.
.

NHCSXH đồng hành cùng người nghèo trên từng cung đường phát triển

Thứ Sáu, 27/03/2020|16:28

Tháng 3/2020 đánh dấu Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương (NHCSXH) tròn 17 năm đi vào vận hành với vai trò đơn vị ủy thác duy nhất của Chính phủ thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. 17 năm hình thành và phát triển, NHCSXH không chỉ thực hiện tốt trọng trách Đảng, Chính phủ giao phó cho vay đúng, vay đủ, mà hơn cả là sự sâu sát của Ban lãnh đạo NHCSXH cùng hơn 9.000 cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống đã chủ động kịp thời đưa nguồn vốn vào những đường hướng phát triển kinh tế của địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo.

Cùng với đó là việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng một hệ thống chính sách tín dụng có tính hỗ trợ, kế thừa, đáp ứng nhu cầu để giải quyết giảm nghèo, đặc biệt là huy động được nguồn lực trong nước và chính người nghèo để giải quyết bàn toán thoát nghèo bền vững.

Khi bắt đầu hoạt động vào tháng 3/2003, với 3 chương trình cho vay, đến nay NHCSXH đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng, cũng như nhiều lần nâng mức vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Khi bắt đầu hoạt động vào tháng 3/2003, với 3 chương trình cho vay, đến nay NHCSXH đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng, cũng như nhiều lần nâng mức vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.

Một điểm đến, vạn tâm tình

Về mảnh đất khô cằn, đầy nắng và gió bão Hà Tĩnh, đến thăm các hộ vay vốn càng thấm ý nghĩa của việc vận hành mô hình NHCSXH. Ý chí kiên cường vượt khó, thoát nghèo của người dân nơi đây cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn của NHCSXH nhiều năm qua đã trải nhựa sống trên từng cánh đồng, mang hạnh phúc vào từng căn nhà nhỏ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim ở khối 3 phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh là một ví dụ. Hơn 10 năm được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Sổ vay vốn ghi kín đặc đến trang cuối từ vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, sản xuất kinh doanh,... 3 lần xin vay vốn cho 3 người con học đại học với số tiền 101,4 triệu đồng, đã trả 78 triệu đồng, dư nợ hộ nghèo còn 30 triệu đồng, cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà là cả quá trình chật vật. Nuôi được 7 người con chỉ với hơn 1 mẫu ruộng rồi thu hẹp dần xuống 7 xào, bà khẳng định nếu Nhà nước không có chính sách cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi lợn, gà, rồi buôn bán nhỏ nông cụ cùng chồng trên các huyện vùng cao thì chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, còn 3 cô con gái sau cũng chỉ hết cấp 3 nghỉ học, phụ giúp cha mẹ kiếm miếng cơm rồi đi lấy chồng. Dù chưa tới hồi thái lai nhưng từ năm 2015 đến nay, khi 2/3 các con của bà được vay vốn NHCSXH học đại học ra trường có việc làm, đã giúp bà trả nợ ngân hàng, nuôi con gái út đang học đại học và sửa sang lại căn nhà che mưa nắng lúc tuổi già. Cái nghèo cũng từ đây đoạn tuyệt với gia đình bà.

Với những người dân Hà Tĩnh như anh Mai Thanh Hưng ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, vốn vay ưu đãi chính là cứu cánh với gia đình anh sau sự cố môi trường biển. Từ một gia đình khấm khá quen với nghề đánh bắt hải sản gần bờ, thảm họa môi trường biển dẫn đến cấm đánh bắt gần, gia đình anh như bao hộ dân trong cảnh thuyền phơi, ngư cụ dồn góc nhà tự mục rách. Không có việc làm ổn định, anh đành phải vào Nam làm thuê, làm mướn kiếm vài triệu đồng mỗi tháng gửi về cho vợ nuôi 4 con nhỏ. Bởi vậy, 50 triệu đồng vay từ NHCSXH để chuyển đổi sinh kế giúp anh tu sửa thuyền và ngư cụ vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đã 3 năm trôi qua, cuộc sống gia đình anh đã tạm ổn, dù không được như cũ nhưng thu nhập cũng được 80% so với trước đây. “Nếu không có NHCSXH cho vay vốn thì gia đình tôi càng ngày càng khó khăn. Kể từ đó đến giờ, gia đình tôi làm ăn khá hơn, các cháu được học hành đến nơi đến chốn”, anh Hưng tâm sự. Thuyền của anh cũng tạo việc làm và thu nhập cho 2 - 3 bạn thuyền khác ổn định cuộc sống gia đình.

Nguồn vốn vay không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và các đối tượng chính sách, mà còn đang chắp cánh cho những ước mơ và ý chí góp sức xây dựng quê hương, Tổ quốc của những người dân vùng đất hiếu học như Hà Tĩnh. Như thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, bà Đặng Thị Trinh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã và đang tiếp sức cho truyền thống hiếu học của vùng đất này. Hiện thôn có 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 103 hộ, trong đó 40 hộ vay vốn từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Nhờ nguồn vốn vay này mà từ năm 2010 đến nay có hơn 60 cháu được học đại học, cao đẳng, trong đó nhiều gia đình có 4 - 5 con được học đại học từ nguồn vốn này, như hộ CCB Nguyễn Đình Tâm, có 4 con đã học xong đại học, trong đó con trai lớn trở về góp sức xây dựng ngay tại quê nhà.

