.
.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm

Thứ Tư, 10/07/2013|19:15

Ngày 9/7/2013, tại cuộc Họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủ ro, nhưng ngành Dệt May Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Trong đó, lượng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất, đạt 3,94 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; EU  đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng KNXK, tăng 18%; thị trường Nhật đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5% KNXK, tăng 24,5%; Hàn Quốc đạt 660 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,5%, tăng 32% và các thị trường khác đạt 1,85 tỷ USD.

Những tín hiệu tăng trưởng khả quan nói trên của dệt may Việt Nam đã khẳng định vị thế cạnh tranh của hàng hóa dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là 4 thị trường quan trọng: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các mặt hàng may mặc chất lượng cao của Vinatex tiếp tục chinh phục thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản
Các mặt hàng may mặc chất lượng cao của dệt may Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đóng góp vào kết quả chung toàn ngành, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của Tập đoàn ước đạt 1,281 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2012, bằng 50% kế hoạch cả năm. Doanh thu ước đạt 20.227 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó doanh thu nội địa ước đạt 10.079 tỷ đồng, tăng 11%, tiêu biểu một số đơn vị nổi bật như: Phong Phú, Vinatex Mart, Dệt may Nam Định, May Việt Tiến, Dệt may Huế, Nhà Bè, Việt Thắng...

Trong hoạt động đầu tư, 6 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn đã triển khai 46 dự án với tổng mức đầu tư 6.144 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án sợi, 4 dự án dệt, 20 dự án may và 20 dự án khác (dự án KCN, vùng nguyên liệu và đào tạo). Tổng giá trị giải ngân ước thực hiện là 403 tỷ đồng.

Theo ông Lê Tiến Trường, với thị trường Mỹ, trong số hàng xuất khẩu thì mặt hàng xơ sợi nhân tạo của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là hàng dệt may Việt Nam trước đây chỉ xuất khẩu sang các nước phát triển của EU, thì nay đã mở rộng xuất khẩu sang cả nhóm các nước đang phát triển, các thành viên mới thuộc khối EU. Do chúng ta chủ động mở rộng được thị trường nên xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng 18% vào khối EU27.

Với thị trường Nhật Bản, dệt may Việt Nam sẽ phát triển được quy mô tăng trưởng xấp xỉ bằng thị trường EU27. Còn thị trường Hàn Quốc sẽ được duy trì là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 4 của Việt Nam, phấn đấu trở thành 1 trong 4 thị trường mà dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

6 tháng cuối năm, Vinatex dự kiến hoàn thành các chỉ tiêu để đưa doanh thu cả năm tăng 13% so với năm 2012 và kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng 12%, lợi nhuận tăng 11%.

Tại Hội nghị ông Lê Tiến Trường đã trả lời phỏng vấn báo chí, Báo điện tử Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương xin trích đăng để bạn đọc tiện theo dõi:

PV: Kết thúc 6 tháng đầu năm, có thể thấy tín hiệu xuất khẩu của Vinatex rất khả quan, theo ông yếu tố nào khiến Tập đoàn đạt được kết quả đó, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Trong 6 tháng đầu năm nay, nhìn nhận một cách khách quan, các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có Vinatex thì thị trường có thuận lợi hơn so với năm 2012, nên chúng tôi có lượng đơn hàng dồi dào hơn. Thứ hai là những tín hiệu do nỗ lực từ Chính phủ trong việc hội nhập kinh tế quốc tế đã làm cho các nhà đầu tư có xu thế dịch chuyển vào Việt Nam để tìm kiếm một cơ hội sản xuất mới ở đây, vì thế đơn đặt hàng tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm có khá hơn, đây là nguyên nhân khách quan giúp cho Vinatex có những thuận lợi hơn so với những ngành sản xuất phục vụ thị trường nội địa hoặc là những ngành xuất khẩu đang gặp những trở ngại trong tiêu dùng, trong hàng rào phi thuế quan ở các nước trên thế giới.

Về mặt chủ quan thì các doanh nghiệp dệt may cũng đã rất thành thạo, thành thục với hoạt động cạnh tranh và sự biến động của thị trường trong nhiều năm qua và liên tục có những nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Với sự củng cố liên tục trong nhiều năm đó thì chúng tôi tiếp tục duy trì được lợi thế cạnh tranh tương đối của Việt Nam so với các quốc gia khác, cộng thêm các yếu tố khách quan như đã nói ở trên đã làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và Ban lãnh đạo Vinatex đánh giá cao sự nỗ lực của CBCNV toàn Tập đoàn dưới sự chỉ đạo định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo, cụ thể là các đồng chí giám đốc các doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng lên 14,5% về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, vượt mức đăng ký kế hoạch 12% với Chính phủ. Đây thực sự là kết quả rất đáng khích lệ đối với toàn ngành Dệt may chúng tôi.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam

PV: Xin ông cho biết giải pháp sẽ tập trung trong 6 tháng cuối năm của Vinatex là gì?

