Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Kiên định mục tiêu và con đường: "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" tại Việt Nam
Đầu thế kỷ thứ XX, sau nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp xâm lược của nhân dân ta vùng lên bị đàn áp đẫm máu và thất bại, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn trên con tàu Amiral Latouche-Tréville sang Phương Tây, mang theo mình khát vọng đi tìm “hình của nước”, tìm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Hành trình vừa lao động vừa học tập gian khổ của người thanh niên yêu nước bôn ba qua rất nhiều nước lớn nhỏ tại Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ; sống và làm việc với nhân dân các dân tộc, các chế độ và nhiều nền văn hóa đa dạng trên thế giới đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, từ đó tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Sau 30 năm gian khổ bôn ba đi tìm con đường cho dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đúc kết và truyền bá những nội dung cơ bản của học thuyết Mác-Lênin ở Việt Nam vào những bài giảng của Người. Tập "Đường Kách mệnh" ra đời năm 1927 đã chỉ rõ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kế thừa những giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin áp dụng vào con đường cách mạng tại Việt Nam, con đường: “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội”.
Cuốn "Đường Kách mệnh"- Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. |
Qua một thế kỷ của thực tiễn lịch sử, có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mang tính đúng đắn về lý luận, về thực tiễn và là xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Cụ thể như sau:
1. Tính đúng đắn về lý luận, tính tất yếu và xu thế phát triển trong thời đại ngày nay. “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.”[1]
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là giải pháp cách mạng dân tộc “mới”, thể hiện tính triệt để và tính sáng tạo trong tư duy cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính triệt để thể hiện qua mục tiêu cuối cùng trong sự nghiệp cách mạng theo tư tưởng của Người là đặt con người, đặt nhân dân lên trước nhất. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo đối với các vấn đề lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trong quá trình vận dụng vào thực tiễn cách mạng tại Việt Nam. Trong báo cáo Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây chính là nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa cơ bản, sống còn với chế độ ta, là con đường đúng đắn và duy nhất, không được lung lay, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh xác định con đường cách mạng tại Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn thứ nhất, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, trong đó giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ dân chủ nhân dân bảo đảm mục tiêu xây dựng một nền độc lập hoàn toàn, là bước tiếp theo kế thừa nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Vì thế, ở giai đoạn này, độc lập dân tộc là mục tiêu tiên quyết. Độc lập dân tộc không chỉ là khát vọng của riêng dân tộc Việt Nam mà còn là khát vọng mà “tạo hóa” ban cho loài người và các dân tộc nói chung trên toàn thế giới.
Trải qua 3 giai đoạn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ (1930-1975), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định để đi tới xã hội cộng sản; độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo đó, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được thực hiện triệt để chính là điều kiện sống còn để con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được thực hiện thành công ở đất nước ta.
Theo học thuyết Mác, có 5 hình thái kinh tế xã hội trong tiến trình phát triển xã hội loài người: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trong đó, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ lâu dài, nhiều thách thức và là một bước tất yếu để nhân loại có thể đi lên hình thái xã hội cao nhất của loài người – chủ nghĩa cộng sản. Các Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê với gia cấp tư sản[10]. Mâu thuẫn này không thể giải quyết trong lòng xã hội tư bản và là nguyên nhân của cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và vô sản. Sự phát triển khách quan của lực lượng sản xuất tất yếu dẫn đến việc xã hội phải từ bỏ bằng cách này hay cách khác quan hệ sản xuất