Góp ý về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI ban hành được nhân dân, cán bộ, đảng viên quan tâm đón nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó. Khó nhưng không thể không làm vì kết quả thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự còn mất của Đảng, của chế độ, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Với tinh thần trách nhiệm với Đảng và tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, tôi xin nêu một số vấn đề sau:
Đảng ta là Đảng cầm quyền
Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước xây dựng CNXH. Từ khi đất nước còn là nước thuộc địa, rồi đến bị chia cắt Bắc Nam, Đảng lãnh đạo nhân dân làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên con đường vạn dặm ấy, dân với Đảng là một, dân tin yêu Đảng, Đảng quý trọng dân, đồng cam cộng khổ, kiên cường, dũng cảm hy sinh xương máu, trên dưới đồng lòng, Đảng lãnh đạo nhân dân làm nên nghiệp lớn.
Khi hòa bình thống nhất, nhiệm vụ chiến lược thay đổi, từ chiến tranh sang hòa bình, xây dựng đất nước, ta chủ quan, nóng vội, lúng túng tìm chọn mô hình xây dựng kinh tế Việt Nam. Ta tự hào về dân tộc ta anh hùng trong chiến đấu, nhưng trong khoa học, nhất là khoa học xã hội ta chưa tự tôn khẳng định lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã tiếp thu tinh hoa triết học Đông Tây, kim cổ đúc kết thành lý luận - hành động thực tiễn, thu được thành tựu vĩ đại. Khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới 29 tuổi (1919) đã viết kiến nghị gửi tới Hội nghị Véc-xây đòi giải phóng các thuộc địa. Năm Người 34 tuổi (1923) đã viết lời phản biện về Chủ nghĩa Mác nổi tiếng, mà các nhà triết học, các nhà lý luận cánh tả đương thời chưa ai dám làm. Phản biện đó là: Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Phải là người có kiến thức sâu rộng và bản lĩnh mới dám phát biểu như vậy. Lời phát biểu trên chính là tiền đề cho việc ra đời một lý luận có sự tiếp thu sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và các nhà triết học khác của nhân loại vào thực tiễn Việt Nam - Lý luận Hồ Chí Minh.
Ngay từ rất sớm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận rõ sự khác biệt giữa châu Âu và châu Á, nhất là Việt Nam - một nước thuộc địa nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, xí nghiệp đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu là mấy nhà máy điện, nước, dịch vụ phục vụ cho chính quyền thực dân, cai trị… Từ những khác biệt về hoàn cảnh thực tế, Người đã tiếp thu sáng tạo tinh hoa tri thức nhân loại cùng Đảng ta đoàn kết toàn dân đánh đuổi thù trong, giặc ngoài để non sông, đất nước ta được như ngày nay. Lý luận Hồ Chí Minh hình thành từ tư duy, hành động của Người. Sinh thời, Hồ Chí Minh là người khiêm tốn, rất ít nói về mình. Những nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà cách mạng, nhà khoa học… và là con dân Việt Nam phải có trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp của Người, đồng thời nghiên cứu tìm hiểu để khẳng định nước ta có học thuyết cho riêng mình. Đó là lý luận Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, đại diện cho những người nghèo khổ trên thế gian này. Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta cần bổ sung và sửa đổi đúng với thực tế và tinh thần tự tôn dân tộc, đó là: Lý luận Hồ Chí Minh tiếp thu sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và các nhà triết học khác của nhân loại vào thực tiễn Việt Nam. Ta học tập, vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Các nhà lý luận, các học thuyết, đạo lý của các bậc hiền triết xưa nay đều phải qua kiểm nghiệm thực tế. Có nhiều trường hợp, sau khi qua đời một thời gian mới được khẳng định. Lý luận Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ. Bác đã qua đời hơn 40 năm và lý luận Hồ Chí Minh trở thành triết học của thời đại. Lý luận Hồ Chí Minh là "sức mạnh mềm" vô giá của dân tộc Việt Nam.
