.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Danh dự của người cán bộ Ngân hàng

Thứ Hai, 04/11/2024|15:51

“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa để không phải xót xa ân hận về những việc làm ti tiện, đớn hèn vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang đi được đâu, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Lời nói trên được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng và tại một số Hội nghị khác đã tạo sự lay động, khắc ghi vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên.

Ngành ngân hàng đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế, không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ tài chính mà còn là một biểu tượng của niềm tin và sự ổn định. Danh dự của cán bộ ngân hàng không chỉ gắn liền với trách nhiệm cá nhân mà còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và uy tín của toàn ngành. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng. Danh dự trở thành một giá trị thiêng liêng, cao quý mà mỗi cán bộ ngân hàng cần gìn giữ và phát huy.

Theo từ điển tiếng Việt, "Danh dự" là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Danh dự là danh từ mang ý nghĩa tích cực, thể hiện những giá trị tinh thần và đạo đức tốt đẹp của mỗi người. Danh dự được hình thành dựa trên bản chất đạo đức, những mối quan hệ trong xã hội; là uy tín, phẩm hạnh, sự tôn trọng từ người khác.

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu rất ý nghĩa để nêu lên tầm quan trọng của danh dự trong đời sống con người như: Cọp chết để da, người chết để tiếng; Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng; Tốt danh hơn lành áo; Đói cho sạch, rách cho thơm; Giấy rách phải giữ lấy lề; Chết vinh còn hơn sống nhục; Nói chín thì phải làm mười/ Nói mười làm chín, kẻ cười người chê…

Danh dự của cán bộ ngân hàng bao gồm uy tín, sự tin cậy và phẩm hạnh trong công việc. Nó thể hiện qua cách mà cán bộ ngân hàng thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và đảm bảo sự minh bạch trong các giao dịch tài chính.

Trong ngành ngân hàng, danh dự có vai trò vô cùng quan trọng, giúp xây dựng lòng tin, đảm bảo chất lượng dịch vụ và góp phần phát triển xã hội. Danh dự là yếu tố quan trọng nhất giúp ngân hàng xây dựng và duy trì lòng tin từ phía khách hàng, khách hàng cần cảm thấy an tâm khi gửi gắm tài sản và thông tin cá nhân của họ, cán bộ ngân hàng với danh dự cao sẽ luôn nỗ lực cung cấp dịch vụ tốt nhất, từ tư vấn, giao dịch đến xử lý khiếu nại. Danh dự của cán bộ ngân hàng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn đến cả nền kinh tế, ngành ngân hàng uy tín sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.

Nhưng uy tín, thanh danh không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời chỉ dạy của Bác Hồ, rằng “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. (Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/, mục Sinh hoạt tư tưởng, chuyên đề “Danh dự”).

Danh dự của người cán bộ ngân hàng có thể bị làm tổn hại bởi nguy cơ tham nhũng, gian lận và thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Tham nhũng và gian lận là những hành vi không minh bạch, thiếu trách nhiệm có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự cá nhân và tổ chức.

Lĩnh vực kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh gắn trực tiếp với tiền tệ cũng là nơi mà bọn tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất lợi dụng chức năng nhiệm vụ để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật. Tham nhũng trong ngành ngân hàng diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Ngoài các hành vi vay ké khách hàng, lập khống hồ sơ vay vốn, thông đồng trong nội bộ để chiếm đoạt tiền quỹ ATM, lợi dụng chức vụ giả mạo hồ sơ chiếm đoạt tiền tiết kiệm, tiền vay, mua bán hóa đơn… như đã xảy ra trước đây, ngày nay ngành ngân hàng còn xuất hiện các hình thức vi phạm mới như rửa tiền, sử dụng công nghệ cao để đánh cắp thông tin, thực hiện các hoạt động lừa đảo…

Thiếu đạo đức nghề nghiệp không những xảy ra tại một bộ phận cán bộ ngân hàng mà còn có cả cán bộ cấp cao của ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Một số cán bộ ngân hàng có thể vì lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm đối với khách hàng và xã hội.