Đặc biệt, với quan điểm chưa phải là tỉnh giàu có nhưng Hà Tĩnh đã xác định việc chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho người dân vay là cần thiết. Chỉ 5 năm qua, nguồn vốn địa phương ủy thác đã tăng lên gấp hơn 3 lần, hiện đạt trên 112 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của chi nhánh đến cuối tháng 2/2020 đạt trên 4.763 tỷ đồng, cho 117.269 khách hàng vay. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, tức là sau khi thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, nguồn vốn đã giúp 37 nghìn hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận theo đa chiều của Hà Tĩnh xuống còn 4,53%.

“Chúng tôi khẳng định kết quả của chính sách tín dụng cho người nghèo mà NHCSXH triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng là chủ trương ý Đảng hợp lòng dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung tay giảm nghèo. Tín dụng chính sách đã, đang đạt kết quả cao, góp phần giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết.

Huy động sức mạnh để giảm nghèo

Hà Tĩnh chỉ là một trong 63 bức tranh giảm nghèo của cả nước được bồi đắp bởi nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình thế giới khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm; các hiệp ước thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội khi nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng rộng, người nghèo sẽ ngày càng tụt lại phía sau. Đón bắt được những vấn đề này từ sự sâu sát với đời sống, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách, từ 3 chương trình cho vay vào năm 2003 khi mới hoạt động, đến nay NHCSXH đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng, cũng như nhiều lần nâng mức cho vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và ứng biến với những rủi ro.

Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011 - 2020) thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH, sự ra đời của 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bởi rõ ràng cùng với hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách trước đó, số hộ nghèo giảm mạnh từng năm như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 9,45%, giảm về 5,2% cuối năm 2015 và tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều là gần 10%. Song nguy cơ tái nghèo cao, nhất là vùng lõi nghèo thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, cùng với kiến thức canh tác nuôi trồng của người dân còn hạn hẹp. Vì vậy, khi 2 chương trình tín dụng chính sách bù lấp vào những khoảng trống này đã góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu thoát nghèo bền vững. Tính đến tháng 1/2020, dư nợ cho vay hộ nghèo giảm không nhiều so với năm 2010, từ 36.166 tỷ đồng xuống còn 34,692 tỷ đồng, song cơ cấu cho vay hộ nghèo đã giảm từ 40,4% xuống còn 16,7% trong tổng dư nợ cho vay của NHCSXH. Thay vào đó, dư nợ cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tăng mạnh với tỷ trọng dư nợ tương ứng là 15,4% (đạt 31.856 tỷ đồng) và 16,8% (đạt 34.749,7 tỷ đồng).

Cùng với đó là các chương trình tín dụng tạo dựng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, cho vay thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau. Chính phủ cũng đã có chính sách cho vay đối với người dân chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế tiếp tục phát triển.

Bên cạnh mở rộng các chương trình tín dụng, NHCSXH cũng đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chính sách huy động nguồn lực đảm bảo 100% các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò chính quyền địa phương trên cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế từ nguồn vốn và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay. Đỉnh cao của việc kết nối cả hệ thống chính trị - xã hội với công cuộc giảm nghèo bền vững đó là NHCSXH chủ động tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Minh chứng có thể thấy rõ từ việc cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp địa phương không chỉ chung tay nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, mà chủ động dành thêm nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH, coi đây là công cụ quan trọng trực tiếp và mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng NTM. Nguồn vốn ủy thác địa phương trong 5 năm đã tăng thêm 11.635 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 15.443 tỷ đồng. Riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng, gần bằng cả giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW.

NHCSXH còn chủ động báo cáo các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê chuẩn bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để tạo sự ổn định, chủ động trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay các đối tượng thụ hưởng. Riêng năm 2019, NHCSXH đã nhận được 6.736,890/7.148,110 tỷ đồng, hoàn thành 94,2% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Hay như sau thành công của việc mở rộng dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo, từ năm 2017, việc triển khai huy động vốn dân cư tại các Điểm giao dịch xã đã góp phần tăng đáng kể nguồn vốn huy động của NHCSXH. Đến cuối năm 2029 nguồn vốn huy động đạt 29.124 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2018.

Tất cả những nỗ lực của NHCSXH đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách trong 17 năm qua. Đặc biệt, Chiến lược phát triển 10 năm của NHCSXH chỉ còn gần 1 năm nữa kết thúc nhưng đích đến đã trong tầm tay với cả các chỉ tiêu định lượng và định tính như trong việc thực hiện Chiến lược 10 năm của NHCSXH. Cao hơn cả, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2019 ước khoảng 5,7%, giảm 4,11% so với năm 2016. Đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước xây dựng 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010 - 2020.

Với tổng dư nợ của NHCSXH đến thời điểm này đạt trên 209.000 tỷ đồng và hơn 6,5 triệu hộ thụ hưởng chính sách tín dụng từ NHCSXH, chúng ta tin tưởng những thành quả hỗ trợ giảm nghèo trong năm 2020 của NHCSXH sẽ còn sáng rõ hơn. Đây là nền tảng để NHCSXH tiếp tục bước tiếp trên con đường phát triển, phát huy vai trò cũng như sứ mệnh của một ngân hàng chuyên biệt vì người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiền trình phát triển đất nước.

Việt Hải

.
.
.
.