Tổ chức bảo hiểm tiền gửi góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính – Thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam
Người tiêu dùng tài chính là các cá nhân hoặc hộ gia đình dùng sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính. Bảo vệ người tiêu dùng tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Việc người tiêu dùng tài chính được bảo vệ an toàn sẽ quyết định niềm tin của họ đối với khu vực tài chính, từ đó giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh và bền vững. Ngoài ra, một khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính hiệu quả sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, tạo điều kiện cho họ có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính một cách tốt nhất. Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính với đối tượng cụ thể là người gửi tiền.
Thông lệ quốc tế
Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế (IADI), BHTG là một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm khi một ngân hàng không có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của mình đối với người gửi tiền, tổ chức BHTG là một thực thể pháp lý chịu trách nhiệm cung cấp BHTG, đảm bảo tiền gửi hoặc các cơ chế bảo vệ tiền gửi tương tự khác. Tùy theo mô hình mà các tổ chức BHTG thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác nhau nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng. Thông qua hạn mức BHTG và chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền, các tổ chức BHTG thực hiện chức năng cơ bản của mình là bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ với quy mô tiền gửi không lớn, từ đó góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Hạn mức BHTG là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Theo khuyến nghị của IADI, hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền). Kết quả khảo sát thường niên IADI 2020 cho thấy phần lớn các tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát đang bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền, có nghĩa trên 90% tổng số người gửi tiền sẽ được tổ chức BHTG chi trả toàn bộ số tiền gửi của họ khi ngân hàng đổ vỡ. Điều này sẽ giúp phần lớn người gửi tiền yên tâm về sự an toàn các khoản tiền của họ tại các ngân hàng, tránh xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt, từ đó góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Chi trả BHTG là chức năng cơ bản nhất của mỗi tổ chức BHTG.
Việc cho phép người gửi tiền nhanh chóng tiếp cận tiền gửi được bảo hiểm của họ khi một ngân hàng đóng cửa đóng vai trò quan trọng đối với việc duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính. Trong những năm vừa qua, các tổ chức BHTG trên thế giới đã nỗ lực rút ngắn thời gian chi trả cho người gửi tiền nhằm cho phép người gửi tiền nhanh chóng tiếp cận tiền gửi được bảo hiểm của họ khi một ngân hàng đóng cửa. IADI khuyến nghị: “Tổ chức BHTG có thể chi trả phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm trong vòng 7 ngày làm việc. Nếu hiện chưa đạt được mục tiêu này, tổ chức BHTG cần có kế hoạch đáng tin cậy để đạt được mục tiêu đó.” Tại Mỹ, Tổng công ty BHTG Mỹ tự đặt mục tiêu thực hiện chi trả BHTG trong vòng hai ngày làm việc kể từ khi tổ chức được bảo hiểm phá sản. Trong thực tế, Tổng công ty BHTG Mỹ thường chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm vào ngày làm việc tiếp theo sau khi ngân hàng đóng cửa, ngoại trừ những khoản tiền gửi cần người gửi tiền cung cấp thêm thông tin thì thời gian chi trả sẽ lâu hơn phụ thuộc vào thời điểm người gửi tiền cung cấp đủ thông tin cần thiết cho Tổng công ty BHTG Mỹ.
BHTGVN phối hợp với Cơ quan BHTG Liên bang Nga (DIA Nga) tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hoạt động chi trả và thanh lý – Kinh nghiệm và bài học của Cơ quan BHTG Liên bang Nga”. |
Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tính đến cuối năm 2018 có 5 tổ chức BHTG đặt mục tiêu hoàn thành chi trả BHTG trong vòng 7 ngày làm việc là Australia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Riêng Malaysia đặt mục tiêu chi trả cho phần lớn người gửi tiền trong 3 ngày sau khi ngân hàng đóng cửa. Tại khu vực chung Châu Âu, năm 2014, Liên minh ngân hàng Châu Âu đã công bố Chỉ thị về cơ chế BHTG quy định thời gian chi trả tối đa khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng là trong vòng 7 ngày làm việc. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có thể có một quá trình chuyển đổi để giảm dần số ngày chi trả lên tới: (a) 20 ngày làm việc cho đến ngày 31/12/2018; (b) 15 ngày làm việc từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2020; (c) 10 ngày làm việc từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2023. Tính đến hết năm 2018, nhiều quốc gia đã thực hiện chi trả trong vòng 7 ngày làm việc như Đức, Pháp, Phần Lan, Ý, Luxembourg, Slovenia. Đan Mạch thực hiện chi trả trong vòng 5 ngày làm việc. Ngoài ra, tùy vào mô hình chức năng của từng tổ chức BHTG, tổ chức BHTG còn góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khác như tham gia đánh giá rủi ro của ngân hàng, can thiệp sớm, thúc đẩy quản lý rủi ro lành mạnh và thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức tài chính yếu. Một số tổ chức BHTG chịu trách nhiệm thực hiện chức năng xử lý (một mình hoặc cùng với ngân hàng trung ương hoặc cơ quan quản lý/ giám sát ngân hàng) như Tổng công ty BHTG Indonesia, Tổng công ty BHTG Nhật Bản, Tổng công ty BHTG Malaysia, Tổng công ty BHTG Philippines…, hoặc chịu trách nhiệm thực hiện cả chức năng quản lý và giám sát an toàn và chức năng xử lý cùng với các cơ quan khác trong mạng an toàn chính như Tổng công ty BHTG Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Mỹ….
