Chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh chủ chốt
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, sáng nay (11/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cũng như mục đích và yêu cầu về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Các đại biểu thống nhất cho rằng việc ban hành Nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm; Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm; việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.
Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội trường đó là về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đa số các đại biểu đề nghị nên thu hẹp đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và cho rằng Quốc hội (QH) chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh gồm Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hằng năm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Còn đối với bỏ phiếu tín nhiệm, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm liên tiếp nếu không đủ 50% thì mới thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị thiết kế thêm một điều cấm vào dự thảo, đó là “không được lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để bỏ phiếu tín nhiệm với mục đích cá nhân, trục lợi, kết quả lấy phiếu và bỏ phiếu phải công khai, minh bạch”. Theo đại biểu Khá, bước đầu, diện lấy phiếu không nên quá rộng, sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ mở rộng dần. Trên phiếu thể hiện bốn mức độ đánh giá, nhưng mức cuối cùng không phải là “không có ý kiến” mà là “không tín nhiệm”.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phát biểu tại Hội trường. Ảnh:Hoàng Hà |
Đại biểu Khá ví von “Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn cán bộ giống như may áo cho người giữ chức vụ đó. Phải đo kỹ, may khéo, nếu quá rộng hoặc quá hẹp thì không đạt yêu cầu. Đối với người mặc áo nếu thấy không thích hợp thì phải tự nguyện thay áo, trong quá trình mặc áo cũng phải tự điều chỉnh, … Nếu không vừa mà cứ mặc áo thì đại biểu dân cử phải giúp họ cởi bỏ chiếc áo mặc nhầm đó”.
Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) thì cho rằng, việc mở rộng phạm vi lấy phiếu theo Tờ trình là không cần thiết, thể hiện tính dàn trải, dẫn đến hình thức, gây tốn kém và cử tri cũng không đồng tình. Lấy phiếu cũng như bỏ phiếu nên tập trung các chức danh chủ chốt ở trung ương và địa phương.
Lưu ý về khoảng thời gian cần có để các chức danh được bầu bắt nhịp với tình hình, nhiệm vụ chức trách được giao, đại biểu Nhin đề nghị thời điểm lấy phiếu là 2 năm một lần, vào kỳ họp đầu của năm thứ hai và năm thứ tư của nhiệm kỳ. Về các mức tín nhiệm, đại biểu đề nghị chỉ để ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình và tín nhiệm thấp.
Đồng tình với các quan điểm cần thu hẹp diện lấy phiếu, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhấn mạnh, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt để tránh dàn trải, hình thức. Mức độ tín nhiệm cũng chỉ nên chia thành hai mức là tín nhiệm hoặc không. Đại biểu thẳng thắn nói “diện lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên tập trung vào những đối tượng liên quan đến quyền và tiền”.
"Chỉ nên thí điểm lấy phiếu ở những chức danh chủ chốt. Mở rộng diện lấy phiếu đến Phó Chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm, ủy viên các Ủy ban của Quốc hội là quá rộng, quá dàn trải", đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nói. Ở cấp Hội đồng nhân dân, việc lấy phiếu cũng tương tự, tập trung vào những chức danh chủ chốt.
Đại biểu Chi cũng đề xuất thay đổi thang lựa chọn khi lấy phiếu tín nhiệm còn hai mức tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp hoặc không tín nhiệm (dự thảo gồm 4 mức tín nhiệm cao, trung bình, thấp và chưa có ý kiến). Đại biểu Chi nêu quan điểm: "là đại biểu thì phải có ý kiến, chính kiến rõ ràng, nếu bảo chưa có ý kiến thì không biết bao giờ mới có ý kiến. Còn mức tín nhiệm cao và trung bình không có cơ sở để phân định. Hơn nữa cao hay trung bình vẫn được tiếp tục công việc đang làm”.
Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) cũng cho rằng, không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên kiêm nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các ủy viên Ủy ban của Quốc hội, cũng như thành viên không chuyên trách trong các ban của Hội đồng nhân dân do thời gian tham gia hoạt động của Ủy ban không nhiều, họ còn phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn chính của mình...
Một số đại biểu khác thì đề nghị, không chỉ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của tỉnh, thành phố mà lãnh đạo các sở, ngành cũng cần được HĐND cấp tỉnh lấy phiếu tín nhiệm, bởi họ có liên quan trực tiếp đến người dân. Sai phạm ở các địa phương liên quan đến các sở và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế xã hội của địa phương đó.
Thảo luận về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại va chạm, không dám nghĩ, dám làm, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với công việc điều hành cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước.
Một số ý kiến khác cho rằng, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm nên lùi lại một kỳ họp (tức là vào kỳ thứ hai năm thứ hai thay vì kỳ họp đầu tiên của năm thứ hai nhiệm kỳ Quốc hội) để có thời gian đánh giá kết quả công việc của các chức danh...
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; qua đó giúp cho người được lấy phiếu, bỏ phiếu thấy được trách nhiệm để phấn đấu, rèn luyện và nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Nghị quyết này sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11.
Chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và thảo luận ở hội trường về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại./.
Theo ĐCSVN