.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Quản trị rủi ro đạo đức trong hoạt động của Vietcombank

Thứ Ba, 29/10/2024|17:12

Đạo đức con người là một yếu tố quan trọng cấu thành nên nền tảng tinh thần của xã hội, nó gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người và được thể hiện qua các quy tắc ứng xử phù hợp với đạo lý. Đạo đức không chỉ hướng dẫn con người trong các quyết định cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự và hài hòa trong xã hội.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức con người

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của đạo đức con người, đặc biệt là đạo đức của cán bộ, đảng viên. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức luôn mang tính thực tiễn và giá trị lâu dài, không chỉ đối với người cách mạng mà còn cho toàn thể nhân dân. Bác luôn nhắc nhở rằng việc rèn luyện đạo đức là quá trình liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ, như vậy mới có thể xây dựng một con người toàn diện và một xã hội tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức chính là yếu tố cốt lõi. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng". Điều này có nghĩa là dù tài năng đến đâu, nếu thiếu đạo đức, cán bộ không thể phục vụ tốt cho nhân dân và đất nước. Cán bộ cần phải rèn luyện “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”, phải sống giản dị, tiết kiệm, liêm khiết, công bằng và không tư lợi, coi đó là những nguyên tắc cốt lõi để làm người và để làm việc cho Đảng. Người cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức của "con người mới" – con người có tinh thần tập thể, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Những phẩm chất này bao gồm: Cần cù lao động, không ngừng học hỏi và phấn đấu; Tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tránh chủ nghĩa cá nhân và tư lợi; Lòng nhân ái, yêu thương đồng bào và đồng chí, tôn trọng mọi người, đặc biệt là những người yếu thế. Bên cạnh đó, Người luôn coi phê bình và tự phê bình là một công cụ quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên tự sửa sai và hoàn thiện đạo đức. Người khuyến khích mọi người tự kiểm điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của mình, cũng như nhận sự phê bình từ người khác để không ngừng hoàn thiện bản thân. Cán bộ phải là những người nêu gương trong đời sống đạo đức và công tác. Người từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền" – Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.284. Điều này khuyến khích cán bộ sống và làm việc bằng chính hành động cụ thể, tạo lòng tin và uy tín với nhân dân. Hơn nữa, việc phát triển đạo đức phải đi đôi với trình độ chuyên môn, năng lực quản lý. Không chỉ đạo đức mà còn cần có kiến thức vững vàng, khả năng lãnh đạo tốt để phục vụ tốt cho sự nghiệp của Đảng và đất nước. Tại chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp” của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương ngày 05 tháng 03 năm 2024 có viết, con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng, trước hết, là con người có lý tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người và có tinh thần đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người và xã hội loài người, đó là con người “hồng thắm”; thứ hai, là con người có đạo đức trung thực, thẳng thắn, liêm khiết, khiêm tốn, dũng cảm, đó là con người “có đức”. Để những con người “hồng thắm” và “có đức” này mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội thì cần phải có sự hiểu biết, năng lực chuyên môn và thể hiện ở hành động, hiệu quả trong lao động cần cù sáng tạo, đó là con người “chuyên sâu” và “có tài”. Theo Người, “hồng thắm” và “chuyên sâu”, “có đức” và “có tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, không giúp ích gì được ai”.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức con người và đạo đức cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và phát triển xã hội hiện nay

