Nguyên thường trực Ban Bí thư: Người lo thu vén không thể là cán bộ tốt
"Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một trong những nhược điểm trong công tác cán bộ của chúng ta là thiếu chuẩn bị từ xa, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao".
Tại Hội nghị trung ương 6 (khóa XI) đang diễn ra, Bộ Chính trị đã có tờ trình và đề án về việc lập lại Ban Kinh tế trung ương và xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Trao đổi về hai vấn đề trên, ông Phan Diễn - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư - nói:
Ông Phan Diễn, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một trong những nhược điểm trong công tác cán bộ của chúng ta là thiếu chuẩn bị từ xa, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, Hội nghị trung ương lần này đặt vấn đề xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là hết sức cần thiết.
Cán bộ cấp chiến lược ở đây được hiểu bao gồm Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Thực tế cho thấy cán bộ ở cấp lãnh đạo càng cao thì quá trình chuẩn bị lại càng phải công phu.
Ý thức trách nhiệm của mình trước lịch sử, trước nhân dân
* Thời ông còn công tác có xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược hay không và theo ông, việc xây dựng quy hoạch này cần có những nội dung quan trọng nào?
- Theo tôi biết, chúng ta cũng từng đặt ra việc này nhưng chưa làm bài bản. Để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, một trong những việc đầu tiên là phải xác định được tiêu chuẩn đối với từng chức danh. Xây dựng tiêu chuẩn xong rồi thì đưa cán bộ có tiềm năng vào để chuẩn bị, đào tạo, luân chuyển nhằm rèn luyện, thử thách trong thực tiễn và mỗi chức danh phải quy hoạch nhiều người...
Thực tế cho thấy mỗi chức danh cán bộ có yêu cầu riêng, ví dụ như người làm tổ chức khác với làm dân vận, người lãnh đạo phát triển kinh tế cũng có yêu cầu khác, cho nên nội dung cốt lõi của quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng chức danh cán bộ cụ thể. Định kỳ đánh giá, rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện và bổ sung nhân tố mới vào quy hoạch.
Phải nói rằng công tác cán bộ của mình ít nhiều còn yếu tố cảm tính, trong khi đó cần coi đây là một khoa học với phương pháp được xây dựng kỹ lưỡng, bài bản. Tôi nhớ hồi năm 2006, tình cờ có dịp tiếp xúc với người của Công ty BP Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia BP) và nói rằng muốn gặp ngài chủ tịch BP Việt Nam để nghe về cách làm nhân sự của họ.
Sau đó chủ tịch của BP Việt Nam đến gặp tôi, mới đầu tôi hình dung đây là một ông Tây nào đó, hóa ra lại là một người phụ nữ Việt Nam còn khá trẻ, khoảng dưới 40 tuổi. Quá trình cô này lên đến vị trí chủ tịch chỉ trong vòng 7-8 năm, bắt đầu từ vị trí nhân viên bình thường. Ở BP, hằng năm nhân viên phải làm báo cáo công tác, khi lên đến cấp nào đó trong bộ máy quản lý thì bên cạnh báo cáo công tác còn phải làm báo cáo kế hoạch phát triển bản thân. Nghĩa là đề ra hướng phấn đấu để thăng tiến trong công ty.
Cô này sau hai năm ở BP Việt Nam thì được lãnh đạo yêu cầu làm báo cáo kế hoạch phát triển bản thân, cô làm lần thứ nhất bị yêu cầu làm lại vì “khiêm tốn quá”, đến lần thứ hai mới được chấp nhận. Nghĩa là lãnh đạo BP đã quan sát cô thấy có tiềm năng và họ chuẩn bị rất công phu, tạo mọi điều kiện để cô học hành, rèn luyện thêm.
Chủ tịch BP Việt Nam cũng kể với tôi là tập đoàn này rất chú ý đến công tác nhân sự. Khi thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, BP đề ra chiến lược phát triển mới thì lập tức họ bỏ rất nhiều tiền để thuê một công ty bên ngoài chuyên về phát triển nhân sự viết lại quy chế nhân sự nội bộ cho phù hợp với chiến lược mới, cho dù quy chế cũ đã làm rất kỹ lưỡng dày đến mấy trăm trang.
Từ câu chuyện trên, có thể thấy rằng trong công tác nhân sự mà ít nhiều còn cảm tính thì không tránh khỏi lúc này lúc khác có tình trạng “nhất thân, nhì thế...”.
* Trong bối cảnh hiện nay, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cần có những tiêu chuẩn gì?
