Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh
Quán triệt sâu sắc Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Đảng bộ bộ phận Ban Kiểm tra, giám sát, thanh tra (KTGSTT) đã triển khai Kế hoạch, hướng dẫn của Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Trong đó nổi bật là kết quả chỉ đạo, vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn hoạt động kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện và đẩy lùi các sai sót, kiểm soát, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh tại các đơn vị của BIDV.
1. Nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra giám sát
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động kiểm tra, giám sát nói chung và công tác kiểm tra Đảng nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, công tác điều hành của các cấp quản lý. Những vấn đề tư tưởng cơ bản, cốt lõi rong hoạt động kiểm tra giám sát phục vụ quản trị điều hành được thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất: Vai trò của hoạt động kiểm tra giám sát: theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Đảng, mục đích của công tác kiểm tra chính là phát hiện những sai sót để khắc phục kịp thời và hoàn thành tốt nhất công việc đề ra, trên cơ sở đó đồng thời nhận diện và rút ra những hạn chế, bất cập trên mọi phương diện của chính sách, cơ chế để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả và sự thành công của mọi quyết sách lãnh đạo, chương trình hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng trong điều kiện chính sách đúng, bên cạnh cách thức tổ chức thực hiện và công tác cán bộ thì công tác kiểm tra là một trong ba nhân tố không thể thiếu, quyết định sự thành công và hiệu quả trong thực tiễn.Người chỉ rõ: “Khi có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(2). Kiểm tra cũng là công cụ rất quan trọng để người lãnh đạo giám sát và kiểm soát thường xuyên tình trạng hoạt động của đơn vị, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời có đầy đủ thông tin thực tiễn để đánh giá sự phù hợp của cơ chế chính sách hiện hành, làm cơ sở điều chỉnh các cơ chế chính sách, ban hành quyết định sát với thực tiễn, đảm bảo cho tổ chức, đơn vị đạt kế hoạch mục tiêu và phát triển.
Thứ hai: Về cách thức, phương pháp kiểm tra, giám sát: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh một số nội dung quan trọng về cách thức, phương pháp kiểm tra đó là: (i)-Công tác kiểm tra phải có hệ thống chặt chẽ, phải tiến hành thường xuyên, (ii)- kiểm tra phải toàn diện, tiến hành từ trên xuống, từ dưới lên, (iii)- kiểm tra phải thực hiện trực tiếp, tận nơi, sát người, sát việc, (iv)-Công tác kiểm tra phải được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa tổ chức cơ sở Đảng và các đơn vị quản lý.
Nghĩa là, khi ban hành nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, các quy định, quyết định, chương trình kế hoạch của các cấp điều hành thì phải đôn đốc, tổ chức thực hiện, đồng thời phải xây dựng ban hành phương thức, kế hoạch giám sát thường xuyên, kiểm tra chặt chẽ. Bác Hồ căn dặn: “phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn”(3). Kiểm tra phải được thực hiện ở tất các các khâu, các nội dung của công việc và tất các các bộ phận, các cấp thực hiện, phải tiến hành trực tiếp xem xét, đối chiếu, xác minh thực tế cụ thể, căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ, tài liệu chứng minh và các vấn liên quan, từ đó có đánh giá khách quan, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để tập hợp thông tin, ý kiến và đưa ra kết luận đúng đắn. Không chủ quan chỉ dựa vào báo cáo của đơn vị cơ sở để đưa ra các đánh giá, kết luận thiếu chính xác; như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(4).
Thứ ba: Về nhân sự, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, trong đó bao gồm đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảm nhiệm công tác kiểm tra trước hết phải là người lãnh đạo và “người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra”(5).Trước hết, người lãnh đạo phải xây dựng một đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có đủ về số lượng, có đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi và xác định rỏ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ làm công tác kiểm tra là cơ sơ quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối với mỗi cán bộ kiểm tra phải gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi và có uy tín trong tổ chức, có tinh thần, thái độ khách quan, hành vi trong sáng trong công việc, phải thường xuyên rèn luyện, học tập để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng... Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(6).
Như vậy, xác định đúng vai trò của hoạt động kiểm tra, với đội ngũ cán bộ kiểm tra công tâm và tổ chức thực hiện tốt cách thức kiểm tra là những yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm tra giám sát.
2. Công tác kiểm tra giám sát đã đẩy lùi sai sót, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh
Quán triệt phương châm hành động của BIDV “Kỷ cương - Hiệu quả - Chuyển đổi hoạt động”, Ban KTGSTT đã chủ động triển khai đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ trên các mặt hoạt động với nhiều hình thức linh hoạt, nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và đề xuất xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có sai phạm một cách nghiêm minh, kịp thời.
Công tác lập và phê duyệt kế hoạch kiểm tra được hoàn thành ngay từ đầu năm, căn cứ trên nguồn dữ liệu giám sát thường xuyên, ý kiến phối hợp đề xuất của các Ban, Trung tâm tại Trụ sở chính, thông tin kế hoạch kiểm tra BIDV của các đơn vị bên ngoài, Ban KTGSTT lập Kế hoạch kiểm tra hàng năm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu; quy mô số lượng các đơn vị được kiểm tra, tần suất kiểm tra, thời điểm kiểm tra không chồng chéo với các đơn vị khác, định hướng phạm vi nội dung kiểm tra đối với từng đơn vị ... nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là kiểm soát mọi rủi ro đối với hoạt động của BIDV.