Tư tưởng của Người về đạo đức vẫn giữ nguyên giá trị, giúp định hướng cho việc xây dựng và rèn luyện phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời đại mới. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong vai trò là người lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có thể nói, Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới mà Cố Tổng Bí thư thay mặt Bộ chính trị ban hành ký ban hành tháng 5 vừa qua đã kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về Xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó xây dựng Đảng về Đạo đức là nền tảng.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh "Đức làm gốc", bởi vậy trong xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ, chúng ta cần làm tốt hơn nữa những chủ trương, định hướng của Đảng về nội dung này như: Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… Đạo đức được xem là "cái gốc", tức là nền tảng cơ bản để một người cách mạng có thể lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Khi cán bộ, đảng viên luôn giữ vững tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi việc, đặc biệt là trong việc rèn luyện đạo đức và lối sống, họ sẽ tạo được niềm tin và sự yêu mến từ quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định “Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn” trong tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của ông do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản vào năm 2023. Ông nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tránh xa chủ nghĩa cá nhân, không để chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào tư tưởng, hành động. Tham nhũng và các hành vi tiêu cực không chỉ gây tổn hại đến niềm tin của nhân dân mà còn đe dọa sự tồn tại và phát triển của Đảng và đất nước. Vì vậy, cần kiên quyết và kiên trì trong công cuộc này, không được thỏa hiệp hay lơ là. Cố Tổng bí thư đã phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2026 ngày 11/8/2021 rằng: Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Việc giữ vững tinh thần tập thể, vì dân, vì nước là điều kiện cốt lõi để bảo vệ sự trong sạch và sức mạnh của Đảng.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị phải thường xuyên tự soi, tự sửa, thực hành nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm túc quán triệt các quy định của Đảng về vai trò nêu gương của cán bộ như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…Người đứng đầu không chỉ có vai trò quản lý, lãnh đạo mà còn là tấm gương để các cấp dưới và quần chúng noi theo. Vì vậy, họ phải luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi hành động, đặc biệt là trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và lối sống. Việc "nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân" nghĩa là người cán bộ, đảng viên cần ý thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc phục vụ lợi ích chung. Họ phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân lên hàng đầu, đồng thời gương mẫu trong hành động, quyết liệt đấu tranh chống những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Khi người đứng đầu gương mẫu và có đạo đức trong sáng, họ sẽ tạo được niềm tin vững chắc từ quần chúng, từ đó thúc đẩy sự đoàn kết và sự phát triển bền vững của tập thể. Bản thân đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và toàn xã hội hiện nay.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một trách nhiệm, là sự tự giác rèn luyện đạo đức suốt đời. Sự tự giác rèn luyện đạo đức theo gương Bác Hồ đòi hỏi mỗi người phải liên tục nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Điều này không phải là một quá trình ngắn hạn, mà là suốt đời. Nó không chỉ giúp bản thân mỗi người hoàn thiện hơn, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp, xây dựng xã hội phát triển bền vững; không chỉ củng cố lòng tin vào Đảng và Nhà nước mà còn góp phần tạo nên một lớp cán bộ, đảng viên có đạo đức trong sáng, gương mẫu trong mọi việc, từ đó tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước.

Xây dựng nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Về vai trò của đạo đức trong cấp lãnh đạo và quản lý: Đạo đức là yếu tố cốt lõi giúp nhà lãnh đạo và người quản lý Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xây dựng lòng tin với cấp dưới, với khách hàng, từ đó thúc đẩy mọi người đoàn kết và cống hiến cho mục tiêu chung. Uy tín của người lãnh đạo không chỉ đến từ năng lực mà còn từ việc họ luôn hành động theo những giá trị đạo đức đúng đắn. Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro và xung đột nội bộ. Bên cạnh đó, yếu tố đạo đức giúp người lãnh đạo Vietcombank tránh xa các hành vi tham nhũng, lạm quyền và các hành động tiêu cực khác. Họ không chỉ tránh gây ra những thiệt hại cho tổ chức mà còn kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi sai trái, góp phần bảo vệ sự trong sạch và hiệu quả của tổ chức; đảm bảo rằng các quyết định và hành động được thực hiện vì lợi ích chung, không phải vì lợi ích cá nhân hay nhóm nhỏ. Họ luôn là những tấm gương sáng để người khác noi theo.

Về chống tham nhũng, tiêu cực: Giáo dục và nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ nhân viên Vietcombank luôn được coi là yếu tố then chốt. Cán bộ được trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ và trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng và hệ thống tài chính. Cùng với đó, Vietcombank cũng có những biện pháp xử lý mạnh mẽ và nghiêm khắc đối với những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, không có "vùng cấm", nhằm răn đe và cảnh báo những cá nhân, tổ chức có ý định lợi dụng hệ thống tài chính để tham nhũng. Vietcombank luôn khuyến khích sự rõ ràng trong mọi giao dịch, thúc đẩy một môi trường mà các hành vi sai trái, thiếu đạo đức sẽ bị phát hiện và xử lý một cách công bằng.

Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Đối với Vietcombank, đây là lời nhắc nhở quan trọng về việc luôn đặt lợi ích của tập thể, khách hàng lên hàng đầu, đảm bảo tính minh bạch, trung thực trong mọi hoạt động nghiệp vụ. Cán bộ không ngừng rèn luyện đạo đức, giữ gìn sự liêm khiết và trách nhiệm trong công việc. Điều này được thể hiện qua sự minh bạch trong các giao dịch tài chính, sự tận tụy trong việc bảo vệ tài sản của khách hàng và duy trì uy tín của tổ chức. Chủ tích Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng, người cán bộ phải “lấy dân làm gốc,” nghĩa là phải trung thành với lợi ích của nhân dân. Trong ngành ngân hàng, điều này tương đương với việc các cán bộ phải đặt quyền lợi của khách hàng và tổ chức lên trên hết, không được mưu lợi cá nhân, đồng thời phải luôn giữ gìn sự tin cậy và tín nhiệm từ phía khách hàng.

