.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ đảng viên

Thứ Bảy, 16/11/2024|12:12

Theo tài liệu của Thư viện quốc gia Việt Nam (nguồn: https://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-viet-nam.html), văn hóa đọc là một khái niệm có hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, văn hoá đọc là sự hợp thành của ba yếu tố: ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh bắt đầu từ chính mỗi thành viên trong xã hội, sau đó phát triển thành ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của cộng đồng xã hội, các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

Tại sao phải phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ đảng viên

Việc đọc, hình thành văn hóa đọc có vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của một cộng đồng, một dân tộc. Nhà chính trị Mahatma Gandhi (Ấn Độ) đã từng nói về giá trị của việc đọc sách: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”. Hay, sinh thời Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Thật vậy, sách báo, tài liệu là một kho tàng kiến thức của nhân loại. Việc đọc giúp con người mở cánh cửa kho tàng vô giá đó và tiếp thu, lĩnh hội các tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu ở mọi lĩnh vực, các kinh nghiệm tinh túy được đúc kết của những người đi trước, giúp mỗi cá nhân rút ngắn được thời gian, công sức trong hành trình khám phá thế giới, mở mang tầm nhìn và hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc là nâng cao dân trí, tạo nền tảng quan trọng để phát triển của mỗi quốc gia.

Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu chung của việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc là: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.”

Quyết định này đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta, coi phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.

Người bình thường cần phải đọc, cán bộ đảng viên lại càng phải đọc nhiều hơn. Không những đọc các tài liệu chuyên môn, cán bộ đảng viên cần thiết phải rèn luyện việc đọc, nghiên cứu tài liệu lý luận chính trị, các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Bởi, không đọc, không nghiên cứu sẽ không đủ kiến thức, lý luận để đấu tranh với những luận điệu sái trái, thù địch, không phát huy được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ đảng viên. Bên cạnh đó, việc đọc sách, tài liệu giúp cán bộ đảng viên hình thành được lối tư duy rõ ràng, rành mạch, nhận thức đúng bản chất sự việc từ đó củng cố lập trường tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc “cách mạng màu”, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đảng là ngọn cờ lãnh đạo dẫn dắt dân tộc. Mỗi cán bộ đảng viên cần phải là một đầu tàu mẫu mực dẫn dắt quần chúng tin tưởng, tuân theo chủ trương, đường lối của Đảng. Để thực hiện được vai trò này, điều đầu tiên và trước hết, cán bộ đảng viên phải đọc, nghiên cứu để nắm vững được đường lối, chủ trương Đảng vạch ra trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, từ đó mới thực hiện công tác dân vận tốt được.

Thuận lợi và thách thức của công tác phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ đảng viên

Thuận lợi

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng xu hướng chuyển đổi số hiện nay đã tác động lớn đến văn hóa đọc trong cộng đồng. Ngày càng nhiều người, đặc biệt giới trẻ đang tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu trên nền tảng số bởi ưu điểm vượt trội như dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm và truy xuất thông tin nhanh, chuyển tiếp thông tin đơn giản… Các đơn vị cũng đẩy mạnh việc phát hành các văn bản, tài liệu điện tử song song việc xuất bản các đầu sách, tài liệu giấy. Ngày càng nhiều thư viện điện tử được hình thành và phát triển. Đây là một điều kiện thuận lợi để cơ quan nhà nước, các cấp quản lý tăng cường, thúc đẩy, khuyến khích các tập thể, cá nhân phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Bên cạnh đó, xét về mặt riêng, cán bộ đảng viên là đội ngũ có trình độ, phẩm chất cao hơn mặt bằng chung. Các tổ chức cơ sở Đảng định kỳ tổ chức họp, triển khai các văn bản, chỉ đạo của cấp trên và giữ mối liên lạc, giám sát chặt chẽ với các đảng viên. Do đó, việc thúc đẩy văn hóa đọc trong nội bộ cán bộ đảng viên có sự thuận lợi nhất định so với các tầng lớp quần chúng khác.

