Báo Mỹ: FDI là dấu hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam
Mạng tin tình báo kinh tế Stratfor của Mỹ mới đây có bài viết về tình hình đầu tư ở Việt Nam, trong đó nhận định những xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần đây có thể là dấu hiệu tốt cho Việt Nam khi Chính phủ nước này đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại từ năm 2009.
Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty Mtec Việt Nam |
Theo bài viết, thực tế, từ đầu năm nay, FDI vào Việt Nam đã phục hồi đáng kể và chảy vào những khu vực mà trước đây không nhận được nhiều quan tâm của giới đầu tư. Sự đa dạng về FDI có thể giúp Việt Nam duy trì vị thế nền kinh tế mới nổi hấp dẫn trong khu vực có tính cạnh tranh ngày càng cao hiện nay.
Việt Nam từng là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của khu vực Đông Nam Á, nhưng từ năm 2009, đầu tư đã suy giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như do quản lý kinh tế trong nước có nhiều bất cập.
Năm 2012, Việt Nam chỉ thu hút được 13 tỷ USD so với kế hoạch đề ra là 17 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút được 11,9 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ngoài những tỉnh có truyền thống thu hút vốn đầu tư lớn như Bình Dương, Đồng Nai, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đang nổi lên là điểm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư. Và lần đầu tiên trong nhiều năm, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm lắp ráp, chế tạo như điện thoại di động, thiết bị điện tử đã vượt các mặt hàng xuất khẩu thô như khoáng sản, dầu thô.
Cũng theo bài báo, Việt Nam có ưu thế cạnh tranh tương đối tốt như lực lượng lao động trẻ dồi dào, dễ dàng tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ cảng biển, ổn định chính trị và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn sau cải cách mở cửa.
Hiện đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước và 40% tổng sản phẩm công nghiệp, đồng thời cũng giúp tạo thêm khoảng 2 triệu việc làm.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển đến giai đoạn nhất định, những lợi thế về chi phí lao động sẽ giảm dần. Lương trung bình tại các khu công nghiệp truyền thống của Việt Nam đã tăng lên 100-150 USD/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương khu vực chế tạo của Campuchia (100 USD) và Lào (80 USD).
Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng công nghiệp chưa phát triển đầy đủ cũng gây trở ngại cho cơ cấu đầu tư. Một số yếu tố khác cũng cản trở thu hút đầu tư của Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, dẫn tới giảm nhu cầu tại các thị trường phát triển.
Nhận thấy khả năng có thể mất đi sức hút đầu tư khi các nhà chế tạo nước ngoài tìm cơ hội ở những nơi khác thuận lợi hơn như Indonesia, Việt Nam đã thực hiện một số cải cách nhằm ổn định nền kinh tế và thu hút đầu tư trở lại.
Chính phủ hy vọng có thêm nhiều nguồn vốn FDI để đáp ứng tốt giai đoạn chuyển đổi kinh tế hiện nay trong đó có việc tái cơ cấu nền kinh tế ở các khu vực, ngành khác nhau và tập trung cao vào lĩnh vực công nghiệp. Chính phủ cũng đang tìm kiếm tiềm năng đầu tư mới và thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực công nghệ cao.
Có một thực tế là làn sóng FDI gần đây đang đổ vào các điểm đầu tư mới như Thái Nguyên, Thanh Hóa... giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu kinh tế của mình. Việc nguồn vốn đầu tư đổ vào khu vực chế tạo cũng giúp Việt Nam xuất khẩu được nhiều mặt hàng hơn thay vì chỉ có các sản phẩm thô như trước đây.
Nhưng khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, lao động thiếu tay nghề và thiếu ngành công nghiệp phụ trợ sẽ cản trở việc thu hút thêm vốn đầu tư. Những khó khăn này cùng với khả năng duy trì ổn định tài chính dài hạn sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
Dù vậy, Stratfor cho rằng với lực lượng lao động còn khá dồi dào, chi phí thấp, vị trí chiến lược và quyết tâm đổi mới của chính phủ nhằm cải cách cơ cấu kinh tế, Việt Nam có thể duy trì được vị thế thu hút đầu tư nổi trội trong khu vực./.
(TTXVN)