Phòng chống rủi ro đạo đức cán bộ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Trong thời gian gần đây, ngành ngân hàng nói chung đang phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến đạo đức cán bộ. Hàng loạt vụ mất tiền của khách hàng gửi tại ngân hàng do chính cán bộ ngân hàng chiếm đoạt gây ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động của các tổ chức tài chính. Điển hình như vụ việc bà A, Giám đốc Ngân hàng M lợi dụng chức vụ để lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng tại ngân hàng này. Cụ thể, theo phản ánh của bà N.T.L (Hà Nội), số tiền hơn 58 tỷ đồng trong tài khoản của bà bỗng dưng không cánh mà bay. Dù giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản số 432/CV/MSB đến thời điểm 10 giờ 8 phút ngày 7/10/2023, tài khoản của bà L là 58,65 tỷ đồng nhưng đến ngày 12/10/2023 tài khoản chỉ còn 93.640 đồng. Vụ việc của bà L chưa hết ồn ào, thì 1 khách hàng khác của ngân hàng nói trên là bà V.T.K.O. (Hà Nội) cũng phản ánh tài khoản bị rút sạch số tiền 27,7 tỷ đồng. Cả bà L và bà O đều cho biết, sao kê tài khoản hiển thị rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do họ yêu cầu/thực hiện. Ngân hàng M cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện “có dấu hiệu bất thường về việc một số cán bộ, nhân viên với một nhóm khách hàng có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia vào ngân hàng”. Vì vậy, ngân hàng đã chủ động trình báo công an.

Từ những sự vụ đã và đang xảy ra chúng ta dễ dàng nhận thấy tình huống phổ biến liên quan đến rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng đó chính là:

Tham nhũng và hối lộ: Cán bộ ngân hàng có thể bị cám dỗ nhận hối lộ để cấp tín dụng hoặc thực hiện các giao dịch tài chính có lợi cho một số cá nhân hoặc tổ chức nhất định, gây tổn hại đến lợi ích của ngân hàng và khách hàng.

Lạm dụng quyền lực: Cán bộ ngân hàng có thể lạm dụng quyền lực để thực hiện các giao dịch tài chính không hợp pháp hoặc không tuân thủ quy định của ngân hàng. Cán bộ ngân hàng có thể đưa ra quyết định dựa trên lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người thân, thay vì vì lợi ích của ngân hàng và khách hàng.

Quản lý thông tin và bảo mật: Cán bộ ngân hàng có thể làm rò rỉ thông tin nhạy cảm của khách hàng hoặc của ngân hàng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và sự bảo mật của tổ chức. Việc không công bố đầy đủ thông tin tài chính hoặc xử lý thông tin một cách không rõ ràng có thể làm giảm sự tin cậy của khách hàng và các nhà đầu tư.

Vi phạm quy định nội bộ và pháp luật: Cán bộ ngân hàng có thể vi phạm các quy trình và quy định nội bộ của ngân hàng, dẫn đến các hành vi không đúng đắn hoặc không hợp pháp. Một số ngân hàng có thể gặp vấn đề với việc báo cáo tài chính không chính xác hoặc thiếu minh bạch, gây ảnh hưởng đến việc quản lý rủi ro và sự tin cậy của các bên liên quan.

Quản lý rủi ro đạo đức cán bộ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm rằng các hoạt động của ngân hàng được thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật. Đây là một phần thiết yếu trong việc bảo vệ uy tín và bền vững của ngân hàng. Do vậy Vietcombank cần có các phương pháp và chiến lược chính để quản lý rủi ro đạo đức cán bộ.

1. Thiết lập chính sách và quy định đạo đức

Vietcombank đã xây dựng Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (cập nhật mới nhất là Quyết định số 16/QĐ-HĐQT-QLRRHĐ ngày 07/01/2021) quy định các tiêu chuẩn về đạo đức và hành vi mong đợi từ cấp cán bộ đến lãnh đạo, từ quần chúng đến đảng viên. Bộ quy tắc này bao gồm các quy định về cấp tín dụng; nhận tiền gửi/đi vay; quan hệ với khách hàng; quan hệ với đối tác, nhà cung cấp; quan hệ đồng nghiệp; lợi ích cá nhân; sử dụng và bảo mật thông tin; việc làm ngoài Vietcombank; giấy phép và bản quyền; xây dựng phẩm chất cá nhân. Các quy định được cập nhật thường xuyên để phản ánh sự thay đổi của pháp luật và thực tiễn hoạt động, được rà soát định kỳ để đảm bảo rằng các chính sách vẫn còn phù hợp và hiệu quả.

2. Tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức

Vietcombank thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo định kỳ cho cán bộ nhân viên các cấp về các quy định đạo đức, quy chế nội bộ và pháp luật liên quan. Đào tạo bao gồm các tình huống thực tế và cách xử lý khi gặp phải các tình huống đạo đức khó khăn và đảm bảo rằng tất cả các nhân viên đều hiểu rõ vai trò của mình trong việc duy trì tiêu chuẩn đạo đức của ngân hàng, biết cách báo cáo các hành vi sai trái.

3. Xây dựng và thực hiện hệ thống giám sát và kiểm tra

Vietcombank đã xây dựng quy trình giám sát liên tục các hoạt động của ngân hàng, thiết lập các chốt kiểm soát để phát hiện sớm các dấu hiệu của rủi ro đạo đức; tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ về các quy trình và hoạt động của ngân hàng để đảm bảo rằng các quy định đạo đức được tuân thủ.

4. Khuyến khích báo cáo và xử lý vi phạm

Vietcombank đã thiết lập các kênh báo cáo an toàn và bảo mật cho nhân viên để họ có thể thông báo các hành vi vi phạm đạo đức mà không sợ bị trả thù. Điều này có thể bao gồm các đường dây nóng, email bí mật hoặc các kênh báo cáo trực tuyến; đảm bảo rằng tất cả các vi phạm đạo đức đều được xử lý nghiêm minh, công bằng và kịp thời. Quy trình xử lý vi phạm công khai và rõ ràng, với các hình thức kỷ luật phù hợp để ngăn ngừa hành vi tái phạm.

5. Xây dựng văn hóa đạo đức và trách nhiệm

Người lãnh đạo ngân hàng luôn là tấm gương về đạo đức và trách nhiệm. Họ luôn thể hiện các tiêu chuẩn đạo đức cao và nêu gương trong mọi hành động và quyết định, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ nhân viên thực hiện các giá trị này. Hơn nữa, Vietcombank luôn khuyến khích các hành vi đạo đức và trách nhiệm trong môi trường làm việc, thông qua việc khen thưởng các cá nhân và nhóm có thành tích xuất sắc trong việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức.

6. Đánh giá và cải tiến liên tục

Vietcombank thực hiện các cuộc đánh giá định kỳ về hiệu quả của các biện pháp quản lý rủi ro đạo đức để xác định những điểm cần cải tiến; sử dụng phản hồi từ các nhân viên và kết quả của các cuộc kiểm tra để điều chỉnh các chính sách và quy trình; liên tục cải tiến các quy trình và hệ thống quản lý rủi ro đạo đức dựa trên kết quả đánh giá và các thay đổi trong môi trường hoạt động. Điều này giúp ngân hàng duy trì sự linh hoạt và khả năng thích ứng với các thách thức mới.

Việc quản lý rủi ro đạo đức tại Vietcombank đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và liên tục để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn đạo đức được duy trì và phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên liêm chính, trong sạch, có đạo đức là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố đạo đức con người để quản trị rủi ro, Vietcombank trong nhiều năm liền đã đạt được những giải thưởng cao quý như: Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (8 năm liên tiếp) và trong Top 50 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam năm 2023 do Anphabe tổ chức thường niên, với sự bảo trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 23/11/2023; Top 10 ngân hàng thương mại uy tín năm 2024 (9 năm liên tiếp) và Top 50 công ty đại chúng uy tín, hiệu quả năm 2024 Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam phối hợp cùng Báo điện tử VietNamNet trao tặng vào ngày 02/8/2024; Nơi làm việc tốt nhất Châu Á năm 2024 do HR Asia Magazine - Tạp chí nhân sự uy tín hàng đầu Châu Á trao tặng vào ngày 08/08/2024 vừa qua…

Có thể nói, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là một nhiệm vụ chính trị đơn thuần, mà còn là trách nhiệm và sự tự giác rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên trong suốt cuộc đời. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa để không phải xót xa ân hận về những việc làm ty tiện, đớn hèn vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang đi được đâu, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”_ Phát biểu của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15/9/2021.

Phan Thị Thùy Duyên, Vietcombank CN Tây Hà Nội

 

 

 

.
.
.
.