Phương thức kiểm tra giám sát được áp dụng đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế đặc điểm yêu cầu của từng đơn vị, từng lĩnh vực hoạt động, đảm bảo yêu cầu kiểm soát, giám sát hệ thống của Ban lãnh đạo BIDV. Trong đó tập trung chủ yếu và các phướng thức giám sát, kiểm tra đó là: Kiểm tra trực tiếp toàn diện, giám sát toàn diện thông qua hệ thống dữ liệu, giám sát sâu theo chuyên đề hoặc lĩnh vực hoạt động, kiểm tra từ xa thông qua hồ sơ trên hệ thống, cảnh báo giao dịch nghi ngờ.
Công tác phân công cán bộ và tổ chức thực hiện kiểm tra luôn luôn được chú trọng, quan tâm đảm bảo yêu cầu tuân thủ pháp luật, kiểm tra chặt chẽ, công tâm, khách quan.
Kết quả những năm qua, Ban KTGSTT đã thực hiện kiểm tra trực tiếp toàn diện đạt trên 50% số đơn vị toàn hệ thống mỗi năm, Giám sát sâu theo chuyên đề trên 20 lĩnh vực hoạt động của hệ thống , điển hình như: Rà soát khách hàng chuyển tiền quốc tế có chứng từ nợ quá hạn từ năm 2018-2022; Rà soát chuyên đề các khách hàng/tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, nghi ngờ giao dịch trò chơi trực tuyến trái phép từ năm 2022 đến nay; Chuyên đề hoạt động cấp và quản lý sử dụng hạn mức thấu chi đối với KHDN; Cho vay khách hàng kinh doanh bất động sản; Giám sát quản lý thông tin khách hàng trên hệ thống SVS; Chuyên đề giám sát việc lưu trữ dữ liệu trên FtpServer của toàn hệ thống; Chuyên đề cán bộ quá hạn thực hiện luân chuyển/điều động trong nội bộ chi nhánh trong toàn hệ thống; Chuyên đề cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31; Chuyên đề nhóm khách hàng lớn được TSC phê duyệt giới hạn tín dụng; Giám sát chuyên đề mở tài khoản giao dịch qua eKYC tại BIDV; giám sát việc quản lý và sử dụng TK chuyên dùng. Công tác giám sát và cảnh báo giao dịch nghi ngờ được rà soát hàng tháng, chuyển kết quả rà soát đến các chi nhanhs để thực hiện khắc phục kịp thời. Ngoài ra Ban kiểm tra và Giám sát tuân thủ còn thực hiện các cuộc rà soát, kiểm tra theo vụ việc, theo các chương trình cụ thể của Ban lãnh đạo, kiểm tra về công nghệ thông tin …
Qua các cuộc kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, hầu hết các sai sót trong toàn bộ các mặt hoạt động tại đơn vị đều được phát hiện, kiến nghị cần chỉnh sửa khắc phục kịp thời, đồng thời rà soát đầy đủ các Kết luận của Thanh tra Ngân hàng nhà nước (NHNN) các tỉnh thành phố và tham mưu Ban lãnh đạo ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục sai sót theo kiến nghị của Thanh tra NHNN. Kết quả rà soát, giám sát sâu theo chuyên đề các lĩnh vực hoạt động đã nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động các đơn vị thành viên, đưa ra các cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có dấu hiệu sai phạm. Công tác tác quản lý giao dịch nghị ngờ, lỗi tác nghiệp sát sao, góp phần: (i) Giảm số lỗi phát sinh trong các hoạt động tác nghiệp hàng ngày tại chi nhánh; (ii) Nâng cao ý thức kỷ luật, tuân thủ quy trình, quy định và nhận thức, hiểu biết của cán bộ, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý rủi ro khi phát sinh để giảm các sai lỗi trong các hoạt động tác nghiệp; (iii) Cải thiện hiệu quả làm việc của cán bộ tại TSC và cán bộ chi nhánh, tăng mức độ chính xác, thời gian tác nghiệp bằng việc áp dụng các công nghệ, chương trình, phần mềm tự động hóa hoạt động tác nghiệp; (iv) Các dấu hiệu nghi ngờ là nguồn dữ liệu quan trọng để phát triển thành các chuyên đề kiểm tra các mặt nghiệp vụ của BIDV: tín dụng, tiền gửi, thông tin khách hàng, đạo đức cán bộ…; hỗ công tác phúc tra tại các đơn vị. Cùng với việc chấn chỉnh, khắc phục sau thanh tra, kết quả kiểm tra là cơ sở để xem xét xử lý trách nhiệm một số cá nhân, đơn vi có sai sót trong nghiệp vụ và hoạt động kinh doanh.
Ban KTGSTT tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy các cấp "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tổ chức học tập, nghiên cứu và triển khai vận dụng có hiệu quả Tư tường Hồ Chí Minh vào hoạt động kiểm tra giám sát, phát huy tốt chức năng vai trò giám sát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu và chiến lược phát triển của BIDV.
---------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 636
(2): Hồ Chí Minh: Về Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 2, tr.53.
(3),(4),(5): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 325-326, tr.637, tr. 636-637
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 363 – 364
Đảng bộ bộ phận Ban Kiểm tra, giám sát, thanh tra (Đảng bộ BIDV)