cũ và thay thế nó bằng một kiểu quan hệ sản xuất mới, phù hợp với trình độ phát triển của lượng sản xuất. Đây là quy luật tất yếu. Trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Các Mác và Ăngghen đã phân tích nguyên nhân cuộc đấu tranh giai cấp dẫn đến sự sụp đổ của chế độ phong kiến để hình thành nên xã hội tư bản(Chúng ta đã thấy rằng)[7]. Như vậy, sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã giải phóng lực lượng sản xuất. Song, bản chất chỉ là sự thay thế chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất từ giai cấp địa chủ sang giai cấp tư sản. Vì thế mâu thuẫn của giai cấp tư sản và vô sản lại tương tự giai cấp địa chỉ và nông nô tiếp tục diễn ra trong xã hội tư bản. Bởi vậy: “Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày ngay quay lại đập vào chính giai cấp tư sản”[8]. Nghĩa là, lịch sử đã tạo ra chủ nghĩa tư bản hiện đại và đến lượt nó trở thành vậ cản của văn minh nhân loại. Đồng thời khẳng định, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, tất cả các giai cấp, tầng lớp trung gian bị bóc lột đều đấu tranh chống lại giai cấp tư sản. Vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào xây dựng đất nước ta, từ khi thành lập Đảng đến nay Đảng ta luôn kiên định lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định tính ưu việt của lựa chọn đi từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Đây chính là tính sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người nhận định: “bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”. [2]
2. Thực tiễn lịch sử gần một thế kỷ đấu tranh và xây dựng đất nước Việt Nam đã và đang chứng minh sự sáng suốt của Đảng ta trong kiên định mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo phương thức gián tiếp, bỏ qua chủ nghĩa tư bản. Bước sang thế kỷ XXI, có thể nói chủ nghĩa tư bản mang tính toàn cầu và đạt được những thành tựu và tiến bộ vượt bậc. Điều đó là do chủ nghĩa tư bản bản thân đang có nhiều sự điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới, giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất dựa trên sức mạnh của các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản phát triển và bành trướng bản chất là nhờ vào sự chiếm đoạt “giá trị thặng dư” ngày càng tinh vi và không có giới hạn của giới tư bản, tạo nên sự phân cực ngày càng sâu sắc trong vấn đề sở hữu tài sản, khoét sâu thêm khoảng cách giàu – nghèo, phân hóa giai cấp. Đó chính là nguyên nhân gốc rễ của những mâu thuẫn tự mang mà bản thân chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được, mâu thuẫn giữa một bên là tính tư hữu về tư liệu sản xuất với một bên là tính phân phối trong quan hệ sản xuất. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các cuộc khủng hoảng về tài chính, suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng y tế, xã hội và chính trị vẫn diễn ra, đặc biệt qua các biến cố lớn của nhân loại như Đại dịch Covid 19, khủng hoảng năng lượng, lương thực,… đã phơi bày sự thật bất công và sự phân hóa giàu nghèo, xung đột sắc tộc ngày càng rõ nét trong xã hội các nước tư bản. “Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu” [3] Điều đó là minh chứng không thể chối cãi về tính không bền vững của hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa, và những mâu thuẫn tự thân của nó không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ của xã hội chế độ tư bản chủ nghĩa.
Qua các giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản, nhất là giai đoạn đầu thế kỷ XXI, chủ nghĩa tư bản ngày cảng “tử tế” nhưng bản chất không thay đổi. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì mâu thuẫn giữa một bên là tính tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất và một bên là tính xã hội hoá ngày càng cao của quan hệ sản xuất ngày càng gia tăng. Sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XXI bằng công cụ thuế, chính sách phúc lợi giúp thiết chế tự do dân chủ được “làm mới”, tuy nhiên quyền lực thực chất không nằm trong tay nhân dân. Thay vào đó, cần nhìn nhận rõ rằng, một bộ phận rất nhỏ các cá nhân/tập đoàn tư bản lớn (1% dân số) nhưng chiếm hữu phần lớn (3/4) nguồn tư liệu sản xuất (tài chính, tri thức, truyền thông, …) và có tài sản có thể lớn hơn cả 99% dân số còn lại, từ đó chi phối toàn bộ xã hội tư bản (phủ định luận điệu của chủ nghĩa tư bản cho rằng 1% người giàu đó đang tạo công ăn việc làm cho tỷ lệ 99% dân số còn lại). Sự