Hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Vietcombank trong tiến trình chuyển đổi số
Nghị quyết của Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã chỉ rõ mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới, sáng tạo của nền kinh tế số, góp phần đưa Vietcombank trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn lực và môi trường làm việc tại Việt Nam, khẳng định vị thế là một trong 50 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Vietcombank cần tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.
Hội thi nghiệp vụ tài trợ thương mại của Vietcombank năm 2019. |
Hướng đến mục tiêu đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Ban lãnh đạo Vietcombank đặc biệt quan tâm tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2019, Vietcombank đã nâng cấp Trung tâm đào tạo thành Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Trường Đào tạo) với nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo và các hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của Vietcombank. Đến nay, sau hơn hai năm thành lập, Trường đã từng bước xây dựng nền móng vững chắc nhằm hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Vietcombank. Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với NGND, PGS, TS. Kiều Hữu Thiện - Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank.
PV: Thưa NGND, PGS, TS. Kiều Hữu Thiện, sau hai năm thành lập trường, hoạt động đào tạo ở Vietcombank đã đạt được những kết quả khởi sắc như thế nào?
Với quyết định thành lập Trường đào tạo (theo lộ trình thực hiện Đề án chiến lược về Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đến năm 2020), Ban lãnh đạo Vietcombank mong muốn phát triển một cơ sở đào tạo nội bộ chuyên nghiệp, cung cấp chương trình và dịch vụ đào tạo chất lượng tốt nhất cho toàn hệ thống. Để xác định rõ lộ trình phát triển từng giai đoạn, từng bước đạt mục tiêu, Trường đã dự thảo Chiến lược phát triển tới 2025, tầm nhìn 2030. Sau hơn 2 năm, hoạt động đào tạo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: Khung chính sách quản lý đào tạo nhất quán và đồng bộ gồm Quy chế đào tạo, Quy chế giảng viên nội bộ, Quy chế sử dụng kết quả thi tay nghề đã được xây dựng và hoàn thiện. Các quy chế này thể hiện quan điểm của Ban lãnh đạo đối với tầm quan trọng của đào tạo nội bộ, xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và cơ chế đãi ngộ đối với người tham gia hoạt động đào tạo, đồng thời là cơ sở quan trọng để Vietcombank triển khai hoạt động đào tạo một cách bài bản, hệ thống, hiệu quả trong thời gian tới.
Đối với công tác xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, Trường từng bước chuẩn hóa theo mô hình ADDIE, hoàn thành xây dựng và tổ chức đào tạo theo bản đồ đào tạo cho các vị trí tại chi nhánh (trong đó: yêu cầu 100% nhân viên mới thử việc tại chi nhánh phải hoàn thành chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề, đây cũng là một trong những điều kiện bắt buộc để xem xét ký hợp đồng lao động chính thức tại Vietcombank). Trường cũng hoàn thiện quy trình xây dựng các chương trình đào tạo chức danh từ cấp Trưởng phòng chi nhánh đến lãnh đạo cấp cao (C-level). Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách, Trường tích cực khai thác hệ thống học liệu mở, liên kết với các đối tác hàng đầu thế giới sử dụng Online training, cải thiện cấu trúc nội dung chương trình đào tạo theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, thực hành…
Trong việc quản lý chất lượng đào tạo và dịch vụ đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên được đặc biệt quan tâm. Trong 2 năm qua, Trường đã nỗ lực xây dựng, kết nối một mạng lưới giảng viên/chuyên gia đầu ngành, tin cậy. Việc lựa chọn giảng viên bên ngoài được tuân thủ theo quy trình chặt chẽ. Đối với giảng viên nội bộ, hàng năm, Trường tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng giảng dạy và tiến hành rà soát, đánh giá để vinh danh, kiến nghị, góp ý nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Hiện tại, Trường đang tiến hành xây dựng bộ tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo nội bộ.
Hoạt động khảo thí ngày càng chuyên nghiệp thông qua việc chuẩn hóa quy trình từ khâu xây dựng, thẩm định, bảo mật ngân hàng đề, giải đáp thắc mắc tới tổ chức các vòng thi tay nghề. Điều thay đổi căn bản là cấu trúc câu hỏi thi tay nghề được xây dựng với chất lượng cao nhằm đánh giá kiến thức, kỹ năng mềm ứng với từng vị trí công việc với mức độ khác nhau. Các mảng nghiệp vụ của ngân hàng đều được định kỳ khảo thí 3 năm/lần.