Ông Lê Tiến Trường: Giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2013 của Vinatex không mới đối với một ngành sản xuất như chúng tôi, chắc chắn Tập đoàn vẫn phải bám sát theo chiến lược phát triển dài hạn để hình thành chuỗi cung ứng của ngành dệt may ở Việt Nam và đặc biệt là phương thức sản xuất ODM, tức là phướng thức sản xuất từ vải tại Việt Nam. Chính vì thế mà Tập đoàn tập trung cho việc phát triển chuỗi liên kết từ các doanh nghiệp dệt đến các doanh nghiệp may theo hướng phát triển thị trường là công ty may, nhưng phát triển theo hướng không chỉ nhận đơn hàng may mặc về thực hiện khâu may mà xác định sớm để phát triển khâu sản xuất vải và những chuỗi cung ứng này về cơ bản đã được hình thành ở phía Bắc như: chuỗi sản phẩm dệt kim 8/3 – Hanosimex – Dệt kim Vinatex, chuỗi sản phẩm dệt thoi 8/3 - Dệt may Nam Định – các công ty may khu vực Đồng bằng sông Hồng... Ở phía Nam là qua chuỗi Tổng Công ty Phong Phú, Việt Thắng để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm dần theo hướng sản xuất ODM và với cách đi này, trong 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên giá trị nội địa của Tập đoàn đã vượt lên gần 60%, đạt 850 triệu USD, tỷ lệ nội địa trên 1,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn Tập đoàn.

PV: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, điều gì khiến Vinatex không rơi vào tình trạng nợ xấu, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Yếu tố khách quan đã giúp cho Tập đoàn có tình hình công nợ tốt hơn so với các ngành nghề kinh doanh khác và chúng tôi định hướng đến các thị trường các nước phát triển lớn như: Mỹ, Nhật, EU nên hoạt động thanh toán quốc tế rất bài bản và 80% doanh thu đến từ khu vực có hàng hóa xuất khẩu này đã chứng minh sự an toàn nhất định về công nợ. Thứ hai là đối với thị trường nội địa, nếu thực hiện bán hàng đến tận tay người tiêu dùng thì Vinatex thực hiện phương thức thu tiền ngay nên không có công nợ, và chỉ có một phần công nợ thông qua hệ thống bán sỉ, đại lý bán hàng của mình, nhưng tỷ trọng rất thấp, chính vì thế công nợ chung của toàn Tập đoàn là thấp và nhờ yếu tố này nên công nợ của Tập đoàn, các doanh nghiệp của Tập đoàn đối với ngân hàng 6 tháng đầu năm không có khoản vay nào quá hạn và không có khả năng thanh toán.

PV: Xin ông cho biết tỷ lệ hàng tồn kho của Tập đoàn Dệt may Việt Nam có vấn đề gì đáng ngại không?

Ông Lê Tiến Trường: Hàng tồn kho của toàn Tập đoàn đến hết 30/6, bao gồm cả hàng tồn kho trên dây chuyền, bán thành phẩm và tồn kho thành phẩm chỉ có hơn 5.000 tỷ đồng. Nếu so với doanh thu của 6 tháng đầu năm đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng thì tồn kho từ nguyên liệu đến thành phẩm trong 1 tháng là con số rất thấp; tổng lượng hàng tồn kho bằng 88% so với cùng kỳ năm trước.

PV: Những khó khăn mà từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp trong ngành Dệt may nói chung và Vinatex nói riêng phải đối mặt là gì, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Khó khăn trong sản xuất kinh doanh luôn luôn tồn tại vì đấy là đặc thù của một thị trường cạnh tranh, chúng ta không thể lơi lỏng một phút nào, vì đối thủ của ngành dệt may trên thế giới có rất nhiều và họ sẵn sàng luôn luôn thế chân chúng ta nếu chúng ta không tiếp tục duy trì được cả năng suất, chất lượng, giá thành để phục vụ cho các thị trường lớn trên thế giới, bởi vậy chúng tôi vẫn luôn khẳng định rằng, thị trường và cơ hội kinh doanh luôn có nhưng chúng ta có làm được hay không? đáp ứng thỏa mãn của khách hàng hay không? Đó là thách thức lớn nhất đối với tất cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với trong nước, những đơn vị thực hiện kinh doanh nội địa tiếp tục sẽ gặp thách thức về mức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn còn khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, những yếu tố nội tại của nước ta như: yếu tố kinh tế vĩ mô, tiếp cận vốn, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các chính sách trong hải quan, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải tiếp tục là những thách thức cho năng lực cạnh tranh chung của các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp dệt may.

Lan Hương

.
.
.
.