Thách thức

Thời đại công nghệ thông tin phát triển mang lại những thuận lợi nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho việc thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc. Môi trường số không chỉ chứa kho tàng tri thức là các đầu sách, tài liệu chất lượng, bổ ích, nó còn chứa đựng vô số các thông tin xấu, độc hại. Người đọc không có sự chọn lọc thông tin hoặc nền tảng kiến thức cơ bản sẽ dễ bị lôi kéo hoặc nhận thức sai, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, sự phát triển khỏe mạnh của thể chất, tinh thần người đọc. Bên cạnh đó, có rất nhiều lựa chọn giải trí trên nền tảng số, người dùng dễ dàng bị cuốn vào các hình thức giải trí như xem phim, chơi game, lướt mạng xã hội,… thay vì lựa chọn đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

Với cán bộ đảng viên, việc đọc nghiên cứu các sách lý luận, tài liệu, Nghị quyết của Đảng là một nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, khác với các loại sách thường thức phổ thông hay các sách văn học khác, sách lý luận hay tài liệu của Đảng yêu cầu người đọc có một trình độ nhận thức, nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng đọc hiểu nhất định. Do đó loại sách, tài liệu này dễ làm người đọc mất hứng thú hoặc không có hứng thú đọc, nó là một nguyên nhân khách quan góp phần dẫn đến tình trạng lười đọc, lười nghiên cứu lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ đảng viên.

Giải pháp phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ đảng viên

Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị yêu cầu: “Cần xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng. Khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách, trong đó có sách lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Một số giải pháp để phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ đảng viên có thể xem xét đến như sau:

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò tầm quan trọng của lý luận chính trị, sách lý luận chính trị; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của việc đọc sách nói chung và đọc sách lý luận chính trị nói riêng với việc nâng cao trình độ, hiểu biết lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Chỉ khi nhận thức được vai trò, vị trí của loại sách này, cán bộ, đảng viên mới tự giác, tích cực trong việc tự học và đọc sách lý luận chính trị (theo TS. Nguyễn Mậu Tuân – Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản lý luận chính trị).

Hai là, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ đảng viên đọc sách lý luận chính trị, văn kiện, tài liệu Đảng. Giải pháp này có thể bắt đầu từ việc tạo ra một thư viện số, một phòng lưu trữ sách, tài liệu cho cán bộ, đảng viên của đơn vị truy cập thông tin dễ dàng. Môi trường thuận lợi tạo động lực để cán bộ đảng viên hình thành và duy trì thói quen đọc sách, đây là cơ sở quan trọng, là bước đầu để phát triển văn hóa đọc.

Ba là, tổ chức cơ sở đảng cần lồng các nội dung thúc đẩy việc nghiên cứu, đọc sách lý luận chính trị vào các buổi sinh hoạt định kỳ như giới thiệu các đầu sách hay, đưa ra các chủ đề thảo luận tại các buổi sinh hoạt mà đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đọc, nghiên cứu trước.

Bốn là, xây dựng, phát triển văn hóa đọc sách phải bắt nguồn từ mỗi cá nhân. Do đó, mỗi cá nhân cán bộ đảng viên phải có ý thức hình thành và duy trì thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh, đặc biệt tăng cường chú trọng đến các sách lý luận chính trị, các văn kiện, tài liệu của Đảng; thúc đẩy, tạo động lực, kết nối với các cá nhân khác trong tổ chức cùng đọc, cùng nghiên cứu, thảo luận, xây dựng một cộng đồng thích đọc sách.

Nguyễn Thị Hoàng Xuân, Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất

Đảng bộ TCT Hàng không Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. https://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-viet-nam.html

2.https://bantuyengiao.cantho.gov.vn/vi/news/tai-lieu-tuyen-truyen/van-hoa-doc-va-van-hoa-doc-sach-ly-luan-chinh-tri-1195.html

 

 

.
.
.
.