Bên cạnh đó, Trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tổ chức và quản lý đào tạo. Hệ thống E-learning được áp dụng phổ biến (số lượt đào tạo E-learning năm 2019 đạt 11669 lượt, năm 2020 đạt 25052 lượt, tăng lần lượt 7 và 15 lần so với năm 2018). Quy trình, nội dung và chất lượng số hóa bài giảng được cải thiện. Hệ thống quản lý đào tạo (LMS) đang được khai thác và áp dụng với mục tiêu tự động hóa hoàn toàn việc đăng ký học, quản lý thông tin, theo dõi lịch sử đào tạo và lô trình đào tạo của từng cán bộ; Hệ thống này đang trong giai đoạn tích hợp với hệ thống HCM nhằm kết nối thông tin đào tạo với quản lý nhân sự nói chung của cả hệ thống. Trường cũng đã ứng dụng công nghệ quét mã QR code trong việc thu thập ý kiến đánh giá khóa đào tạo, kiểm tra cuối khóa nhằm đảm bảo tính khách quan tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác này.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sau hơn 2 năm thành lập, công tác đào tạo đã đạt được những kết quả ấn tượng: Số lượt đào tạo liên tục tăng qua các năm (năm 2020 đạt 67.988 lượt, tăng 147% so với năm 2019 và tăng hơn 200% so với năm 2018). Số lượt đào tạo bình quân năm 2020 đạt 3,55 lượt/cán bộ (gấp 1,45 lần so với năm 2019 và gấp 1.66 lần so với năm 2018). 100% cán bộ tân tuyển có thử việc (theo đăng ký của các đơn vị) được đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề. Số lượng cán bộ tham gia đào tạo theo bản đồ đào tạo cũng đạt kết quả khả quan (dự kiến đến cuối năm 2021, hơn 90% cán bộ sẽ hoàn thành lộ trình đào tạo 0-12 tháng) dù đây là lần đầu tiên được triển khai tại Vietcombank và việc triển khai còn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh.
PV: Công cuộc chuyển đổi số đang có tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề, bao gồm ngành tài chính và ngân hàng. Chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu tất yếu, buộc các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ và giao dịch tài chính. Là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, theo đồng chí Vietcombank làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ chuyển đổi số?
Với vai trò là đơn vị đầu mối thực hiện công tác đào tạo cho toàn hệ thống, để thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Vietcombank, Trường Đào tạo đã điều chỉnh cấu trúc chương trình đào tạo, xây dựng/phát triển nội dung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với từng đối tượng và cấp độ. Tham gia giảng dạy các nội dung này là các giảng viên, chuyên gia đầu ngành được thẩm định và lựa chọn đúng quy trình. Các nội dung được triển khai dưới nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo và được thiết kế theo nhu cầu riêng biệt của Vietcombank, đảm bảo thời lượng dành cho thực hành, chia sẻ các giải pháp thực tế.
Theo đó, với đối tượng lãnh đạo, quản lý, Trường chú trọng tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm nhằm thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đối số. Bởi chuyển đổi số là quá trình thay đổi rất lớn (về cả tư duy, cách thức làm việc, mô hình tổ chức và mô hình kinh doanh…) nên phải bắt đầu từ những lãnh đạo của đơn vị với vai trò là người tiên phong chuyển đổi (leader first) thì việc chuyển đổi số mới hiệu quả và lan tỏa rộng khắp.
Với đội ngũ cán bộ, Trường thiết kế, tổ chức các chương trình riêng biệt cho 2 nhóm đối tượng: nhóm cán bộ thuộc khối CNTT và nhóm cán bộ ngoài khối CNTT. Theo đó, những cán bộ làm công việc liên quan trực tiếp đến CNTT và là nòng cốt trong công tác chuyển đổi số, ngoài việc tham gia các khóa đào tạo trong khuôn khổ các dự án của Vietcombank, các chương trình nhằm phát triển kỹ năng, nâng cao nhận thức về xu hướng, văn hóa chuyển đổi số sẽ được tham gia các nội dung mang tính chất chuyên sâu (như AI, Big Data, Agile…). Với nhóm cán bộ ngoài khối CNTT, Trường tập trung vào việc đào tạo sản phẩm, quy trình, chính sách… có ứng dụng hoặc là thành quả của chuyển đổi số cũng như đào tạo kỹ năng làm việc trong thời đại mới.
PV: Xin đồng chí cho biết, hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học ở Vietcombank trong những năm gần đây đã có những thay đổi gì? Chuyển đổi số đang tác động sâu rộng đến mọi hoạt động và mọi lĩnh vực, Vietcombank ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học như thế nào?
