Bài ca không quên
Cả một buổi chiều tâm sự chẳng thể kể hết những kỷ niệm mà ông đã đi qua. Ông cười và muốn kể thêm nhiều hơn chuyện đời từ bão lửa chiến tranh đến ngọn lửa của dầu khí.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, từ màu xanh áo lính đến chiếc áo công nhân hay chiếc áo sơmi trắng của người cán bộ lãnh đạo trong ngành Dầu khí. Ở bất kỳ vị trí công tác nào ông vẫn thích mình được gọi là một người lính. Tính cách cởi mở pha chút hóm hỉnh, nhìn ông bề ngoài trẻ hơn so với tuổi đã gần lục tuần. Mặc dù rất bận rộn, câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi công việc nhưng không làm ngắt đi mạch cảm xúc mà ông đang say sưa kể lại về những năm tháng chiến tranh và sau đó gắn mình với ngành Dầu khí. Dấu chân người lính… Đã kinh qua một thời lính Cụ Hồ và nay ông đang mang hàm Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB), Chủ tịch Đại học Dầu khí cùng một số chức vụ khác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (TĐ DKQGVN). Ông là Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1952, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, cụ thân sinh là giáo viên dạy Sử vì thế ông được giáo dục, rèn luyện cốt cách rồi sớm giác ngộ ý thức cách mạng từ cha mình từ thuở nhỏ. Lớn lên, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác, theo tiếng gọi của Tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Văn Minh đã xung phong lên đường nhập ngũ trực tiếp tham gia vào chiến trường Quảng Trị đầy bão lửa, cũng tại đây ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 22 tuổi. Chiến tranh khốc liệt, nhưng những người lính cụ Hồ chẳng nghĩ đến bất kỳ một điều gì khác ngoài việc đánh đổi mọi thứ, kể cả xương máu của mình để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Đất nước chiến tranh, trên bom dưới đạn chẳng làm cho bản lĩnh người lính bị nao núng, ông vừa cầm súng vừa cầm cây bút để truyền dạy thêm con chữ, thêm kiến thức, vẫn cất lời ca cho đồng đội mới là điều ông quan tâm. Hỏi ông về những kỷ niệm đời lính đã trải qua, mắt ông như sáng lên, hào hứng kể như có người chạm vào nỗi niềm lâu nay vẫn ẩn chứa. Ông nhớ lại, vào năm 1973, được anh em phong cho biệt danh là “Minh đàn” gắn với một kỷ niệm rất khó quên. Cuối năm đó, tỉnh đội Quảng Trị tổ chức Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông nghĩ đơn vị mình phải có một “tiết mục” nào thật ý nghĩa phục vụ cho anh em trên chốt mới phải. Sau một ngày băn khoăn, trong cái khó lại ló cái khôn, chợt nghĩ ra hôm qua ông mới thu được cái mũ sắt của thằng lính ngụy. “Đúng rồi! phải chế nó thành… cái đàn!”, ông thốt lên rồi bắt tay ngay vào cái ý tưởng ngộ nghĩnh ấy. Vào hầm ông âm thầm “chế biến” bằng cách đẽo cái cần đàn, gọt cái miệng mũ cho phẳng, khéo lựa miếng tôn giấy làm mặt đàn, căng thêm 3 cái dây cước. Thế mà, sau khi gảy thử đàn kêu “tưng tửng” ra vần ra điệu, tại hội diễn toàn tỉnh đội, đơn vị giới thiệu chương trình của “nghệ sĩ” Văn Minh thể hiện có vẻ giật gân: “Độc tấu đàn tự tạo bài Tiến về Sài Gòn, không hay vẫn phải… khen!”