thật về những con số biết nói về diễn biến tài sản và thu nhập diễn ra trong 25 năm cuối của thế kỷ XX ở các nước phát triển đã được học giả Thomas Piketty nghiên cứu và diễn giải thuyết phục trong cuốn sách “Tư bản thế kỷ XXI” (xuất bản năm 2013). Thông qua tiếp cận thực nghiệm bằng phương pháp nghiên cứu thống kê, xây dựng một ngân hàng dữ liệu lịch sử khổng lồ, đáng tin cậy và không thể chối cãi về thu nhập, tài sản trên phạm vi toàn cầu, đồng thời diễn giải xu hướng, cấu trúc qua biểu đồ, diễn biến của sự phân phối và tái phân phối của cải liên quan tới sự tích lũy tư bản hiện lên chân thực hơn bao giờ hết. Trong đó nổi lên hai hiện tượng có thể được gọi là những dữ liệu thực nghiệm của tích lũy tư bản. Sự tích lũy tư bản nghĩa là tăng tỷ suất tư bản quốc gia/thu nhập quốc gia khiến cho vốn tư bản tăng nhanh hơn thu nhập quốc gia. “Từ năm 1950 tỉ suất này tăng liên tục, tới mức sang đầu thế kỷ này, nó đạt tới những đỉnh điểm được khi nhận tỉ suất tư bản/thu nhập trong giai đoạn 2000-2010 ở vào mức năm - sáu năm thu nhập” [4] và ngoại suy sự đoán đến cuối thế kỷ XXI, tỷ suất tư bản quốc gia/thu nhập quốc gia sẽ tiếp tục tăng tới mức 700%. Đồng thời, các di sản tích tụ từ quá khứ tái tư bản hóa nhanh hơn sự tăng trưởng kinh tế, ngay cả trong trường hợp hoàn toàn vắng bóng thu nhập của lao động, dẫn đến đặc điểm của xã hội tư bản là “sự tập trung di sản cao độ, khối lượng lớn và trường tồn theo thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác.” [5]
Chuỗi thống kê nói trên cũng chỉ ra mức độ tập trung tư bản/sự bất bình đẳng về tài sản qua những con số đáng kinh ngạc: 1% số dân thế giới sở hữu 50% tài sản toàn cầu, hay tài sản của 1% giàu nhất tổng cộng lên tới 110 nghìn tỉ Đô-la, tức là 65% tài sản của nửa giàu nhất trong loài người, hay nửa nghèo nhất của nhân loại, tổng tài sản của của họ cộng lại mới bằng tài sản của 85 người giàu nhất thế gian. Bên cạnh đó, tuy không lớn bằng bất bình đẳng về tài sản nhưng sự bất bình đẳng trong thu nhập cũng góp phần mạnh mẽ để ngày càng khoét sâu thêm sự bất công trong phân phối của cải tại xã hội tư bản chủ nghĩa. Ở Châu Âu và ở Nhật, trong vài thập niên gần đây, thu nhập của số 0,1% dân số có thu nhập cao nhất đã tăng gần gấp đôi, từ 1,5% lên tới 2,5% thu nhập quốc gia. Nhưng ở Hoa Kỳ, là cả một sự bùng nổ: từ 2% lên 10% (cùng thời kỳ). 2% (hay 10%) thu nhập quốc gia dành cho 0,1% dân số có nghĩa là: thu nhập của mỗi người trong nhóm này có thu nhập gấp 20 lần (hay 100 lần) thu nhập trung bình. Người dân tại các nước tư bản chủ nghĩa cũng dần cảm nhận được có thể mơ hồ, có thể sâu sắc về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, nghi hoặc về “khế ước xã hội” của nền dân chủ “Tự do, bình đẳng, bác ái” được chủ nghĩa tư bản vẽ ra. Hậu quả là các phong trảo phản kháng, biểu tình vẫn diễn ra rộng rãi, các cuộc bầu cử gắn mác “tự do”, “dân chủ” vẫn có bê bối và thực chất, đằng sau vận hành chính sách đa đảng là sự thâu tóm của các tập đoàn tư bản. Sự tập trung về quyền lực kinh tế và chính trị là hai bánh răng vận hành trơn tru của cỗ máy tư bản chủ nghĩa, theo đó sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Không khó để nhận ra điều đó nên sự điều tiết tư bản đã được diễn ra bằng các công cụ như thuế lũy tiến trên thu nhập của tư bản, chính sách phúc lợi... Tuy nhiên, khi điểm lại các diễn biến này, việc đánh thuế trên thu nhập của tư bản (trên thực tế cũng không triệt để do vô số các biến tướng và thiên đường trốn thuế…) không giải quyết được sự bất bình đẳng cố hữu mà thay vào đó phải đánh thuế trên tư bản, và điều này có thể nói là không tưởng.
Thực tiễn phát triển một số nước trên thế giới sau khi giành được độc lập đã lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa để xây dựng và phát triển, tuy nhiên cũng chưa có được nền dân chủ thực sự và chưa thực sự đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mặc dù có sự hậu thuẫn của các nước tư bản, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, suy thoái kinh tế, nghèo đói, khủng hoảng nhân đạo vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia dân chủ cộng hòa. Lịch sử kiểm chứng khi trải qua những biến động lớn của nhân loại như Đại dịch Covid, khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, tại các nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giai cấp ngày càng gia tăng, độc lập dân tộc của một số nước thậm chí còn có nguy cơ bị đe dọa.