- Chắc là có rất nhiều tiêu chuẩn cần thiết, trong đó hai tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu là trí tuệ và tấm lòng. Nước ta đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm trí tuệ rất cao, có tư duy chiến lược mới đáp ứng được đòi hỏi đưa đất nước phát triển trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt.
Tất nhiên, trên đời này khó ai có thể sẵn sàng ngay được tất cả những tri thức mình cần, cho nên càng ở vị trí cao phải xử lý các vấn đề trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì càng phải biết lắng nghe, có khả năng chọn lọc tốt. Một yếu tố nữa là người lãnh đạo thì phải có tấm lòng, ý thức được một cách sâu sắc trách nhiệm của mình trước lịch sử, trước nhân dân.
* Có những cán bộ cấp cao mà quá trình cống hiến cho đất nước của họ để lại rất nhiều tình cảm sâu đậm trong dân, ví dụ như thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đâu là bài học cho công tác quy hoạch cán bộ chiến lược lần này?
- Tôi nghĩ rằng nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên bao giờ cũng quý những người hết lòng vì lợi ích của dân. Cán bộ mà lo thu vén quá thì chắc không thể là cán bộ tốt được. Nếu cán bộ hết lòng vì công việc, vì lợi ích của dân... thì sẽ thể hiện ra ở tinh thần làm việc, tinh thần trách nhiệm, không suy tính nhiều về cái được, cái mất của cá nhân.
Ban Kinh tế trung ương giúp tham mưu chiến lược
* Về vấn đề lập lại Ban Kinh tế trung ương, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi nghĩ cần thiết. Đảng ta lãnh đạo toàn diện, trong đó có sự nghiệp xây dựng kinh tế, cần có cơ quan tham mưu của trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trước hết là để nghiên cứu những đề án mà các cơ quan nhà nước trình lên, cần có tổ chức nghiên cứu thấu đáo chứ không phải đến lúc họp mới nghiên cứu. Không nên chỉ dựa vào các cơ quan tham mưu của Nhà nước, vì cơ quan tham mưu của Nhà nước là nơi xây dựng đề án nên sẽ có những sự chủ quan nhất định, trong khi đó đối với những vấn đề lớn nên có sự phản biện, thẩm định nhiều chiều.
Cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế không chỉ giúp cấp có thẩm quyền những việc trước mắt, mà cả những việc lâu dài cho tương lai, ví dụ như chủ trì nghiên cứu các vấn đề về quan hệ sản xuất, một số đề án về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế và về phát triển lực lượng sản xuất...
Tất nhiên, Ban Kinh tế trung ương nếu được lập lại cũng không nên hoạt động dàn trải. Hồi tôi còn công tác ở Ban Kinh tế trung ương, có lúc Thủ tướng nói với anh em ở bên Chính phủ là tất cả các đề án đều phải đưa sang Ban Kinh tế trung ương xem lại. Như vậy nếu việc gì Ban Kinh tế trung ương cũng tham gia thì không nên, anh phải biết chọn vấn đề trọng tâm phù hợp với nhiệm vụ tham mưu chiến lược của mình.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Ông CAO SĨ LIÊM (nguyên phó trưởng Ban Kinh tế trung ương): Cần có cơ quan thẩm định, kiểm tra, giám sát Trước đây muốn gọn đầu mối nên mới sắp xếp lại, trong đó có việc sáp nhập Ban Nội chính trung ương, Ban Kinh tế trung ương,... vào Văn phòng Trung ương Đảng. Thực tế cho thấy ban kinh tế không nên sáp nhập vào văn phòng, vì sẽ biến ban trở thành một bộ phận giúp việc của văn phòng, nhân lực và trí tuệ tập trung vào đó không được nhiều... nghĩa là ảnh hưởng đến khả năng tham mưu. Ví dụ như một anh cán bộ văn phòng thì không thể đi góp ý hoặc nêu vấn đề với ông bộ trưởng được. Nếu Ban Kinh tế trung ương được lập lại thì hoàn toàn không chồng chéo gì với các cơ quan hiện có, vì mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ riêng. Chúng ta biết rằng không nên để cơ quan nào đó vừa đề xuất chính sách, vừa thực hiện chính sách và lại là cơ quan kiểm tra việc thực hiện. Nói nôm na là có một ông đề ra chính sách và thực hiện, một ông khác khách quan để thẩm định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đó xem có vấn đề gì không thì hiệu lực lãnh đạo sẽ tốt hơn. |
Theo TTO