. Sau màn giới thiệu đầy tự tin, ông vừa đàn vừa hát biểu diễn ca khúc “Tiến về Sài Gòn” rất ăn nhập. Ôi thôi, cứ gọi là râm ran cả lên, tranh nhau nói, tranh nhau khen. Anh em phấn khởi, reo hò vỗ tay cả hội trường râm ran vì không hiểu “đàn tự tạo” là đàn gì, ngoài 3 cái dây và cái cần dài giống như cái đàn hay dùng trong Chèo. Ông cúi chào, giơ lên rồi quay ngược cái đàn thì mọi người mới biết tác phẩm được chế từ mũ cối của tên lính ngụy. Cả hội trường được một trận cười no bụng, chương trình của ông vì thế ăn điểm được giải Nhất, ông Minh hóm hỉnh kể lại. Nghe nói, chiếc đàn của vẫn đang được lưu giữ trong bảo tàng nào đó ở Quảng Trị. Ôn lại những kỷ niệm, ông bỗng xúc động lặng đi một hồi: “Đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời lính, vừa hát cho anh em nghe rồi sau đó cũng có thể mãi mãi nhìn đồng đội mình nằm xuống ngay trước mắt…”. Khúc ca “Tiến về Sài Gòn” năm nào đã trở thành hiện thực, nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại đất mẹ. Ông cho rằng mình thật may mắn, chính sự hy sinh, sự đùm bọc của đồng đội đã giúp ông lớn lên, để sống phục vụ tiếp cho công cuộc xây dựng đất nước gặp rất nhiều khó khăn sau khi thống nhất. Biết bao máu và mồ hôi đã thấm đất để có những giọt dầu như ngày hôm nay. Không ai đong đếm được. Cũng không gì có thể so sánh được. Nhưng đó chính là sức mạnh để tiếp thêm nghị lực cho ông. …Trải dài trên ngọn lửa dầu khí! Chiến tranh gian khổ là thế, song thời bình cũng chưa yên ả. Những người lính bước ra từ chiến tranh như ông lại càng đau đáu hơn một điều phải làm gì để đem lại bình yên, no ấm cho nhân dân và phải phụng sự cho Tổ quốc. Có người bảo ông rằng, Công việc của ông mang đậm bản lĩnh của người lính, với ý thức kỷ luật trong công việc được đặt lên hàng đầu, sau đó mới nghĩ đến niềm vui. Việc đánh giá, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các công trình dầu khí, không xảy ra sai sót đó mới thực sự là niềm vui và ý nghĩa trọn vẹn cho mình. Sau khi đỗ đại học, thông thạo ngoại ngữ, năm 1978, người lính Nguyễn Văn Minh được cử sang thành phố dầu khí Ba Cu, Liên Xô để học đại học chuyên ngành Khai thác dầu. Hai chữ “dầu khí” khi đó với ông còn rất mơ hồ, đơn thuần và mới mẻ trong hiểu biết của mình. Qua 5 năm được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dầu khí bên nước bạn, về Việt Nam với tâm hồn phơi phới, anh lính ngày nào đã trở thành cán bộ cho Phòng kỹ thuật thuộc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí. Kể từ đó, hai chữ “dầu khí” với ông đã trở thành một điều giá trị rất đỗi thiêng liêng, ông tự hào vì đã góp một phần công sức bé nhỏ để cùng tập thể làm đổi thay nhiều mặt cho đất nước, tiếp bước thế hệ đi trước trong hành trình “tìm lửa”. Ông và các đồng nghiệp chứng kiến, tham gia vào hàng trăm mũi khoan quan trọng trên đất nước. Mỗi mũi khoan, mỗi công trình của ngành ông và các đồng nghiệp đều coi đó là một “mặt trận”. Ở đó mà những “con người dầu khí” phải chắt chiu công sức, nghiên cứu tìm tòi, đánh đổ mồ hôi kể cả xương máu trong công cuộc tìm lửa phục vụ cho đất nước. Với bản lĩnh của người lính, ở bất kỳ cương vị nào ông cũng hăng hái tham gia, học hỏi kiến thức góp phần cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ. Đó là câu chuyện vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh chung đất nước còn nhiều khó khăn, các phương tiện tính toán hầu như rất thiếu thốn. Để nâng cao hiệu suất công việc, theo đề nghị, Phòng Kỹ thuật được trang bị chiếc máy tính Casio 8 số để tính lưu lượng khí hàng ngày cung cấp cho tuốcbin được chính xác, vào thời đó, chiếc máy tính là tài sản, ông coi như món “báu vật” quý giá của cả Xí nghiệp. Một hôm, ông giao chiếc máy tính cho đồng chí trưởng ca vận hành, để giữ gìn “báu vật”, đồng chí đó run tay cẩn thận cất ngay vào túi áo ngực, cài khuy cẩn thận. Chẳng biết nguyên do nào hay sự chủ quan, đúng lúc ăn cơm cúi xuống múc bát canh thì thế nào cái máy tính rơi ra đúng nồi canh đang sôi. Trời đất như tối lại, đồng chí đó mặt cắt chẳng còn giọt máu, hoảng hốt báo cáo ông Minh vì làm mất đi chiếc máy tính quý giá ấy. Việc đã đành, ông Minh buồn hơn mất sổ gạo, lủi thủi về cơ quan chịu trận cùng đồng nghiệp, bị phê bình với nội dung: “Lãng phí, xa hoa không giữ gìn tài sản…”. Một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp đầy trời, đang làm việc bình thường máy phát điện lăn ra sự cố. Toàn bộ trạm xử lý chìm trong mưa gió tối đen. Bất lực, ông gọi điện sang điện lực Thái Bình để xin cung cấp “ngược” lại điện để lấy nguồn sáng làm việc để khắc phục sự cố trong 2 tiếng. Chờ dài cổ vẫn chẳng có hồi âm gì, thậm chí họ còn trách lại bên khai thác là không cung cấp điện, không tạo điều kiện cho sản xuất. Ông Minh lại “hăng hái” lên giải trình trước việc “trời hành” gây sự cố cho cái máy phát trước cơ quan. Sang năm 1987, với tư cách chủ biên ông đã cùng tập thể tác giả bảo vệ thành công “Phương án khai thác mỏ Tiền Hải C”- một “Kế hoạch phát triển mỏ” dầu khí đầu tiên ở Việt Nam. Trong hai năm sau, ông hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ của Tập đoàn giao phó, trong khoảng thời gian này ông được điều về Tập đoàn DKVN công tác trong lĩnh vực Thăm dò Khai thác Dầu khí. Nói đến đây, ông nhoẻn miệng cười chỉ xem như những kỷ niệm rất vui và hạnh phúc trong nghề. Dù công việc khó khăn vất vả đến mấy, đằng sau thành công vẫn có thể ẩn chứa nỗi buồn đó là điều không thể tránh khỏi, mỗi lần vấp ngã ông lại tự đứng dậy nhìn lại quá khứ rút kinh nghiệm cho chính mình để đi tiếp trên chặng đường dài sắp tới. Điều mà ông tâm niệm nhất, đó là bản lĩnh nghề nghiệp, biết cam chịu khó khăn nhận trách nhiệm trước sứ mệnh, duyên nghiệp mà mình đã chọn đến cùng, ông hạnh phúc vì trong nỗi khổ đã rèn luyện mình thành một người biết vượt qua sóng gió đến bến bờ của sự thành công. Nhắc đến chuyện “trời hành” làm hỏng máy phát điện ở trên, ông liên tưởng thêm một câu chuyện “đất hành” đã từng làm xôn xao dư luận một thời. Đó là việc phòng của ông đi khắc phục chuyện “thần lửa” ở thôn Thanh Nội, Minh Lãng,Vũ Thư, Thái Bình năm 2000 do người dân khai thác không khoa học gặp sự cố mà người dân vẫn đồn rằng “hỏa thần” đã nổi giận. Người dân đó đã thực hiện 1 mũi khoan khoảng 20m để lấy khí gas dùng cho sinh hoạt gia đình, mũi khoan vừa rút lên thì mặt đất rung chuyển từ mũi khoan đó đã phình