Một nhiệm vụ quan trọng khác của tổ chức BHTG trong việc góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính đó là hoạt động nâng cao nhận thức công chúng về BHTG nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác đến người gửi tiền, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được bảo hiểm, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chính sách công của tổ chức BHTG. Nhiều tổ chức BHTG trên thế giới đã triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao nhận thức công chúng với đối tượng mục tiêu chính là người gửi tiền nhỏ lẻ và các hộ gia đình về lợi ích của chính sách BHTG. Ví dụ, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc cung cấp giáo dục tài chính cho những đối tượng là người tiêu dùng tài chính trong tương lai (học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) và những người khó khăn về tài chính (người già, tiểu thương, gia đình đa văn hóa…); cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí, hợp tác với các tổ chức phúc lợi xã hội để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội khỏi tổn thất tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích của họ… Hoặc, Tổng công ty BHTG Mỹ cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng thông qua tổng đài hỗ trợ và website; cung cấp chương trình giáo dục tài chính Money Smart giúp người dân ở mọi lứa tuổi nâng cao hiểu biết tài chính và sử dụng tài chính một cách thông minh; tổ chức các hội thảo cho cán bộ ngân hàng,...
Thực tiễn tại Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động từ ngày 07/7/2000. Theo quy định tại Luật BHTG, BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trong 21 năm hoạt động, BHTGVN đã có đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính - người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tính đến hết tháng 6/2021, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm: 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.Từ khi thành lập đến nay, hạn mức BHTG đã thay đổi 2 lần: từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng vào năm 2005, và từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng vào năm 2017.
Ngày 20/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017, trong đó quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2021. |
Theo tính toán của BHTGVN, với hạn mức 75 triệu VNĐ hiện tại sẽ bảo hiểm toàn bộ được cho khoảng 87% người gửi tiền, khá thấp so với khuyến nghị của IADI là hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ từ 90-95% người gửi tiền. Vì vậy, BHTGVN đang đề xuất tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng nhằm bảo vệ toàn bộ cho khoảng trên 90% người gửi tiền, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong quá trình hoạt động, BHTGVN đã tiến hành chi trả BHTG đối với người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố cho 1.793 người được BHTG với số tiền 26,78 tỷ đồng. Việc chi trả BHTG nhìn chung đã được thực hiện một cách chính xác và kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương có quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ, tham gia giải quyết dứt điểm việc xử lý pháp nhân đối với các quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn kéo dài không thể khắc phục.
BHTGVN cũng góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính thông qua việc triển khai hiệu quả các nghiệp vụ khác như: (i) tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục và thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG; (ii) tham gia trực tiếp hoặc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xây dựng phương án xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, đồng thời đề xuất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước một số nội dung theo thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình xử lý pháp nhân các quỹ tín dụng nhân dân. Trong thời gian qua, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém với vai trò và nhiệm vụ mới được giao theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Những năm qua, BHTGVN đã khẳng định được vai trò quan trọng bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. |
Công tác thông tin tuyên truyền chính sách BHTG được BHTGVN tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức và mở rộng kênh truyền thông đến các vùng sâu, vùng xa, trực tiếp tại các địa bàn đối với người gửi tiền, tạo sự an tâm, tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. BHTGVN đã triển khai loạt sự kiện tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc, hướng đến các lãnh đạo, cán bộ giao dịch và thành viên của các quỹ tín dụng nhân dân cũng như người gửi tiền nói chung nhằm truyền tải chính sách BHTG tới với đối tượng công chúng mục tiêu. Bên cạnh đó, BHTGVN thực hiện các chương trình giao lưu, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách BHTG với sự tham gia của sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng - đối tượng người gửi tiền tiềm năng, đồng thời cũng là đối tượng công chúng có mức độ kiến thức, nhận thức về tài chính - ngân hàng.
Kết luận
Với vai trò là tổ chức BHTG duy nhất tại Việt Nam, BHTGVN đã thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính theo thông lệ quốc tế.
Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, điều chỉnh hạn mức BHTG từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng đối với mỗi cá nhân gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đây là căn cứ quan trọng để BHTGVN thực hiện tốt hơn nữa vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Ngoài ra, BHTGVN cần có các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế để người gửi tiền có thể nhanh chóng tiếp cận tiền gửi của họ khi ngân hàng đổ vỡ, đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông nhằm phổ biến chính sách BHTG đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tích cực tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm góp phần bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng tài chính./.
Phòng NCTH & HTQT BHTGVN