Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải phục vụ nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế
Thứ Năm, 09/02/2012|10:07
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Nghị quyết của QH đã xác định rõ nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng để thực hiện vấn đề này thì trước hết, phải trả lời được câu hỏi, mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là gì? Nếu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước chỉ để thoái nguồn vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc làm cho doanh nghiệp nhà nước không giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nữa thì không đúng với chủ thuyết của chúng ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải phục vụ nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
Tiến độ và hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế phụ thuộc vào ý chí của QH
Nghị quyết của QH về nhiệm vụ KT-XH 5 năm 2011-2015 đã xác định rất rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế với việc tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Dưới góc độ là một chuyên gia kinh tế, Phó chủ nhiệm bình luận như thế nào về vấn đề này?
Trước hết, cần thấy rằng, cả 3 lĩnh vực trọng tâm mà Nghị quyết đã xác định thực chất chỉ là một. Chia ra thành 3 lĩnh vực là để phân rõ trách nhiệm Bộ nào chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực nào chứ về bản chất thì việc tái cấu trúc cả 3 lĩnh vực này đều tuân thủ Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Nghị quyết Đại hội Đảng XI nêu rõ: thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng một mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Cần nói rõ là, chúng ta đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế trong thời điểm hiện nay không phải là vì mô hình tăng trưởng vừa qua là sai lầm mà mỗi mô hình tăng trưởng chỉ phù hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế ở từng giai đoạn nhất định. Vừa qua, có một số chuyên gia cho rằng, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng vừa qua đã khiến nền kinh tế của chúng ta bị mất động lực. Không phải như vậy. Trong bối cảnh vừa qua, khi thế và lực của nền kinh tế chưa có nhiều, tăng trưởng theo chiều rộng là lựa chọn tất yếu. Vấn đề là, trong giai đoạn hiện nay, thế và lực của chúng ta đã khác nên mô hình tăng trưởng cần có những thay đổi cho phù hợp.
Theo quan điểm của tôi, tái cơ cấu 3 lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công chung quy lại cũng là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, tái cơ cấu ngân hàng thì ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, nói tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước thì trong đó đã bao hàm cả tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nhưng có sự phân biệt khác nhau là đối với hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần thì liên quan chặt chẽ đến việc ổn định thị trường tài chính tiền tệ; còn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nói chung thì liên quan đến việc sử dụng nguồn lực công trong phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta phải xác định rằng, nguồn vốn mà Nhà nước giao cho các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý và kinh doanh về thực chất là thuộc ngân sách nhà nước, là nguồn lực đầu tư công. Cho nên, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước gắn chặt với tái cấu trúc đầu tư công mà tái cấu trúc đầu tư công thì về bản chất là phải thay đổi mô hình tăng trưởng.
Nghị quyết của QH đã xác lập cơ sở pháp lý cho việc tái cấu trúc nền kinh tế nhưng cụ thể và quan trọng hơn là bây giờ, yêu cầu này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Phó chủ nhiệm?
Để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm là 3 khâu như Nghị quyết của QH đã xác định thì về phía QH, tôi cho rằng phải quay trở lại cốt lõi vấn đề là vai trò của QH trong việc quản lý vốn ngân sách nhà nước như thế nào. Cách đây khá lâu, khi trả lời phỏng vấn của Báo ĐBND, tôi đã đề nghị QH cần đổi mới tư duy về phân bổ ngân sách. Chúng ta cứ nói là, Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế trên cơ sở lợi thế so sánh của Việt Nam. Thế thì lợi thế so sánh của các tỉnh với nhau như thế nào? Nếu chúng ta xác định được lợi thế so sánh của các tỉnh thì sẽ không xảy ra trường hợp cả nước có 100 cảng biển, 28 cảng hàng không quốc tế, địa phương nào cũng phát triển công nghiệp, xây dựng khu đô thị, cảng biển, sân bay theo kiểu trăm hoa đua nở.
Nói đi nói lại vẫn phải là QH quyết ngân sách như thế nào. Ví dụ, bây giờ chúng ta hay nói là tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2012 dự kiến khoảng 34-35% GDP thì tự nhiên chúng ta lại đang bó tay mình. Vấn đề ở đây không phải là tổng mức đầu tư toàn xã hội mà phải là tổng mức đầu tư công – đó mới là quyền của QH. Nếu tổng đầu tư toàn xã hội thì sẽ bao gồm cả các doanh nghiệp FDI, các thành phần kinh tế khác nữa. Tại sao QH lại khống chế đầu tư của các thành phần kinh tế khác? Nếu các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư càng nhiều thì càng tốt, nền kinh tế sẽ càng phát triển hơn chứ. Hay vấn đề đầu tư công, QH quyết việc chi tiêu ngân sách như thế nào để phục vụ cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế? Gần 400 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước hiện đang được giao cho các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được quản lý như thế nào? Hiện nay, QH không có văn bản nào quản lý số vốn này. Chính phủ có một Nghị định quản lý nhưng hiệu quả đến đâu, nguồn vốn này đang thực sự được quản lý, sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không đang là vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc.
Mặc dù đã được xác định trong Nghị quyết của QH nhưng tiến độ, tốc độ và hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào phụ thuộc vào ý chí của QH. Hiện nay, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Khóa XIII đã được thông qua rồi thì dự án Luật Đầu tư công sẽ được QH quyết định làm ngay tại Kỳ họp thứ Ba, Kỳ họp thứ Tư hay đến Kỳ họp thứ Mười mới làm? Hay dự án Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ làm ở kỳ họp nào? Có cần đưa vào ngay Kỳ họp thứ Ba tới đây không? Cá nhân tôi cho rằng, những dự án Luật này QH cần quyết định làm ngay trong năm 2012.