to dần như cái giếng khiến dân làng thất kinh, khấn lạy thần linh bớt giận. Cho tới chiều, cơn địa chấn vẫn sôi ùng ục, đỉnh điểm sau đó dòng khí gas gặp lửa bùng cháy dữ dội “liếm” trọn toàn bộ cây cối xung quanh. Dân làng, chạy bán sống bán chết cả một bầu không khí hoang mang, căng thẳng đến tột cùng bao trùm lên thôn Minh Lãng. Trước tình hình khá cấp bách, các phương tiện chữa cháy hiện đại nhất của tỉnh Thái Bình cùng đành phải bỏ cuộc, dân làng được huy động lấy đất đá đắp xung quanh miệng giếng nhìn như miệng “ngọn núi lửa” khổng lồ, sau đó thả bùn đất phần nào khắc chế được ngọn lửa đang phun phè phè. Tuy nhiên, nước và khí gas thì vẫn ùng ục bốc lên. Tình hình như vậy còn nguy hiểm hơn khi chưa dập tắt được ngọn lửa, vì khí phun lên nếu không được phân tán có thể gây thảm họa cháy nổ. Không thể tự giải quyết được, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã điện khẩn cho Lãnh đạo TĐ DKQGVN (Tổng Công ty DKVN) đề nghị ứng cứu khẩn cấp. Nhiệm vụ được giao cho Phòng Thăm dò Khai thác làm chủ trì, ông Minh cùng nhóm chuyên gia địa chất, khoan, an toàn và bảo vệ môi trường tức tốc xuống hiện trường nắm bắt tình hình và hướng dẫn an toàn cho nhân dân. Qua khảo sát hiện trường, khí và nước vẫn tiếp tục phun, bùn đất lấp đầy các ao hồ, mặt đất xung quanh có nhiều vết nứt, tường và các ngôi nhà quanh giếng cũng có nhiều vết nứt nẻ. Liên tiếp trong 2 ngày vất vả khắc phục sự cố, bột barit (một loại dung dịch nặng) được vận chuyển từ Yên Viên, Hà Nội bằng cả chục xe tải hạng nặng. Phương án được vạch ra phải tạo một mũi khoan 40m nằm xiên với vị trí của “giếng lửa”. Để thực hiện, một khó khăn khác nữa là phải chuẩn bị một chiếc máy bơm dung dịch thích hợp, lúc bấy giờ cả huyện Tiền Hải, Thái Bình chỉ có chiếc máy bơm trám ximăng công suất lại quá lớn. Anh em lại tất tưởi sang phía chợ Rồng, Nam Định mua ngay một chiếc máy bơm có công suất phù hợp. Cuối cùng dòng khí được điều chỉnh, thành công này của ông Minh và các đồng nghiệp đã cứu dân làng, xóa bỏ mọi lời đồn thổi gây hoang mang dư luận lúc bấy giờ. Dứt mạch hồi ức, nhắc đến sự nghiệp ngành Dầu, ông tâm niệm một câu nói xuyên suốt trong nhận thức của mình với đại ý: “Dầu khí là tài sản quý hiếm của Quốc gia. Khai thác đi một thùng dầu là đất nước nghèo đi một thùng dầu. Phải làm sao khai thác được nhiều nhất và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên quý hiếm đó…”. Một câu nói mang đầy ý nghĩa lớn lao, ông cũng nhắn nhủ đây là điều mà mọi thế hệ trong đại gia đình dầu khí phải luôn nghĩ đến. Khúc ca gửi lòng đến đồng đội Cả tuổi thanh xuân vào sinh ra tử, rồi gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp dầu khí. Một chặng đường đủ dài đầy ý nghĩa đối với ông, gần 30 năm ấy, niềm đam mê đã hun đúc, ngấm vào ông từng ngày, từng giờ bồi đắp thành tình cảm thiêng liêng. Chứng kiến biết bao đổi thay của ngành và coi đó là điều tất yếu khi đất nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới. Hôm nay, tôi vinh dự được gặp ông ở trên cương vị hàm Phó Tổng giám đốc TĐ DKQGVN, Chủ tịch Hội CCB… những cương vị mà bất cứ ai cũng trân trọng, tự hào khi