Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012 - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tiến hành đánh giá và có kiến nghị về việc thực hiện Nghị định 71, trong đó, có việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông.
Bộ Tư pháp đã báo cáo việc quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông là cần thiết. Nhưng cả Bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải và Công an đều nhìn nhận thực tế có 2 điểm khi tổ chức thực hiện chưa thông trong nhân dân: Thứ nhất, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện lại phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có đúng là chủ phương tiện hay không. Đây là việc thực hiện không đúng quy định của Nghị định 71.
“Chúng ta có những quy định hợp pháp, hợp lý nhưng cách tổ chức thực hiện cũng cần có bước đi phù hợp, gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân. Chủ trương đúng mà không tuyên truyền tốt thì cũng có thể gặp khó khăn khi thực hiện”, Người phát ngôn Chính phủ nói. |
Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 cho đúng.
Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, tạm thời chưa thực hiện việc xử phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng các bộ xem xét, kiến nghị mức phí chuyển quyền sở hữu, sang tên đổi chủ phương tiện phù hợp, đồng thời xem xét quy trình thực hiện sang tên đổi chủ đối với xe cũ sao cho thuận tiện nhất đối với người dân.
Chia sẻ thêm về vai trò của báo chí trong họat động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến người dân, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tất cả các Nghị định, Luật, Pháp lệnh văn bản pháp luật đều được chuẩn bị, xây dựng và ban hành theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó luôn luôn có yêu cầu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi. Nhưng có nhiều văn bản pháp luật khi đăng tải lấy ý kiến rộng rãi thì các cơ quan báo chí chưa tuyên truyền mạnh, khi đi vào thực hiện thì mới thấy có vấn đề phát sinh.
Vì vậy, cần huy động, khuyến khích người dân tham gia ngay vào quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, trong đó, vai trò tuyên truyền của báo chí rất quan trọng.
Lãi suất sẽ phù hợp với diễn biến lạm phát
Việc có giảm lãi suất trong thời gian tới hay không được báo chí quan tâm tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012.
Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, năm 2012, mức lạm phát có thể vào khoảng 7,5%. Và sang năm 2013, theo mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội, thì lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. Như vậy, lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của lạm phát.
“Việc có quy định lãi suất trần huy động hay không, hay quy định lãi suất cơ bản, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để ngay trong tháng 12 này, phải lên phương án điều hành cụ thể. Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước là phải có phương án cụ thể để kéo lãi suất xuống cho sát tình hình diễn biến của lạm phát”.
Về vấn đề giải quyết nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, không thể chỉ sử dụng 1 hay 2 giải pháp mà cần sử dụng đồng bộ các giải pháp. Bởi nợ xấu liên quan đến nhiều vấn đề như hàng tồn kho, bất động sản…
Hiện mức lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở 10 - 13%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở 12 - 15%/năm. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) ước tăng 4,15% so với cuối năm 2011. |
Các ngân hàng phải dùng nguồn lực của mình trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật để giải quyết từng khoản nợ xấu. Hiện các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được khoảng 75.000 tỷ đồng quỹ dự phòng rủi ro.
Một giải pháp nữa là giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Một thời gian dài, vì nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, các địa phương đều có nhu cầu rất bức thiết và đều huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, khối lượng công việc đã thi công cũng như kinh phí cần thiết cho các công trình này vượt mức cân đối của ngân sách địa phương, hiện con số này khoảng 90.000 tỷ đồng. “Khi tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản này, trả lại khoản này cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp rất hữu hiệu giải quyết nợ xấu”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó, giải quyết nợ xấu nằm ở lĩnh vực này.
