.
.

Tái cơ cấu thành công, VIMC 'bứt phá' mạnh mẽ

Thứ Năm, 13/01/2022|23:43

Từ một doanh nghiệp Nhà nước luôn nằm trong "top đầu" về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, bằng việc tái cơ cấu quyết liệt, toàn diện, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã bứt phá mạnh mẽ và đạt được kết quả rất tích cực trong năm 2021 với mức lãi gấn 5,5 lần kế hoạch.

Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của VIMC đã ghi nhận lợi nhuận 1.078 tỷ đồng trong năm 2021, chiếm tới 26% cơ cấu lợi nhuận toàn tổng công ty.
 Đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMCcho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của VIMC đã ghi nhận lợi nhuận 1.078 tỷ đồng trong năm 2021, chiếm tới 26% cơ cấu lợi nhuận toàn tổng công ty.

Từ lỗ 145,3 tỷ đồng, đến lãi ‘khủng’ 3.750 tỷ đồng

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 được VIMC tổ chức ngày 11/1, Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của VIMC đã ghi nhận lợi nhuận 1.078 tỷ đồng trong năm 2021, chiếm tới 26% cơ cấu lợi nhuận toàn tổng công ty.

Đặc biệt, tính chung, năm 2021, doanh thu của VIMC ước đạt 19.604 tỷ đồng (tăng 124% cùng kỳ 2020, đạt 129% kế hoạch 2021), lợi nhuận tăng trưởng ước đạt mức kỷ lục với 3.750 tỷ đồng. Năm ngoái, VIMC lỗ tới 145,3 tỷ đồng, thì bước sang năm 2021, tổng công ty này “đại thắng” với mức lãi đã tăng 554% (gấp 5,5 lần kế hoạch).

Sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện (2013-2015), VIMC đã hồi phục và duy trì ổn định được năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa của quốc gia. Hiện tại, vốn hóa của VIMC trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 31/12/2021 là 36.617 tỷ đồng. Tổng số lao động khoảng 12.447 lao động, thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ tái cơ cấu, quy mô của VIMC được thu gọn, tập trung nguồn lực trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải và phát triển các hoạt động cốt lõi. Qua đó, VIMC đẩy mạnh hiệu quả dịch vụ chuỗi, cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ tổng thể, ưu việt trên cơ sở liên kết và phát huy thế mạnh của các lĩnh vực chính.

“Bên cạnh đó, kết quả tích cực cũng xuất phát từ việc VIMC đã theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh”, lãnh đạo VIMC chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương VIMC đã biến “nguy” thành “cơ”, tận dụng rất tốt cơ hội trong năm 2021 đầy biến động.

“Thay đổi mô hình quản trị của Tổng công ty là cần thiết và đã đem lại thành công đột phá trước mắt cũng như động lực cho những năm tới đây. Tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực dể đưa con tàu VIMC ra khơi, hoạt động kinh doanh có lãi và hiệu quả hơn nữa”, đồng chí Hùng nhấn mạnh.

Cần đột phá về thể chế, nâng tầm ngành hàng hải trong nước

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong thời gian tới, đại diện VIMC đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT và các bộ, ban ngành, địa phương hỗ trợ những đột phá về thể chế để thuận lợi hơn trong hợp tác với các đối tác lớn, các nhà đầu tư tiềm năng trên thế giới. Từ việc triển khai các dự án lớn, ngàng hàng hải trong nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới, mở rộng phạm vi hoạt động sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, VIMC kiến nghị được tạo điều kiện để sớm triển khai dự án đầu tư khu bến cảng trung chuyển container tại khu vực Cần Giờ (TPHCM). Bên cạnh đó, ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng cảng biển, ICD (cảng cạn/cảng nội địa) cho các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước, để đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng.

Theo VIMC, cần xây dựng và phát triển đội tàu biển quốc gia phù hợp với từng giai đoạn, có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi, thích hợp. Trên cơ sở này, VIMC có thể đầu tư thêm tàu, trẻ hóa đội tàu để đón nhận các cơ hội thị trường và đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng của Việt Nam và có thể đảm đương được việc vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới.

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, cùng với sự linh hoạt tuyệt đối của các hãng tàu tư nhân/quốc tế, cũng như các doanh nghiệp cảng biển, dịch vụ hàng hải khác trên cả nước, cần tăng cường phân cấp cho người đại diện phần vốn Nhà nước tại VIMC, để người đại diện vốn được tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Như vậy mới có thể kịp thời đón bắt được các cơ hội thị trường và phát huy vai trò của doanh nghiệp hàng hải hàng đầu của Việt Nam.

VIMC cũng mong muốn các thủ tục đầu tư, mua bán, đóng mới và thanh lý đối với các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước ngày càng được đơn giản hóa.

Theo chinhphu.vn

.
.
.
.