Về văn hoá - giáo dục
Hàng chục năm qua, ta đã làm được rất nhiều, nhưng kết quả không cao, văn hóa - giáo dục nước ta còn quá nhiều hạn chế. Tại sao vậy? Phải chăng trong lãnh đạo, ta chưa chủ động, kiên quyết? Sau Cách mạng Tháng Tám, ta xóa nạn mù chữ cho hơn 90% dân số là một bước nhảy vọt của nền giáo dục Việt Nam. Sau xóa nạn mù chữ hướng đi của văn hóa - giáo dục của Việt Nam chậm lại do các cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, sau thống nhất đất nước, ảnh hưởng văn hóa phương Tây và Bắc Mỹ từ miền Nam rất thịnh hành. Chúng ta có phần bị động, nhất là sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Những ảnh hưởng bên ngoài ta không kịp thời ngăn chặn và chưa đủ chủ thuyết cho văn hóa - giáo dục, kéo dài đến ngày nay. Ví dụ điển hình nhất là mê tín dị đoan phát triển mạnh. Tôi đã sống hai chế độ, thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, ngày 15 tháng 7 âm lịch, miền Bắc gọi là “Tết vong nhân", miền Nam gọi là “Tết báo ân, báo hiếu cha mẹ”. Những ngày Tết này hàng năm, gia đình chỉ cúng xôi chè, không đốt vàng mã, trừ trường hợp có người thân mới qua đời thì đốt vàng mã hai năm kế đó rồi thôi. Ngày nay năm nào cũng đốt vàng mã, ngựa, xe, nhà lầu và cả máy bay nữa. Trên đời có thứ gì thì những nhà giàu đều đốt cho người thân qua đời thứ đó. Lãng phí vô cùng, có nhiều tờ báo đã đăng tải về những sự kiện này, hằng năm đốt vàng mã hết từ 7.000 tỷ đồng trở lên.
Lễ hội tràn lan, "buôn thần bán thánh" phổ biến ở các đền thờ, đã có câu "công ty nhà chùa, thị trường thần thánh". Những thuần phong mỹ tục bị bóp méo, chẳng hạn "khai ấn" ở một số đền lớn. Đáng lẽ việc khai ấn là của các ông chủ từ, nay lại do cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đến "khai ấn" tác động đến quần chúng. Nửa đêm xe cộ, hàng vạn người dân khắp nơi đổ về một nơi để xin ấn cầu may. Chúng ta phải tôn trọng, không được nhạo báng tín ngưỡng, tâm linh. Nhưng Đảng phải có cách lãnh đạo, cán bộ đảng, nhà nước phải gương mẫu hướng mọi người hiểu đúng vấn đề, xây dựng con người văn minh, hiểu biết khoa học tâm linh. Về ma, chay, cưới, xin cũng vậy, lãng phí, xa hoa trong lúc dân ta còn nghèo, có bộ phận rất nghèo. Ta nên suy nghĩ sâu sắc để kiểm điểm vì sao lại như vậy trong khi Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, Nhà nước ta là nhà nước của dân, vì dân? Đây là điểm then chốt về giáo dục con người. Chúng ta không giáo dục đầy đủ ngay từ trẻ ấu thơ, nhất là không có cách điều tiết cho người nghèo. Người dân mà hiểu biết thấp thì nước không thể gọi là văn minh. Chữ “văn minh" trong mục tiêu định hướng XHCN phải được bàn bạc và cụ thể hóa bằng luật, văn bản dưới luật, hướng dẫn hợp tình hợp lý. Người giàu giúp đỡ chia sẻ cho người nghèo, đó cũng là cách “tu thân, tích đức" ta cần khuyến khích.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Qua hai đợt phát động, đến nay cuộc vận động được gắn với học tập và thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tuy vậy, kết quả đạt được không cao, chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là củng cố xây dựng Đảng và chống tham nhũng. Nội dung không sâu, nói theo “triết học" là hình thức. Tâm hồn và hành động của Bác thể hiện rất phong phú, lĩnh vực nào Người cũng kiệt xuất, nhất là quan hệ giữa người với người, bất cứ tầng lớp nào, từ trí thức đến dân thường, từ bậc hiền tài đến "kẻ thất phu”, từ văn nghệ sĩ đến nhà khoa học, từ các vị giáo chủ đến con chiên, từ nguyên thủ quốc gia đến người dân bình thường… Bất cứ tiếp xúc với ai