Phải trả lời được câu hỏi: mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là gì?
Ủng hộ quyết đáp của QH về tái cơ cấu kinh tế, song một số ý kiến cũng băn khoăn rằng, trong quá trình thực hiện chúng ta có kiên quyết cắt bỏ lợi ích nhóm hay không. Phó chủ nhiệm nghĩ thế nào về những băn khoăn này?
Mặt tốt của lợi ích nhóm của các doanh nghiệp nhà nước là tất cả những người điều hành các doanh nghiệp này đều muốn doanh nghiệp đó phát triển. Vì thế nên người ta mới đầu tư thêm ở các ngành khác hoặc xin cơ chế để đầu tư ngoài ngành... Nếu doanh nghiệp nhà nước phát triển lành mạnh thì lợi ích nhóm của những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước phù hợp với lợi ích của đất nước. Nhưng hạn chế hiện nay là toàn bộ hệ thống chính sách để giám sát, kiểm tra lợi ích nhóm của người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước có trùng với lợi ích chung của đất nước hay không lại chưa có. Đó mới là vấn đề cần quan tâm.
Trước hết phải trả lời được câu hỏi, mục tiêu của tái cấu trúc DNNN là gì? |
Cụ thể một vấn đề; từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu rõ: chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành điện lực chính là ngành thể hiện tinh thần này của Nghị quyết nhưng cách thức thực hiện vừa qua lại chẳng giống ai. Chúng ta nói đầu vào của ngành điện là kinh tế thị trường, đầu ra của ngành điện là theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là đầu vào, ngành điện đi mua điện của nước ngoài và các doanh nghiệp khác theo giá thỏa thuận nhưng giá bán điện ra thị trường lại theo quyết định của Chính phủ. Mua cao mà bán thấp thì lỗ là đương nhiên. Vấn đề là, chúng ta gọi lỗ đó là gì, là lỗ của doanh nghiệp thuần túy hay là lỗ của doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị? Nếu là lỗ thuần túy của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu. Còn nếu là lỗ của doanh nghiệp nhà nước do thực hiện nhiệm vụ chính trị thì là lỗ của Chính phủ và Nhà nước phải bù đắp là đương nhiên.
Quay trở lại với vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, theo Phó chủ nhiệm nên bắt đầu từ đâu?
Vấn đề không phải là trình tự tái cấu trúc doanh nghiệp từ đâu mà trước hết, phải trả lời được câu hỏi, mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là gì. Có người bảo tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là để doanh nghiệp nhà nước không giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Có người lại bảo là, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là giảm vai trò can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Có người lại bảo tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là thoái nguồn vốn của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Thực chất, chúng ta phải trả lời được câu hỏi, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm phục vụ cái gì? Theo ý kiến của cá nhân tôi thì tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là để phục vụ nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước chỉ để thoái nguồn vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc làm cho doanh nghiệp nhà nước không giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nữa thì quan điểm cá nhân tôi cho là không đúng với chủ thuyết của chúng ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vậy nếu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thì cụ thể nên thực hiện như thế nào thưa Phó chủ nhiệm?
Nếu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thì phải nhìn vào 5 thị trường mà Nghị quyết đại hội Đảng đã đưa ra. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là để thực hiện thị trường hóa sức lao động; hoàn chỉnh dần thị trường tiền tệ, bởi vì tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là phải chấp nhận IPO lên sàn, tức là phải đẩy mạnh hoạt động của thị trường chứng khoán. Và khi thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh và minh bạch thì chúng ta sẽ có kênh cực kỳ hiệu quả để huy động vốn để tái đầu tư cho doanh nghiệp.
Một yêu cầu rất quan trọng của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là phải làm rõ sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước với hơn 400 nghìn tỷ đồng vốn cố định cho việc phát triển KT-XH như thế nào. Phải xem xét lại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Ngân sách Nhà nước. Bất cứ doanh nghiệp nào của các thành phần kinh tế khác khi vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển một dự án thì phải trả lãi vay ngân hàng. Vậy doanh nghiệp nhà nước được nhà nước giao vốn có phải trả lãi cho nguồn vốn mà nhà nước cung cấp hay không? Nhà nước có thu lại phần vốn đã giao cho doanh nghiệp hay không? Tại sao các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác và doanh nghiệp FDI thì khi vay vốn ngân hàng để phục vụ đầu tư phát triển thì phải trả lãi còn doanh nghiệp nhà nước được giao 400 nghìn tỷ lại không phải trả lãi nguồn vốn đó cho nhà nước mà chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thôi? QH phải thể hiện rõ vai trò của mình trong việc giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước. Việc không thu thuế lợi nhuận trên tổng mức 400 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước giao cho các doanh nghiệp chính là một trong những nguyên nhân mà dư luận hiện nay cho rằng doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi và là một hiện tượng thất thu lớn nhất trong việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước. Cũng đã có cử tri nói: Nếu tôi chuyển 400 nghìn tỷ đồng này cho các ngân hàng thương mại, tức là bán hết phần vốn của nhà nước rồi đem tài sản đó cho ngân hàng thương mại vay lãi thì tiền lãi từ 400 nghìn này còn lớn hơn nhiều đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước. Tất nhiên cách đặt vấn đề như vậy tương đối cực đoan và không phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đã chọn. Do đó, khi chúng ta đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì phải làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế; vốn mà nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước được quản lý và đánh giá hiệu quả sử dụng như thế nào và các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm thế nào đối với phần vốn của Nhà nước? Chừng nào chúng ta chưa xác định thật rõ ràng, minh định vấn đề này thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung sẽ còn nhiều khó khăn và lúng túng.
Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
Theo Đại biểu nhân dân
.