ có thị trường kinh doanh xăng – dầu cạnh tranh.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn về việc chậm sửa Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng, dầu nhằm tạo cơ chế minh bạch cho kinh doanh xăng – dầu; cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Nghị định 84 cho phép tất cả các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu có đủ điều kiện, điều kiện về tài chính, điều kiện về kho bãi, điều kiện về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh có hệ thống phân phối thì đều có thể được xem xét và trở thành các đầu mối về xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu.

Trên thực, từ sau khi có Nghị định 84 vào năm 2009, đã có thêm 4 doanh nghiệp đều là doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu và bán lẻ xăng, dầu.

“Như vậy, có nghĩa rằng chúng ta đã tạo điều kiện cho thị trường cạnh tranh xăng, dầu rồi chứ không phải đến bây giờ”, Bộ trưởng khẳng định. Và bản thân các doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào thị trường phải có những biện pháp để từng bước đáp ứng điều kiện theo Nghị định 84.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã phát biểu làm rõ hơn nội dung về quản lý Quỹ bình ổn. Theo đó, hiện đang có phương án chuyển về tập trung quản lý, phương án thứ hai là vẫn để tại doanh nghiệp nhưng tính lãi suất. Những phương án này đang được lấy ý kiến để báo cáo trong quá trình sửa Nghị định 84.

Công bố số liệu kiểm toán, lương của lãnh đạo Petrolimex

Trả lời chất vấn của một số đại biểu về báo cáo kiểm toán kết quả kinh doanh và lương của lãnh đạo Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex), được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã công bố những số liệu này.

Cụ thể, về kết quả kinh doanh, năm 2011, Petrolimex lỗ: 1.423 tỷ đồng (số chẵn). Nếu như phân tích theo khối kinh doanh, riêng xăng, dầu lỗ: 2.604 tỷ đồng.

“Lãi của công ty cổ phần và các hoạt động kinh doanh khác bù trừ trên báo cáo hợp nhất là 935 tỷ đồng cho nên tổng số, tổng hợp lại, hợp nhất lại xăng, dầu, tập đoàn xăng, dầu lỗ 1.423 tỷ đồng. Tiền lương chung bình quân của toàn tập đoàn khoảng trên 6 triệu đồng/người/tháng”, Tổng kiểm toán nói.

Về lương của lãnh đạo Petrolimex, Tổng kiểm toán cho biết năm 2011 lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 58 triệu đồng/tháng; Ủy viên Hội đồng quản trị là 42 triệu đồng/tháng; Ủy viên Hội đồng quản trị và trưởng ban kiểm soát là 41 triệu đồng/tháng; Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc là 40 triệu đồng/tháng.

Quản lý chặt tạm nhập tái xuất

Liên quan đến hoạt động tạm nhập-tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết có thực trạng là tái xuất không hết lượng tạm nhập.

“Một năm chúng ta tiêu dùng khoảng 15 triệu tấn xăng, dầu thì có khoảng 15% trong đó là số mà chúng ta đáng lẽ là tạm nhập và phải tái xuất. Theo quy định, mặt hàng xăng, dầu không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu, khi doanh nghiệp nhập khẩu để tiêu dùng trong nước thì phải thực hiện nộp thuế chậm nhất 15 ngày đưa vào sử dụng”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, chủ trương chung vẫn là cần thiết phải duy trì hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng, dầu để đáp ứng nhu cầu của các nước bạn Lào, Campuchia cũng như cấp xăng, dầu, cho máy bay, cho tàu thủy của nước ngoài vào hoạt động ở Việt Nam.

“Quan trọng nhất là phải thắt chặt việc quản lý tạm nhập, tái xuất”, Bộ trưởng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết việc tạm nhập, tái xuất xăng, dầu vẫn cần thiết, và trong dự thảo Luật Quản lý thuế lần này trình Quốc hội có quy định doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất sẽ phải có bảo lãnh hoặc nộp thuế trước và khi nào tái xuất thì hoàn sau.

Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Bộ Công Thương có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế nhập siêu, chống hàng lậu, tạo bước chuyển tích cực ngay trong năm 2013.

Ngành Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, đưa ra cơ chế để xác định giá trị, chất lượng thương hiệu Việt Nam đối với các mặt hàng nông, thủy sản, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực với mục tiêu năm 2015 đạt được chuẩn mực cao, năm 2020 đạt chuẩn mực để đủ sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa, “đánh bật” hàng ngoại nhập; đẩy nhanh tiến độ sửa Nghị định 84.

Theo CP

.
.
.
.