Vụ án tham nhũng nổi bật trong ngành ngân hàng hiện nay là vụ án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - Lê Đức Thọ bị truy tố với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Nhận hối lộ." Cụ thể, trong việc Xuyên Việt Oil, ông Thọ đã hai lần nhận hối lộ 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Xuyên Việt Oil. Để vụ lợi cá nhân, Lê Đức Thọ đã từ bỏ danh dự, vi phạm pháp luật dẫn đến con đường lao lý, bị tịch thu tài sản, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân. Có thể nói, đây là bài học cảnh báo điển hình cho việc mất danh dự là mất tất cả.

Sinh thời, Bác Hồ vẫn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Hạnh dục phương nghĩa là đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng. Phải tránh xa những thói xấu “lười biếng, gian giảo, tham ô”. Phải biết sống “ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng”, “không tham địa vị, không tham tiền tài”. Cán bộ, đảng viên phải biết giữ “thanh danh của Đảng” và “danh giá của mình”[1]. Giữ gìn danh giá của mình tức là trọng danh dự, do đó sẽ không sa vào tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác.

Giữ gìn danh dự của người cán bộ công tác trong ngành ngân hàng, đặc biệt là các đảng viên là điều thiêng liêng nhất, giúp tạo nên sức mạnh tinh thần để làm điều tốt, đấu tranh chống điều sai trái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Để giữ gìn danh dự, trước tiên, người cán bộ ngân hàng phải đề cao đạo đức, phẩm hạnh và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng phải tuân theo những yêu cầu và chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thức đúng với nghề của mình. Để nâng cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, ngày 25/02/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng theo quyết định số 11/QĐ-HHNH bao gồm 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử. Đây là những yêu cầu mang tính cốt lõi đối với người cán bộ ngân hàng, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động và hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp cho bản thân. Cán bộ ngân hàng cần cam kết thực hiện công việc một cách trung thực, công bằng và minh bạch.

Tháng 01 năm 1965 trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.

Bên cạnh tuân thủ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, người đảng viên công tác trong lĩnh vực ngân hàng cần rèn luyện đạo đức cách mạng, hiện tại là Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương quy định 05 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên trong giai đoạn mới. Theo đó, 05 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên trong giai đoạn mới bao gồm: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Để trở thành người cán bộ ngân hàng vừa hồng vừa chuyên, việc đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ là cần thiết. Liên tục học hỏi và phát triển kỹ năng sẽ giúp cán bộ ngân hàng nâng cao uy tín và danh dự. Cán bộ ngân hàng cần chủ động tham gia và hoàn thành tốt các khóa đào tạo nội bộ, học lên cao, tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về kinh tế xã hội, phát triển kỹ năng giải quyết công việc, đặc biệt là ứng dụng lợi thế công nghệ thông tin giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Thực tế, cán bộ ngân hàng đều phải hoàn thành chỉ tiêu, doanh số, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng và khách hàng, giữ gìn tài sản của ngân hàng và khách hàng, do đó, xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để tạo dựng lòng tin vững bền, điều này không chỉ tạo ra sự tin cậy và trung thành từ phía khách hàng mà còn giúp tăng cường giá trị cho cả hai bên.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ ngân hàng không tránh khỏi sai sót, khi đó cần thể hiện thái độ dám đối diện và sửa chữa lỗi lầm, không nên né tránh, đổ lỗi mà cần đánh giá, đưa ra biện pháp khắc phục, từ đó rút ra bài học để hoàn thiện bản thân.

Danh dự của cán bộ ngân hàng không chỉ là một giá trị cá nhân mà còn là nền tảng xây dựng sự phát triển bền vững cho ngành ngân hàng. Mỗi cán bộ cần ý thức được trách nhiệm của mình, gìn giữ và phát huy danh dự, từ đó góp phần xây dựng ngành ngân hàng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của xã hội. Đó cũng là yếu tố giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, cuộc sống giàu ý nghĩa, cao quý và nhân văn./.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 295.

Đảng bộ BIDV

 

.
.
.
.