Người đều cảm hóa mọi người, thu phục nhân tâm, nhất là những người nghèo khổ trong nước và ngoài nước, thuyết phục đối tác một cách dễ dàng… Những hành động của Bác đều cần được nêu lên để mọi người học tập, noi theo. Để có được những hành động không khiên cưỡng, rất tự nhiên là bởi Bác có trong trái tim và khối óc một lý luận kiệt xuất - đó là cốt cách, bản chất con người Bác. Tiếc rằng khi học tập chúng ta không học cái cốt lõi đó mà học cái bên ngoài của Bác, nên hình thức và không thấm sâu. Thí dụ: Kể chuyện Bác đến thăm nơi nào Bác cũng chú ý thăm nhà vệ sinh, nơi ăn chốn ở, thăm hỏi các cụ già, các cháu thiếu niên, nhi đồng… mà không lý giải tại sao Bác làm được như vậy? Chính là Bác đã có trong mình một hệ thống tư duy lô-gíc được thể hiện ra hành động rất tự nhiên một cách hấp dẫn như vậy. Nếu cứ học theo cách hiện nay, nó sẽ trôi qua rất nhanh vì chẳng ai phải động não, chẳng phải sáng tạo... Chẳng khác dạy nghề cho một công nhân máy tiện, chỉ hướng cho họ một số động tác như gá lắp dao, đưa vật phải tiện, tư thế đứng… mà không dạy tính năng và câu trúc của máy. Khi máy hỏng, người công nhân chỉ biết đứng nhìn máy mà thôi. Nội dung và hình thức là một cặp phạm trù của triết học, ta chỉ chú trọng hình thức mà không chú ý đến nội dung nên cuộc học tập chưa đạt yêu cầu là tất yếu, rất lãng phí! Đó là chưa kể một nguyên nhân quan trọng nữa là không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý nói nhưng không làm, nhiều khi nói một đàng, làm một nẻo.
Từ những vấn đề nêu trên, tôi đề xuất cách làm của đợt học tập, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 như sau:
1. Cần làm cho mọi người thấy rõ nguy cơ của Đảng và Tổ quốc trong tình hình hiện nay, để thấy trách nhiệm của mình về sự mất còn của Đảng và chế độ. Từ đó mọi người vì sự nghiệp chung mà tự nguyện kiểm điểm một cách chân thành, không gò ép, không chụp mũ, không đao to búa lớn, tự giác nêu ra khuyết điểm và đề ra cách giải quyết thỏa đáng cho chính mình và cho tập thể.
2. Đồng chí chủ chốt cần có trí tuệ và bản lĩnh, dám đưa ra quyết định những việc cho là đúng, không thiên vị, không bao che. Đủ trí tuệ sáng suốt để vừa bảo vệ được mình vừa để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao, không bị sa ngã hoặc bị "vô hiệu hóa" trong khi đang điều hành công vụ.
3. Nêu cao tấm gương của những đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình một cách trung thực, nhất là tự kiểm điểm về cá nhân tham nhũng, không gương mẫu về phẩm chất đạo đức, xa rời quần chúng, lười biếng, quan liêu, tha hóa.
4. Tập trung vào những vụ việc đã rõ ràng về pháp luật, cần xử ngay để tạo không khí học tập, kiểm điểm. Khuyến khích, khoan dung những người tự giác nhận ra sai lầm của mình, nghiêm trị những người ngoan cố, cần làm quyết liệt những vụ việc nổi cộm, khi hồ sơ đã có, đầy đủ chứng cần đưa ra xử công khai, tạo lòng tin cho quần chúng và răn đe những người sắp sa ngã. Không bao che cho bất cứ ai, cũng không thiên lệch "trù úm" bất cứ ai, để công luận góp ý rộng rãi. Tất cả phải làm đúng pháp luật, không dựa vào những lời vu khống không có căn cứ để xử lý, nhưng cũng không ngăn cản công luận nêu ra những vấn đề còn bí ẩn, khó hiểu.
Chúng ta cần bình tĩnh, không nóng vội, nhưng hành động thì phải kiên quyết. Đặc biệt, chống tham nhũng rất khó nhưng phải kiên quyết làm, phải có trí tuệ và bước đi. Bởi đụng vào vấn đề đã lan sâu rộng như ngày nay thì sức phản kháng và âm mưu thủ đoạn chống đối càng tinh vi, rất khó lường.
Đoàn Duy Thành
Theo Xaydungdang