20 năm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới đất nước, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần gia tăng niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng quốc gia.
Cách đây tròn hai thập kỷ, ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập BHTGVN với cam kết bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì an toàn lành mạnh hệ thống các TCTD trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Từ nền móng đầu tiên là Nghị định 89/1999/NĐ-CP năm 1999, tiếp đến là Nghị định 109/2005/NĐ-CP năm 2005 về BHTG, cơ sở pháp lý cho chính sách BHTG tại Việt Nam đã được nâng thành Luật BHTG, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Ngày 1/4/2016, BHTGVN chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành “tổ chức tài chính Nhà nước theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ” theo Quyết định số 527/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những bước chuyển về hành lang pháp lý có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để BHTGVN - tổ chức trực tiếp thực thi chính sách BHTG thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD.
Trong 20 năm qua, BHTGVN đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống các TCTD. Hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi bằng Việt Nam đồng của cá nhân tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG thông qua các nghiệp vụ BHTG.
Với nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, đến năm 2019, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt gần 58.000 tỷ đồng nhờ tích lũy, quản lý và đầu tư bài bản... Đây là nguồn lực tài chính đáng kể giúp BHTGVN sẵn sàng chi trả khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Việc cấp, thu hồi chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện chính xác, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD huy động hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
BHTGVN cũng triển khai có hiệu quả giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG, “sát cánh” cùng mỗi bước đi của TCTD, để họ biết mình mạnh yếu ra sao, đón lường các rủi ro tiềm ẩn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh để hoạt động ngày càng an toàn, hiệu quả hơn.
Từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã chi trả kịp thời cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc, giữ vững ổn định trật tự xã hội tại địa phương; thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về bảo hiểm tiền gửi, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư cho phát triển kinh tế, thực sự trở thành điểm tựa niềm tin của người gửi tiền đối với các TCTD.
Qua 20 năm hoạt động, BHTGVN đã mở rộng mạng lưới hoạt động gồm Trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh tại các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, giúp triển khai kịp thời và đồng bộ các hoạt động nghiệp vụ BHTG, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của tổ chức và tiệm cận thông lệ quốc tế, những năm qua, BHTGVN cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các tổ chức BHTG trên thế giới, từ đó, giúp BHTGVN tận dụng được kiến thức và kinh nghiệm quốc tế để ngày càng hoàn thiện mô hình BHTG hiệu quả tại Việt Nam.
Có thể thấy, sự phát triển của BHTGVN luôn đồng hành với sự phát triển lớn mạnh của hệ thống TCTD, góp phần duy trì ổn định hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Mọi hoạt động của BHTGVN đều nhằm thực hiện tốt mục tiêu này, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam cũng như đáp ứng các thông lệ quốc tế về BHTG.
Chính phủ và NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, BHTGVN được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, xử lý khó khăn của các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND và nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí bảo hiểm tiền gửi vào việc xử lý các TCTD yếu kém. Đây là vận hội mới nhưng cũng là thử thách mới đối với tổ chức BHTG ở tuổi 20.
Phát huy mạnh mẽ nội lực để vững bước trong giai đoạn phát triển mới, xứng đáng là công cụ hữu hiệu để thực hiện thành công nhiệm vụ chung của ngành ngân hàng, BHTGVN sẽ chủ động triển khai “Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, BHTGVN sẽ tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG, tăng cường giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG để ngăn ngừa rủi ro, bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của các TCTD, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm tạo cơ sở pháp lý để BHTGVN càng phát huy vai trò tích cực của mình trong tiến trình này; đồng thời tăng cường quản lý có hiệu quả và nâng cao năng lực tài chính để sẵn sàng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi cần thiết; xây dựng nền tảng vững chắc phục vụ việc hỗ trợ có hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG tạm thời gặp khó khăn về thanh khoản.
Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, từ đó góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, truyền thông chính sách là một trong những nghiệp vụ quan trọng được BHTGVN tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Tích cực nâng cao chất lượng hoạt động, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đồng thời phát triển hệ thống BHTG hiệu quả theo thông lệ quốc tế.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm cơ chế xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật về BHTG để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức này trong bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, nhất là tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý nợ xấu.
Theo chinhphu.vn