Tọa đàm “Kinh nghiệm đàm phán với đối tác nước ngoài”
Ngày 13/4, tại 5 điểm cầu là Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (18 Láng Hạ, Hà Nội), Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Văn phòng phía Nam (TP HCM) Tập đoàn, Ban quản lý khí điện đạm Cà Mau và Khách sạn Dầu khí (TP Vũng Tàu), Hội doanh nhân trẻ Dầu khí đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến “Kinh nghiệm đàm phán với đối tác nước ngoài”.
Không khí ấm cúng, gần gũi của buổi Tọa đàm |
Tham dự buổi tọa đàm có ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO; ông Lương Hồng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách đa biên (Bộ Công Thương). Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có các phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập và Nguyễn Xuân Sơn; đồng chí Hà Duy Dĩnh, UVTV Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam cùng đồng chí Trần Quang Dũng, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn.
Phát biểu đề dẫn buổi Tọa đàm, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập đề nghị nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sử dụng nhiều thời gian nhất có thể để chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi đàm phán hợp đồng kinh tế với các nước ngoài.
“Ngành Dầu khí chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên tôi dám khẳng định hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài cũng không thua kém với đối tác trong nước. Trong khuôn khổ chật hẹp của buổi Tọa đàm hôm nay, có thể chúng ta không thể trình bày hết với nhau mọi “thủ thuật” để giúp một buổi đàm phán thương mại thành công, tuy vậy tôi cũng mong rằng Hội doanh nhân trẻ Dầu khí có thể tổ chức nhiều hơn nữa những Hội thảo. Những buổi Tọa đàm như ngày hôm nay để các chuyên gia, để bản thân cán bộ trong ngành có thêm cơ hội chia sẻ lẫn nhau kinh nghiệm cũng như kỹ năng đàm phán với các đối tác nước ngoài”, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập chia sẻ.
Hai giờ đồng hồ trò chuyện với nguyên Bộ trưởng Thương mại quả hết sức bổ ích. Nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO là một người thẳng tính và luôn đặt công việc lên hàng đầu. “Tôi chỉ giỏi về đàm phán trên diện rộng, còn về đàm phán hợp đồng cụ thể có khi tôi không bằng chính các đồng chí trong ngành Dầu khí, ngành kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn của nền kinh tế”, ông Tuyển vui vẻ mở đầu buổi Tọa đàm.
Thông qua những câu chuyện, tình huống cụ thể trong quá trình kéo dài 11 năm, với hàng trăm cuộc đàm phán lớn nhỏ, chính phụ, cuối cùng Việt Nam cũng trở thành thành viên chính thức của WTO vào đầu năm 2007. Tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của chúng ta, nếu so với Trung Quốc, đã rút ngắn được 3 năm và đây đáng được xem là một thành công lớn.
Qua những lời tâm sự của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, cánh cửa WTO đã rộng mở nhưng quả thật cũng bề bộn công việc đặt ra trước mắt chúng ta. Bấy lâu nay, không ít người vẫn nghĩ đơn giản WTO chỉ là một tổ chức quốc tế đa phương, đúng nhưng thật vẫn là chưa đủ. Trên bình diện chung, đấy chính là một thứ “chợ” toàn cầu, mọi hoạt động bán-mua, kinh doanh làm ăn cho đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp ở quy mô quốc gia và liên quốc gia, liên châu lục đều diễn ra ở đây. Không giống như kiểu “chợ cóc” nơi góc phố nhỏ, WTO có hệ thống luật lệ đồ sộ và phức tạp để điều chỉnh mọi hoạt động, có cơ quan tài phán để phân xử đúng sai và đương nhiên, người vào “chợ” này buộc phải hiểu đầy đủ mọi quy định chung của nó.
“Về quá trình đàm phán WTO, trên thực tế chỉ Việt Nam phải đàm phán với 28 đối tác có nhu cầu, với tổng cộng trên 200 cuộc đàm phán, kéo dài 11 năm. Có lẽ không cần đi vào chi tiết mà mọi người ai cũng có thể mường tượng ra khối lượng khổng lồ mà Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam phải hoàn thành trong thời gian đó”, ông Trương Đình Tuyển chia sẻ.
Vị bộ trưởng từng đưa ra câu nói nổi tiếng “vào WTO chậm một năm cũng như lấy vợ chậm nhưng đẹp” khi Việt Nam đang ở trong một trong những vòng đàm phán khó nhất với Mỹ và các đối tác, để gia nhập WTO. Ông Tuyển cũng là người ký vào văn bản đàm phán gia nhập WTO kết quả của 12 năm đàm phán.
Theo nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, trong quá trình đàm phán, phải xác định cái gì chúng ta có thể và cái gì chúng ta không thể, cái gì chúng ta muốn và không muốn, có thể và không thể với tới. Đương nhiên, ở phía đối tác họ cũng phải có một suy nghĩ tương tự và chúng ta phải bằng mọi giá phán đoán trước các tình hình. Thông qua chính sách, tầm nhìn chiến lược, kể cả đối thủ cạnh tranh của các đối tác… để biết họ cần gì.
Nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO kết luận, có hai vấn đề quan trọng nhất với một cuộc đàm phán. Thứ nhất, chúng ta phải hướng đối tác theo hướng mà mình muốn, giúp mình tạo được một vị trí nhất định trong quan hệ song phương. Thứ hai là phải biết đối tác muốn gì, họ có gì trong tay, điều gì là yếu tố tiên quyết của họ. Tạo sức ép hoặc đánh đổi cũng là một nghệ thuật.
Ví dụ với các nước lớn Nhật, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU, họ luôn muốn là đối tác sau cùng hoặc gần như sau cùng trong đàm phán BTA (Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ). “Trung Quốc thường đưa ra những yêu cầu cực kỳ cao, đôi khi nghe qua tưởng chừng vô lý, bất hợp lý, sau đó hạ dần xuống và tìm mọi cách bắn tin để đối tác hiểu là họ luôn “thiện chí, ban ơn”. Đó là cách người Trung Quốc làm trong mọi cuộc đàm phán, không chỉ thương mại mà cả chính trị, biên giới…”, ông Tuyển nhận xét.
Bổ sung những chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, Vụ trưởng Vụ chính sách đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hồng Thái cho rằng, đàm phán là không ngửa tay xin của người khác. “Cái khó nhất, cần phải làm là kéo đối tác đi theo hướng của mình, tạo được vị trí của mình trong tư duy của họ.”
Về phía Hội doanh nghiệp trẻ Dầu khí, lần lượt Chủ tịch Cao Hoài Dương cùng các Hội viên, cũng như lãnh đạo các Tổng công ty, đơn vị trong ngành chia sẻ kinh nghiệm trong những lần đàm phán với các đối tác nước ngoài. Có thể khẳng định, buổi Tọa đàm là đợt sinh hoạt chính trị hết sức thiết thực của Hội doanh nhân trẻ ngành Dầu khí, không chỉ tạo không khí hăng say với các Hội viên, mà còn tạo tiếng vang trong Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cũng như giữa các doanh nhân.
Tùng Kiên
(Theo Petrotimes)