Về việc triển khai Chỉ thị vừa được Thủ tướng ban hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có vấn đề mua sắm công, đi công tác nước ngoài, Chính phủ sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc cử cán bộ đi nước ngoài học tập, công tác thường có quá trình chuẩn bị, có chương trình với đối tác, nên nếu dừng ngay thì có trường hợp ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác với đối tác. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm đối với những chương trình có thể dừng được. Với những chương trình chưa lên kế hoạch thì các địa phương, bộ, ngành khi xây dựng chương trình công tác năm phải nêu rõ kế hoạch công tác nước ngoài. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các Sở Tài chính để phối hợp các sở, ngành khi lập kế hoạch đi nước ngoài thì sẽ xem xét các khoản chi có theo đúng tinh thần của Chỉ thị hay không… “Tôi cũng rất mong báo chí và nhân dân cùng theo dõi, giám sát, nếu phát hiện nơi nào vi phạm thì thông báo để xem xét, xử lý thỏa đáng”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Thủy điện phải đáp ứng 5 nguyên tắc
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về 2 dự án thuỷ điện đang được dư luận quan tâm là Sông Tranh 2, Đồng Nai 6 và 6A. Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời:
Với các dự án thuỷ điện nói chung, Chính phủ luôn nhất quán quan điểm chỉ đạo theo 5 yêu cầu có tính nguyên tắc.
Thứ nhất là bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. “Đây là yêu cầu cao nhất, dự án đem lại lợi ích đến mấy mà không an toàn cũng không triển khai”.
Thứ hai, phải thực hiện thật tốt các chính sách tái định cư, để cuộc sống người dân ngày càng ổn định và tiến tới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ ba, không được ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Thứ tư, phải tính đến hiệu quả tổng thể, không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả về mặt xã hội, về mặt môi trường.
Cuối cùng, như tất cả các công trình xây dựng cơ bản lớn, quy trình xây dựng các thuỷ điện phải tuân thủ theo đúng các quy định rất nghiêm ngặt của pháp luật.
Căn cứ vào đánh giá khoa học khách quan
Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Về Thuỷ điện Sông Tranh 2, ông Vũ Đức Đam cho biết mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình liên quan. Mặc dù Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cùng các cơ quan liên quan đã đánh giá đầy đủ về mức độ an toàn của Thuỷ điện này, song Chính phủ vẫn chưa cho phép tích nước. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn quốc tế có tên tuổi, có uy tín để đánh giá lại, xem xét vấn đề một cách khách quan, khoa học để đi đến kết luận.
Về động đất kích thích, các cơ quan chức năng đã lắp đặt các thiết bị theo dõi tại Thuỷ điện này. Theo báo cáo của các nhà khoa học, đây là hiện tượng thường thấy ở các công trình thuỷ điện, sẽ kéo dài trong một số năm. Cường độ động đất kích thích cũng đã được dự báo, các nhà khoa học đều đánh giá Thuỷ điện Sông Tranh 2 an toàn với cường độ dự báo.
“Chính phủ hết sức chia sẻ với người dân trong khu vực. Các đồng chí tham gia cuộc họp cũng cho rằng, khi xem xét vấn đề này, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người dân”, Bộ trưởng nói.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương đánh giá cụ thể theo quan điểm đặt an toàn, tính mạng người dân lên trên hết. Việc quyết định khai thác thuỷ điện như thế nào, tích nước tới mức tối đa theo thiết kế hay chỉ đến mức đập tràn phải căn cứ vào các các đánh giá khoa học khách quan.
Không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt
Với Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Thuỷ điện này, chưa trình Chính phủ. Khi nào Bộ Tài nguyên và Môi trường trình, Chính phủ sẽ xem xét toàn diện các vấn đề khác theo 5 nguyên tắc đã nói, không chỉ xem xét đánh giá tác động môi trường.
Đồng thời, nếu dự án thuộc diện phải trình Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội theo đúng quy định.
Về ý kiến cho rằng dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A vi phạm quy định một số luật như Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc lại bất kỳ dự án thuỷ điện nào cũng phải tuân thủ 5 yêu cầu mang tính nguyên tắc nói trên.
Là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc tham gia các thể chế, các hoạt động bảo vệ môi trường. “Chính phủ Việt Nam không bao giờ đánh đổi môi trường sinh thái vì lợi ích trước mắt, mục tiêu cao nhất là vì nhân dân, vì con người”.
Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi về thông tin UNESCO đã đề nghị dừng dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết hiện ông chưa được đọc hồ sơ mà UNESCO gửi Chính phủ như thông tin của phóng viên. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng, lắng nghe với các ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế. Việc có quyết định xây dựng Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A hay không phải căn cứ vào 5 yêu cầu nêu trên với các dự án thủy điện.
ASIAD sẽ là một dấu ấn hội nhập của Việt Nam
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Chính phủ khi chấp thuận việc đăng cai ASIAD lần thứ 18, Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam nói, việc đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế, khu vực ở Việt Nam là một điều cần thiết để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, để quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch… Một điều nữa rất quan trọng, các sự kiện này thường đi kèm với các hoạt động mang tính văn hóa, qua đó, góp phần phục vụ đời sống tinh thần cho người dân.
“Chính phủ đã có chương trình chung về hội nhập quốc tế, trong các lĩnh vực đều đăng ký tổ chức các sự kiện phù hợp với khả năng tổ chức của Việt Nam”, ông Vũ Đức Đam cho biết.
Đối với ASIAD, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên quan, trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý cho phép chủ trương xin đăng cai. Ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành lên phương án cụ thể để đảm bảo việc tổ chức thành công, hiệu quả, tiết kiệm, tối đa hóa huy động nguồn lực xã hội.
Trong việc tổ chức các sự kiện, chúng ta có thể tận dụng các công trình, hạ tầng sẵn có, không chỉ hạ tầng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà là hạ tầng chung.
“Hội trường này (Trung tâm Hội nghị Quốc tế, nơi diễn ra họp báo Chính phủ- PV) cũng là nơi lần đầu tiên tổ chức hội nghị đa phương cộng đồng Pháp ngữ”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Tồn kho nhiều mặt hàng về mức bình thường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của Chính phủ và các Bộ, ngành đã có hiệu quả, đưa mức tồn kho nhiều mặt hàng về mức bình thường.
Năm 2012, tình trạng tồn kho lớn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, nhất là ngành công nghiệp chế biến, hàng tiêu dùng, sắt thép, vật liệu xây dựng, bánh kẹo, bia và nước giải khát…
Từ quý 2, tác động của sự suy giảm thị trường nội địa và nước ngoài tạo thêm áp lực lên hàng tồn kho.
Nguyên nhân lớn nhất của tình hình hàng tồn kho tăng cao là giá cả đầu vào biến động mạnh, lãi suất tín dụng cao khiến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam giảm mạnh trên thị trường nội địa và nước ngoài. Việc cắt giảm đầu tư công cũng khiến cho một số ngành, đặc biệt là vật liệu xây dựng gặp khó khăn tiêu thụ sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước tình hình đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với Bộ Công Thương tập trung giải quyết tình trạng ứ đọng sản phẩm.
Trong đó, các giải pháp tập trung vào khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất để phù hợp với thực tế, chủ động khai thác thị trường. Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nước ngoài bằng Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia định hướng xuất khẩu, tận dụng triệt để lợi thế của các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), các mối quan hệ song phương và đa phương…
Tại thị trường nội địa, Bộ Công Thương có một số giải pháp mở thị trường cho doanh nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất với phân phối…
Cùng với kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về thuế và tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đến nay, hàng tồn kho đã giảm mạnh. Ngoài ra, chương trình mở rộng đầu tư công của Chính phủ cũng tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng giảm mạnh lượng tồn kho trong thời gian tới.
Những giải pháp tích cực trên đã tác động rõ rệt đối với mức tồn kho. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tồn kho công nghiệp gần như đã trở về mức như những năm trước, một số mặt hàng tiêu dùng hiện có mức tồn kho cao là để chuẩn bị cho dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để tiếp tục xử lý hàng tồn kho, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục các giải pháp tổng thể, chú trọng cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, làm tốt công tác quản lý thị trường đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Nhóm PV