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được Ban lãnh đạo Vietcombank đặc biệt quan tâm, có những định hướng, chỉ đạo và cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh hoạt động này. Cụ thể:
Thứ nhất, công tác QL&NCKH được đẩy mạnh theo hướng chuẩn mực hóa trong công tác quản lý và gắn kết quả nghiên cứu với hoạt động kinh doanh của Vietcombank. Chuẩn mực hóa hoạt động QL&NCKH của Vietcombank được thực hiện thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản, quy định liên quan đến hoạt động KHCN của ngân hàng, hệ thống các quy định liên quan đến nhóm nghiên cứu, cộng tác viên nghiên cứu. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu được đặc biệt coi trọng, đảm bảo kết quả của hoạt động này hỗ trợ và phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Thứ hai, có chính sách khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) như chính sách chi trả thù lao cho các hoạt động nghiên cứu, tính điểm thưởng KPI cho các đơn vị có sản phẩm KH&CN. Bên cạnh đó các đơn vị/cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động KH&CN hàng năm đều được tuyên dương, khen thưởng.
Thứ ba, thành lập Nhóm nghiên cứu Vietcombank (NNC Vietcombank) với các sản phẩm báo cáo vĩ mô, báo cáo chuyên đề,… góp phần vào việc dự báo và định hướng hoạt động của Vietcombank.
Thứ tư, mở rộng hoạt động hợp tác trong công tác NCKH với các đối tác như Viện chiến lược NHNN, các Viện nghiên cứu, trường Đại học,… giúp hoạt động KH&CN của Vietcombank được mở rộng, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất và lượng trong khoa học.
Với các chính sách đổi mới nêu trên, hoạt động KH&CN của Vietcombank đã khởi sắc, trở thành một điểm sáng trong hoạt động của ngân hàng. Cán bộ ở tất cả các khối, các lĩnh vực toàn hệ thống Vietcombank đã tích cực, chủ động tham gia NCKH, thực hiện sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn. Số lượng đề xuất thực hiện nhiệm vụ KH&CN tăng lên qua các năm, đối tượng tham gia mở rộng từ trụ sở chính đến các chi nhánh. Năm 2018, chỉ có 20 nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt triển khai thì đến năm 2019 - 2020, số lượng nhiệm vụ KH&CN tăng hơn 6 lần (4 đề tài cấp Bộ, 19 đề tài cấp Vietcombank, đơn vị, 108 sáng kiến cải tiến, 02 hội thảo) và tiếp tục được duy trì trong năm 2021 - 2022 dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (19 đề tài cấp Vietcombank, cấp đơn vị, 100 sáng kiến). Các sản phẩm khoa học đều được đánh giá có chất lượng (tỷ lệ đề tài được nghiệm thu loại Xuất sắc đạt hơn 30%; tỷ lệ sáng kiến được Hội đồng nghiệm thu công nhận đạt hơn 90%), có tính mới, tính sáng tạo và khả năng nhân rộng. Kết quả nghiên cứu đã và đang được ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động ở mọi lĩnh vực, mọi vị trí công tác trong hệ thống Vietcombank.
Thực hiện chương trình hành động chuyển đổi số của VCB đến năm 2025, việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học đã và đang được các đơn vị chủ động triển khai. Chương trình quản lý dữ liệu danh mục nhiệm vụ KH&CN nhằm tối ưu hóa quy trình, tự động hóa tác nghiệp đang được phối hợp xây dựng. Chương trình đi vào hoạt động sẽ giúp cho các đơn vị, cá nhân dễ dàng tiếp cận thông tin về định hướng nghiên cứu, các nhiệm vụ KH&CN đã nghiệm thu và đi vào ứng dụng, giúp các cán bộ quản lý hoạt động KHCN tiết kiệm thời gian trong việc tác nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng các nhiệm vụ KH&CN trong các năm từ 2018-2021 nghiên cứu về ứng dụng chuyển đổi số là khá lớn. Các chủ đề nghiên cứu bao gồm: (i) Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu; (ii) Nâng cao trải nghiệm khách hàng; (iii) Tối ưu hóa quy trình nội bộ, tự động hóa tác nghiệp; (iv) Đẩy mạnh ứng dụng trí thông minh nhân tạo; (v) Hoàn thiện cơ chế chính sách cho chuyển đổi số.
Có thể nói, hoạt động NCKH của Vietcombank đã phát triển vượt bậc và từng bước đi vào thực chất. Điều này thể hiện ở tính đa dạng, tính thiết thực, tính chuẩn mực của các hoạt động NCKH, đảm bảo chất lượng các kết quả nghiên cứu, gia tăng sự gắn kết giữa nghiên cứu và hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Minh Yến