.
.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với các cơ quan quản lý, giám sát tài chính của Hàn Quốc

Thứ Tư, 13/08/2014|17:32

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2014 của Ban Kinh tế Trung ương, từ ngày 10/8 - 13/8, Đoàn cấp cao Ban Kinh tế Trung ương đã đến thăm, nghiên cứu trao đổi và làm việc tại Hàn Quốc. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn công tác.

Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm việc với Chủ tịch Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc
Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm việc với Chủ tịch Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS)

Ngoài việc góp phần thúc đẩy, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chuyến công tác nghiên cứu kế hoạch cải cách kinh tế 3 năm do Tổng thống Hàn Quốc công bố tháng 2/2014, trao đổi kinh nghiệm trong việc đổi mới cơ cấu, mô hình tăng trưởng, thể chế kinh tế của Hàn Quốc.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Joo Hyung Hwan; Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc Shin Je-Yoon; Thống đốc FSS-Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc Choi Sooyun; Phó Chủ tịch KOICA – Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc Kim In; Tập đoàn Lotte. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ đã trao đổi sâu sắc, cụ thể về quá trình đổi mới kinh tế tại Hàn Quốc thực hiện kế hoạch 3 năm (2015 – 2017) ở những vấn đề chính: Cân bằng giữa thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường tính năng động và sáng tạo thường xuyên của nền kinh tế; loại bỏ các thể chế cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 4%/ năm, đạt bình quân GDP 40.000 USD/ người vào năm 2017.

Các chính sách cải cách đột phá đáng chú ý của Hàn Quốc là: Cải cách doanh nghiệp Nhà nước thông qua giảm nợ xấu, loại bỏ những chức năng không cần thiết, bình thường hóa kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đa dạng hóa tác nhân cung cấp dịch vụ tài chính; cải cách thể chế cho doanh nghiệp vay vốn dựa trên sở hữu công nghệ và kỹ thuật, chứ không chỉ tài sản thế chấp; phát triển thị trường vốn vay cho dự án đầu tư mạo hiểm; xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro sớm về tài chính; đẩy mạnh tính năng động và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; giải quyết nợ xấu của hộ gia đình để kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. Các cải cách của Hàn Quốc nhằm đảm bảo năng lực kiểm soát, ứng phó của nền kinh tế với khủng hoảng cũng như các cú sốc lớn từ bên ngoài.

Các cơ quan, bộ ngành của Hàn Quốc mong muốn hợp tác trao đổi để mở rộng các lĩnh vực, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam, sử dụng hiệu quả vốn ODA, đặc biệt là thúc đẩy đầu tư và hợp tác của các tổ chức tài chính, ngân hàng, các tập đoàn lớn, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước đẩy mạnh liên kết và hợp tác, mở rộng hợp tác lao động, Hàn Quốc tăng cường tiếp nhận lao động kỹ thuật cao, có trình độ đào tạo đến làm việc giữa hai nước trong thời gian tới.

Thanh Liêm

.
.
.
.