biết đến ông. Trong cương vị Chủ tịch Hội CCB, nhiệm vụ chính là động viên, cổ vũ phát huy truyền thống tốt đẹp người lính “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu mọi mặt trong công tác, nâng cao năng suất lao động cùng với đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh em CCB, thực hiện tốt vai trò công tác an sinh xã hội. Với hơn 3.000 cán bộ thành viên trong Tập đoàn mang hành trang một thời chỉ có chiếc áo sờn vai, balo, cây súng… giờ đây mỗi người đều có hoàn cảnh, vị trí công tác khác nhau. Ông trăn trở một điều, có nhiều anh em hiện đã không còn, nhiều người còn khó khăn, ngày nào còn chưa giúp đỡ được những đồng đội còn mang trong mình di chứng của chiến tranh, hay những người chiến hữu nằm lại nơi chiến trường chưa được đoàn tụ cùng thân quyến, ông lại bồn chồn, nhớ nhung đứng ngồi không yên như có một điều gì đó chất chứa trong lòng. Hàng năm, Hội CCB nhận thức được điều đó đã thực hiện được một số việc, nhưng ông cho rằng còn rất khiêm tốn và ông mơ ước phải làm sao luôn cố gắng bù đắp trọn vẹn nghĩa tình cùng anh em. Hai năm nay, Hội tổ chức nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn có ý nghĩa. Năm ngoái Lễ viếng Thành cổ Quảng Trị, Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ ở Đường 9 được tổ chức trong niềm xúc động sâu sắc. Bên cạnh đó Hội phối hợp cùng Hội CCB Trung ương thực hiện các hoạt động tri ân thương bệnh binh, giúp đỡ Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây trường học, đóng góp hàng tỉ đồng cho các em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam ở làng trẻ Hữu Nghị… Cả một buổi chiều tâm sự chẳng thể kể hết những kỷ niệm mà ông đã đi qua. Ông cười và muốn kể thêm nhiều hơn chuyện đời từ bão lửa chiến tranh đến ngọn lửa của dầu khí. Trong căn phòng ấm cúng nơi ông đang làm việc của buổi chiều cuối thu, trong phút ngẫu hứng người lính ấy cất lời bài hát “bài ca không quên” ngỏ ý tặng chúng tôi trước khi ra về, thả tâm hồn hướng về những người đồng đội cũ của một thời… Ông Nguyễn Văn Minh - Ngày sinh: 1/9/1952 - Quê quán: Thanh Lương, Vĩnh Bảo, Hải Phòng - Nơi ở hiện nay: P302, B1, KTT Ngọc Khánh, Hà Nội - Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ địa chất (Chuyên ngành Khai thác dầu khí) - Trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị Từng tham gia các chức vụ: - Tham gia kháng chiến chống Mỹ từ tháng 5/1972 - Từ tháng 3/1983 đến 2009: Phó giám đốc Xí nghiệp Khai thác, Chuyên viên Tổng cục Dầu khí; Phó phòng TDKT Tập đoàn DK QGVN; Trưởng ban Khai thác Tập đoàn DK QGVN; Tổng giám đốc Tổng Công ty TD&KT Dầu khí; Phó tổng giám đốc Tập đoàn DK QGVN. Công việc và chức vụ hiện nay: - Hàm Phó tổng giám đốc Tập đoàn DKQGVN - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Dầu khí; Chủ tịch Hội đồng khoa học; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn DKQGVN - Chủ tịch ASCOPE Việt Nam; Phó đại diện thường trực Việt Nam tại CCOP - Tổng biên tập Wedsite Petrovietnam; Phó tổng biên tập Tạp chí Dầu khí Khen thưởng: - Huy chương Kháng chiến hạng Nhì - Huân chương Lao động hạng Ba - Huân chương Lao động hạng Nhì (Theo Petotimes)