.
.

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí bắt đầu từ quản lý, đánh giá cán bộ

Thứ Ba, 10/07/2012|21:23

 

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ký ban hành được dư luận cả nước quan tâm theo dõi. Đây là nội dung thể hiện sự kiên quyết đấu tranh loại bỏ hiện tượng tham nhũng, lãng phí trong Đảng, cả ở hiện tại và tương lai. Có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi: nên bắt đầu việc phòng chống tham nhũng, lãng phí từ đâu; liệu việc ban hành văn bản lần này này có rơi vào tình trạng không hiệu quả như những văn bản trong lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí như một số văn bản Đảng ta đã ban hành trước đó hay không...? Dư luận băn khoăn là vậy, nhưng nhiều người vẫn đang mong chờ và hy vọng các giải pháp mà Đảng ta đề ra sẽ có hiệu quả tốt. Rồi đây, không lâu nữa chúng ta sẽ có nhiều cán bộ tài đức vẹn toàn, tâm tính trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng năm 2010. Ảnh minh họa/internet.
Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng năm 2010. Ảnh minh họa/internet.

Vấn đề tham nhũng, lãng phí đã được Đảng ta nhắc đến và triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa từ lâu, song hiệu quả chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của đông đảo nhân dân. Trong Kết luận số 21-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “Những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước được quy định trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và các luật có liên quan là cơ bản đúng đắn, phù hợp”. Cũng tại đây, Kết luận số 21-KL/TW nhấn mạnh: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp...”.

 

 

 

Không kể đến những vụ việc tham nhũng, lãng phí mà cơ quan pháp luật đã đưa ra xét xử trong thời gian qua, chỉ để cập vài sự việc gây bức xúc trong dư luận cả nước diễn ra trong tháng 5 và tháng 6-2012 cũng đủ thấy có nhiều biểu hiện cán bộ tham nhũng, lãng phí, chưa làm hết chức năng, chưa có nhiều biện pháp xử lý dứt điểm các hiện tượng xảy ra tại cơ quan và địa phương, vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các đối tượng khác để trục lợi đang và sẽ còn diễn ra ngày càng nhiều hơn. Sự kiện ngày 18-5, cơ quan công an đã bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và các ông: Mai Văn Phúc, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải, nguyên tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, Phó Tổng giám đốc Vinalines. Sự kiện tiêu cực thi cử đình đám xảy ra tại trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang như “một gáo nước lạnh” dội vào ngành giáo dục nước nhà vốn đang trong tình trạng bị căn bệnh thành tích trầm kha làm cho ốm yếu. Sự việc có dấu hiệu bắt tay thông đồng rút ruột công trình KCN Long Hậu Cần Giuộc, Long An...

Khi tìm hiểu vấn đề tham nhũng, lãng phí đa phần dư luận có chung nhận xét, do một số cán bộ lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, lợi dụng các mối quan hệ quen biết để thỏa hiệp, rồi sau đó tự hình thành nên những êkíp, cùng nhau luồn lách, “chạy” và hưởng lợi thông qua nhiều hoạt động, nhiều dự án liên quan đến kinh tế. Một số đối tượng khác táo tợn hơn khi không chấp hành quy định pháp luật, công văn chỉ đạo, hướng dẫn, sử dụng chiêu thức “trảm trước tấu sau”, buộc chính quyền vào sự việc đã rồi, phải chấp nhận những ẩn họa do dự án gây ra sau này. Tình trạng cán bộ cấp trên làm ngơ cho cấp dưới thực thi công vụ theo hướng lợi cho Nhà nước thì ít mà béo cho một vài cá nhân, tổ chức thì nhiều đang có xu hướng diễn ra ở nhiều cơ quan và đơn vị. Và dường như, những công chức, cán bộ, những người chưa được xếp vào đối tượng “cùng hội, cùng thuyền” với các đương sự nằm trong ê kíp thực hiện các phi vụ có tính chất tiêu cực đã và chưa bị phát hiện liệu có phải là số ít? Thực tế, chẳng có người dân lao động lương thiện nào bị khởi tố về tội tham nhũng, lãng phí nếu như không có sự tiếp tay đắc lực của đội ngũ cán bộ công quyền. Rõ ràng là, việc tạo nguồn, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, đánh giá cán bộ, một trong những khâu quan trọng của quy trình công tác cán bộ dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đang có vấn đề cần phải xem xét.

Nếu nhìn một cách tích cực và khoa học chúng ta thấy rằng đánh giá cán bộ là cái gốc để sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng tất có cách sử dụng đúng. Vì cán bộ là gốc của mọi việc, cho nên đánh giá sai cán bộ sẽ sử dụng sai, hậu quả và tác hại vô cùng lớn, dư luận xấu kéo dài, ảnh hưởng lớn đến danh dự và uy tín của chính quyền, cơ quan. Nếu mạnh dạn và kiên quyết đánh giá cụ thể, tỉ mỉ, khách quan cán bộ; kiên quyết xử lý, thanh lọc những cán bộ có biểu hiện bao che, trục lợi... và nên chủ động phát hiện, sử dụng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có tài, có tâm, có tầm thì có thể phòng ngừa tham nhũng, lãng phí ngay từ gốc. Vấn đề là, đừng vì căn bệnh thành tích, đừng vì những số liệu đẹp đẽ trong đánh giá chất lượng đảng viên, trong đánh giá cán bộ định kỳ,  để rồi đánh giá không trúng, không đúng năng lực, phẩm chất và uy tín của tổ chức và cán bộ các cấp. Điều đó có thể vô tình tạo ra cơ hội thuận lợi để nhiều cán bộ thoái hóa có cơ tạo vây cánh trục lợi, làm hư cả các cán bộ tốt. 

Trong Kết luận số 21-KL/TW, đưa ra sáu nhóm giải pháp cơ bản, với nhiều nội dung cụ thể và mới hơn so với Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Những giải pháp ấy đem đến cho nhân dân nhiều hy vọng mới về bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, làm việc hiệu quả, thực sự vì dân vì nước, vì sự phát triển của dân tộc trong tương lai. Đặc biệt, nhóm giải pháp thứ sáu, đó là: Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng là mới hơn cả. Theo đó, “Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Điều này cho phép dư luận cả nước mong chờ và hy vọng sẽ có được những cán bộ công quyền xứng đáng là công bộc của dân, đúng như những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã hằng mong muốn.

Mạnh Thắng

Theo QDND

 

.
.
.
.