52 tấn vàng và chuyện “xem voi”
Tuần rồi, sau khi đọc thông tin về hoạt động tất toán trạng thái vàng trên VnEconomy, một người trong cuộc nhắn tin cho người viết, không đồng tình với giả định doanh nghiệp cũng phải “tất toán” do từng sử dụng vàng huy động và giữ hộ.
Ba phiên gần nhất, cả 26.000 lượng chào bán mỗi phiên đều được vét sạch. Dường như vàng cứ đưa ra đấu thầu là hết, chẳng đầy cái miệng của sức cầu. 52 tấn chỉ trong vòng ba tháng, một quy mô lớn, cung dồn dập vậy mà chênh lệch giá vẫn chưa thực sự thu hẹp. |
“Thị trường vàng là con voi. Người ta nắm cái tai, cái vòi hay cái đuôi để nói về nó. Như vậy không đúng và không đầy đủ”, tin nhắn viết.
Hoạt động đấu thầu vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành là một dòng chảy, một bộ phận nằm trong thị trường vàng hiện nay. Nhìn vào 52 tấn vàng miếng SJC đưa ra, dự tính tròn số đến phiên đấu thầu thứ 50 diễn ra hôm nay (6/8), có thể nói được gì về cả con voi đó?
Ba phiên gần nhất, cả 26.000 lượng chào bán mỗi phiên đều được vét sạch. Dường như vàng cứ đưa ra đấu thầu là hết, chẳng đầy cái miệng của sức cầu. 52 tấn chỉ trong vòng ba tháng, một quy mô lớn, cung dồn dập vậy mà chênh lệch giá vẫn chưa thực sự thu hẹp.
Đâu đó hẳn đã có quan ngại, lo lắng không rõ cung chừng nào cho đủ, trong khi ngoại tệ dùng cho nhập vàng là hữu hạn. Liệu Ngân hàng Nhà nước đang đổ nguồn lực vào cái thùng không đáy, tổn hao mà thu hẹp chênh lệch giá như Quốc hội yêu cầu vẫn chưa đạt được?
Nhưng, 52 tấn vàng đó không trơn tuột đi. Nó giúp Ngân hàng Nhà nước đạt được các mục tiêu khác mà không phải là thu hẹp chênh lệch giá. Đặt trong một số kết quả, cứ cho 52 tấn hay hoạt động đấu thầu chỉ là cái chân, nhưng đã đỡ được sức nặng ảnh hưởng của cả cơ thể con voi.
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á (sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan). Ước tính của một số tổ chức, hay của Ngân hàng Nhà nước, mỗi năm nhu cầu của thị trường cần bình quân khoảng 100 tấn. Kể từ năm 2011, khi hoạt động nhập khẩu bị cắt đứt, đến nay đã hơn hai năm không có nguồn cung mới một cách chính thức.
Theo ước lượng nhu cầu đó, hơn hai năm dồn lại có thể tính đơn giản là ém đi 200 tấn nhu cầu. Nay đưa ra 52 tấn, chỉ là một phần nhỏ trong tương quan đó. Quy đổi, nếu như trước đây, một thị trường gần như tự do và cho doanh nghiệp nhập khẩu, hơn hai năm qua đã phải chi khoảng 10 tỷ USD; nay, mới chưa đầy 2,5 tỷ USD.
Tương quan trên, dù chỉ so sánh tương đối, góp phần giải thích vì sao sức cầu vẫn lớn sau 50 phiên đấu thầu.
Giá trị là, nếu cứ theo như trước đây, mức độ vàng hóa trong nền kinh tế đã dày thêm khoảng 200 tấn nữa trong hơn hai năm qua, nhưng đã được “co” lại còn 52 tấn. Nói cách khác, chỉ khoảng 50 nghìn tỷ đồng chôn thêm vào vàng thay vì có thể lên đến 200 nghìn tỷ đồng nếu mở như cơ chế trước đây.
Ở một kết quả khác, Ngân hàng Nhà nước dùng 52 tấn để xử lý xong, bóc tách hoàn toàn vốn vàng cùng những xáo trộn, rủi ro của nó khỏi hệ thống ngân hàng.
Chính xác hơn, theo tìm hiểu của VnEconomy, chỉ khoảng 40 tấn trong đó được dùng để các ngân hàng chấm dứt hẳn huy động và cho vay bằng vàng, mà quy mô của hoạt động này cao điểm từng ghi nhận tới 160 tấn, chưa kể các vòng quay tạo vốn.
Khoảng 10 tấn còn lại là thực sự bán ra thị trường thời gian gần đây. Đó là một lượng quá nhỏ so với nhu cầu vàng trên cả nước. Và điều này cũng góp phần giải thích vì sao vẫn phải tiếp tục đấu thầu và tiếp tục tạo cung.
Giá trị rộng hơn và lớn hơn, 52 tấn vàng có thể xem là cái chân để đỡ sức nặng ảnh hưởng của cả cơ thể con voi đối với nền kinh tế.
Những năm trước, với cơ chế cũ, những cơn sóng vàng là một tác nhân chính khiến tỷ giá, thanh khoản hệ thống ngân hàng và lãi suất nhiều phen điêu đứng, hay gây bất ổn đối với các cân đối vĩ mô và cả dư luận xã hội. Hơn hai năm qua, sức nặng ảnh hưởng đó đã được hạn chế đáng kể.
Nhưng, cái giá phải trả là chênh lệch giá trong nước với thế giới vẫn lớn và kéo dài, chưa thể thu hẹp. Mà đó là biểu hiện của một thị trường thiếu cung, bị can thiệp bởi nhiều biện pháp hành chính hay nói cách khác là không được như bình thường. Đây có phải là một sự đánh đổi?
Theo VNECONOMY.VN