Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam":
Nâng cao sức cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hóa của hàng dệt may Việt Nam
Ngày 20/8, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do đồng chí Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Đến dự có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối DNTW cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối và Tập đoàn Dệt may.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết: Chủ trương của Cuộc vận động cũng chính là chiến lược phát triển của Tập đoàn và được tập trung triển khai với hai định hướng chính, đó là định hướng chuyển dịch sản xuất từ phương thức CMT sang ODM với tỷ lệ nội địa hóa cao, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nhau nhằm tăng giá trị gia tăng, dịch chuyển lên phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị cung ứng may mặc toàn cầu đồng thời hướng tới phát triển bền vững của thị trường xuất khẩu. Còn đối với thị trường nội địa, Tập đoàn quan tâm, phát triển thị trường theo phương thức OBM nội địa nhằm cung cấp sản phẩm may mặc chất lượng cao với giá thành hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam.
5 năm thực hiện Cuộc vận động đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu của các đơn vị trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam, khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Vinatex đang cùng với các đơn vị tạo mối liên kết bền vững để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời mở hướng đi mới cho ngành Dệt may trên thị trường nội địa. Việc thực hiện Cuộc vận động đã khuyến khích doanh nghiệp Dệt May Việt Nam sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước đã tăng một cách khả quan.
Toàn thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn và các đơn vị thành viên đều nhận thức được việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương đúng đắn, khơi gợi ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc. Hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart trên 28 tỉnh thành trong cả nước, trên 50 đại lý bán hàng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên rộng khắp đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, dịch vụ cũng như sản phẩm đa dạng với hơn 60 nghìn mặt hàng, tỷ lệ 100% hàng Việt Nam. Những sản phẩm, thương hiệu mới của Tập đoàn và các đơn vị thành viên với thiết kế đẹp, hiện đại, chất lượng tốt đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm may mặc Việt Nam thay vì các sản phẩm nước ngoài với mức giá tương đương.
Trong thời gian tới, thông qua việc kết nối mạng lưới tiêu thụ nội bộ, Tập đoàn và các đơn vị thành viên không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến mọi miền đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền và hưởng ứng Cuộc vận động. Các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng quy mô của các đợt bán hàng; tổ chức các hội chợ, hội thảo nhằm thu hút khách hàng tiềm năng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của Tập đoàn, đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động. Tập đoàn và các đơn vị thành viên chú trọng phát triển hệ thống thương hiệu, tạo nên một khối vững chắc nhằm giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, khuyến khích và đẩy mạnh người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động |
Tại buổi làm việc, thảo luận về các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động, thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng trong nước; quảng bá rộng rãi thương hiệu, sản phẩm dệt may Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần chia sẻ trách nhiệm, tăng cường sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Các đại biểu cũng trao đổi về những kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên ngành Dệt May có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ dệt may; cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp dệt may trong tăng cường tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí trong dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) nhằm đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợi của cả nước, góp phần giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Phát triển cùng nguyên liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lao động; tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành, dự kiến đạt 70% vào năm 2015.
Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Lê Tiến Trường cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng tốt sản xuất trong nước đã làm giảm tính linh hoạt của các thương hiệu nội địa, đẩy giá sản phẩm lên cao. Ngoài ra, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường được gắn mác hàng Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của nhà cung cấp. Vì vậy, đồng chí cũng mong rằng, lãnh đạo các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư phát triển khu công nghiệp Dệt may có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; có chính sách phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ dệt may; có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ như: hỗ trợ lãi suất vốn vay, ưu đãi tài trợ vốn, ưu đãi các loại thuế (thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,…).
Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng dần, từ 2010 đạt 15.740 tỷ đồng, năm 2011 đạt 18.518 tỷ đồng; năm 2012 đạt 19.700 tỷ đồng tăng 6,4% so với 2011; năm 2013 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 6% so với 2012; năm 2014, ước tăng 6,3% so với năm 2013, đạt 22.200 tỷ đồng. |
Lan Hương