Biểu đồ 10.10: Lợi tức của tư bản (sau khi nộp thuế) và tỉ suất tăng trưởng toàn cầu từ thời Cổ Đại đến năm 2100. |
Soi vào những kết quả, thành tựu và cơ đồ của đất nước chúng ta có được ngày hôm nay càng cho thấy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi sự phát triển thực sự vì con người, “phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, cá lớn nuốt cá bé,...phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai,… một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” [6] Một xã hội mà tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân, không có ai bị bỏ lại phía sau. Nhìn rõ được bản chất và hạn chế của hình thái tư bản chủ nghĩa và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã phân tích đặc điểm, đặc thù của Việt Nam khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ đó đưa ra cách thức, phương thức, biện pháp, bước đi thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn đấu tranh và phát triển của dân tộc. Các thế hệ cách mạng của Đảng ta một mặt kiên định, kiên trì theo đuổi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mặt khác đã kế thừa và phát triển, vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc thù và điều kiện của đất nước từng giai đoạn. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới được cho là có tính bất ổn, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ; tình hình quốc tế diễn biến thay đổi khó lường; xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, khủng bố quốc tế, xung đột dân tộc, tôn giáo... vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhưng có thể khẳng định, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn luôn luôn là xu thế và mong muốn cháy bỏng của nhân loại. Đứng trước những thách thức vô cùng to lớn đó, với niềm tin mãnh liệt vào con đường đã sáng suốt lựa chọn, Đảng ta khẳng định “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. [7]
3. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẽ đi lên con đường chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Càng đi sâu vào thực tiễn của thời đại, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc được tính khó khăn và phức tạp của quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, nhận định đây là một sự nghiệp lâu dài. Lịch sử nửa thế kỷ đấu tranh gian khổ, “máu trộn bùn non” để giành độc lập và thống nhất đất nước đã để lại hậu quả nặng nề, khiến xuất phát điểm của nước ta trong quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một nước nông nghiệp lạc hậu, lực lượng sản xuất rất thấp. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang chống phá về lý luận bằng nhiều cách khác nhau như cách thức tiếp cận về mâu thuẫn trong lòng chế độ tư bản qua “sự va chạm các nền văn minh”, hoặc “điều kiện về địa lý” để làm nhạt đi lý luận của Chủ nghĩa Mác Lênin về quy luật sự vận động của các hình thái kinh tế xã hội. Những khó khăn đó đòi hỏi Đảng ta phải kiên định và ngày càng hoàn thiện về mặt lý luận, quan điểm đồng thời có những cách thức triển khai thực hiện đường lối đảm bảo nhất quán với quy luật chung và phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa như mong ước tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng của nhân dân, Đảng đã cụ thể hóa thành các chủ trương lớn: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội; đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa…chủ động tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.” [8] Trong đó, lý luận và thực tế vận dụng nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “một đột phá lý luận cơ bản và sáng tạo của Đảng ta”, là phương thức ưu việt để chúng ta thực hiện đi lên chủ nghĩa xã hội mà không cần trải qua hình thái tư bản chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế thị trường riêng có tại Việt Nam, trong đó thừa nhận sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ và đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa bàn tay vô hình của kinh tế thị trường và bàn tay hữu hình của nhà nước xã hội chủ nghĩa trên ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, giúp nước ta kế thừa, tiếp thu một cách chọn lọc những thành tựu, văn minh của nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản mà vẫn đảm bảo giải quyết được các “khuyết tật” của kinh tế thị trường như phân hóa giai cấp, bất bình đẳng xã hội… Điều đó có được là nhờ Đảng ta xác định nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế gắn bó mật thiết với xã hội, chính sách kinh tế đi đôi với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Trong đó, văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là yếu tố trung tâm, cốt lõi trong chiến lược phát triển, là yếu tố quyết định, làm nền móng để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa tiến bộ cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Có thể khẳng định đây không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ nhưng là hình thái kinh tế phù hợp mà Đảng ta đã lựa chọn trong quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay. Nhờ sự quyết tâm đổi mới, phát triển đúng đắn nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã thay da đổi thịt và khoác lên mình diện mạo và vị thế mới trong khu vực cũng như trên thế giới. Điều đó khẳng định rằng, cùng trình độ về lực lượng sản xuất nhưng chủ nghĩa xã hội thể hiện tính ưu việt khi giải quyết triệt để được cả vấn đề về phát triển kinh tế cũng như các vấn đề về quan hệ sản xuất, về xã hội tốt hơn so với hình thái tư bản chủ nghĩa. Đây cũng là cơ sở để nhân dân ta tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự lựa chọn đúng đắn về mục tiêu kiên trì theo đuổi độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
79 năm kể từ ngày giành được độc lập, dân tộc Việt Nam từ một dân tộc thuộc địa nghèo đói, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm đã giành được độc lập và đang ngẩng cao đầu trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước có được cơ đồ như ngày hôm nay khẳng định “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội” là lựa chọn lịch sử đúng đắn và duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã tìm ra, sáng suốt lựa chọn và phấn đấu thực hiện. Mặc dù trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng dưới lá cờ của Đảng, bằng tất cả niềm tin, sức mạnh của khối đại đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ và nỗ lực sáng tạo không ngừng của người Việt Nam, đất nước ta nhất định phấn đấu đạt được mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” [9]
[1] [6] [9] [11] [12] Trích "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
[2]VI Lenin toàn tập, t23, Nxb. Tiến bộ, Matxcova, 1980, tr. 1.
[3] [4] C.Mac và Ph. Ăngghen: Sđd, t.4, tr.603,604,605.0
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 84.
[7] [8] Tư Bản thế kỷ XXI - Thomas Piketty, tr.54, tr.558.
[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70.
Lê Trung Thành, BIDV