Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam muốn thoái vốn toàn bộ tại các công ty liên kết
Tăng tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại các công ty con cổ phần sản xuất than để nắm quyền chi phối, không đầu tư vào tài chính, bất động sản, thoái vốn toàn bộ tại các công ty liên kết… Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết tại báo cáo chuyên đề đổi mới và tái cơ cấu tập đoàn này.
Là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, tính đến ngày 1/1/2012, TKV đang có 29.201 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 103.809 tỷ đồng tổng tài sản và doanh thu năm 2011 là 106.858 tỷ đồng. Đây là con số đã tăng gấp 6 lần so với 2005 – năm đầu tiên thành lập - TKV cho biết.
Hiện, tập đoàn có 88 đơn vị, gồm công ty mẹ có 22 chi nhánh, ban quản lý dự án và văn phòng đại diện; 23 công ty do TKV sở hữu 100% vốn, 32 công ty cổ phần, 7 đơn vị sự nghiệp, 4 công ty ở nước ngoài và 10 công ty liên kết.
Giảm đầu tư dịch vụ, thương mại
Theo TKV, định hướng chiến lược của Tập đoàn tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến than; thăm dò, khai thác, tuyển luyện khoáng sản; sản xuất nhiệt điện từ than; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành mỏ và nền kinh tế; cơ khí sửa chữa và chế tạo thiết bị ngành mỏ…
Nguyên tắc chung của tái cơ cấu về mô hình tổ chức được TKV xác định, sản xuất than là trung tâm với tỷ trọng đầu tư doanh thu bằng hoặc lớn hơn 60%. Sản xuất điện chỉ tập trung vào một số dự án theo phân công của Chính phủ trong quy hoạch điện VII.
Bên cạnh tập trung củng cố các lĩnh vực sản xuất phụ trợ cho sản xuất chính, TKV cũng sẽ giảm đầu tư vào các ngành dịch vụ thương mại, không đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, bất động sản.
Đáng chú ý, TKV thể hiện quyết tâm thoái vốn toàn bộ tại các công ty liên kết, trừ các công ty liên kết bằng thương hiệu, trong sản xuất kinh doanh điện lực và công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (tham gia công tác xã hội).
Bản báo cáo cũng cho biết, TKV đã thoát vốn thu hồi gần 54,5 tỷ đồng của 5 công ty (Công ty cổ phần Vonfram Đắc Nông, Công ty cổ phần cảng Hà Tĩnh, Công ty bất động sản Hà Tây, công ty cổ phần cảng hàng không Quốc tế Long Thành và Công ty cổ phần đường cao tốc BECD). Hiện tập đoàn đang làm thủ tục thoát vốn 145,8 tỷ đồng ba đơn vị: Công ty cổ phần phát triển kinh tế Hải Hà, Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không và Quỹ đầu tư Việt Nam.
Khẳng định sẽ thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài nhiệm vụ kinh doanh chính, giảm dần và thoái vốn góp ở các ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, TKV cho biết tổng đầu tư vào các lĩnh vực này hiện nay chiếm khoảng 2% vốn chủ sỡ hữu công ty mẹ.
Nắm quyền chi phối các công ty con sản xuất than
Phân tích cơ cấu quản lý hiện nay, TKV cho biết khối sản xuất than đã có 9 công ty được cổ phần hóa tập đoàn nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp, để quyết định được phương án sản xuất kinh doanh của công ty, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ phải là từ 65% trở lên. Trong khi đó, than là khoáng sản có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, nếu với mức nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ như hiện nay của tập đoàn với các công ty cổ phần sản xuất than là chưa an toàn, TKV quan ngại.
Bởi vậy, một trong những giải pháp đầu tư và tái cơ cấu được Tập đoàn xác định là không cổ phần hóa các đơn vị hiện là công ty TNHH, tăng tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của TKV tại các công ty con cổ phần sản xuất than lên mức 65% để nắm quyền chi phối.
Vẫn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh than, TKV cho biết sẽ đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trên cơ sở doanh nghiệp nhà nước chi phối đóng vai trò chủ đạo, thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ở báo cáo, Tập đoàn nêu con số sản lượng than thương phẩm khoảng 55 triệu tấn vào 2015, 60 triệu tấn vào 2020, đạt và duy trì ổn định 65 triệu tấn từ 2025.
Bên cạnh đầu tư cải tạo và cải tạo mở rộng nâng công suất 61 dự án mỏ hiện có, TKV cũng sẽ đầu tư xây dựng mới 25 dự án mỏ có công suất đến 2,0 triệu tấn/năm – dự án mỏ.
Khá nhiều kiến nghị liên quan đến cấp phép, cho phép nhằm phát triển bền vững ngành than đã được TKV nêu tại báo cáo. Như cấp phép giao tài nguyên than cho Tập đoàn quản lý, khai thác, phát triển bền vững phù hợp với luật pháp và mô hình quản lý của TKV, ngoài những giấy phép đã cấp cho các công ty thành viên của tập đoàn.
Hay, cho phép tập đoàn chủ trì cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước tổ chức điều tra cơ bản và tổ chức thăm dò trên toàn bộ diện tích chứa than ở bể than Đông Bắc (phần chưa thăm dò và phần sâu dưới – 300 m) và bể than sông Hồng (khoảng 3.500km2) áp dụng theo cơ chế thăm dò dầu khí.
Bản báo cáo cũng nhắc lại một kiến nghị mà Chủ tịch Tập đoàn Trần Xuân Hòa đã rất tha thiết đề nghị trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ ba vừa qua, đó là cho thực hiện việc bán than theo giá thị trường.
Khi đó, Chủ tịch Hòa cho biết, với giá bán than cung cấp vào các nhà máy điện mới chỉ gần xấp xỉ 600 ngàn đồng/tấn thì trong năm nay theo giá thành Tập đoàn phải bù lỗ khoảng 8.500 tỷ đồng, nếu như theo giá xuất khẩu thì phải bù cho than vào điện khoảng 900 triệu USD.
Nguyên Vũ (Theo VET)