.
.

Ngân hàng Chính sách Xã hội: Đưa vốn về tận thôn, bản

Thứ Tư, 11/07/2012|22:23

 

Từ nhiều năm qua, đều đặn hàng tuần cán bộ và nhân viên NHCSXH tại chi nhánh ở các huyện miền núi Quảng Ngãi lại chia nhau về tận các bản, làng để hướng dẫn và giúp người dân làm các thủ tục vay vốn phát triển sản xuất. Theo đó hàng trăm hộ gia đình không chỉ thoát được nghèo, mà còn có "của ăn của để".

Khấm khá nhờ được vay vốn

Nhìn căn nhà khá khang trang, với những tiện nghi đắt tiền, ít ai biết rằng chỉ cách đây khoảng 4 năm, gia đình bà Hồ Thị Hương, ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà là một trong số những hộ nghèo ở địa phương.

Bà Hương, kể: Do đông con, đất sản xuất ít, điều kiện kinh tế của gia đình quá khó khăn cho nên dù quanh năm suốt tháng lao động vất vả nhưng cái đói nghèo vẫn cứ bám mãi. Đến đầu năm 2010, từ số tiền 25 triệu đồng mà cán bộ NHCSXH đến tận nhà "cho mượn", rồi được cán bộ xã bày cách nên mình làm chuồng và mua 6 con heo về nuôi.

Sau khi heo lớn bán lãi được gần 4 triệu đồng. Cùng với số tiền có trong tay, mượn thêm của bà con, mình mua nuôi heo nhiều hơn gấp 2 - 3 lần. Theo đó, lợi nhuận thu về từ nuôi heo của bà Hương tăng dần. Đến cuối năm 2011, không chỉ trả được nợ cho ngân hàng, hiện số tiền dư của bà Hương gửi tại NHCSXH huyện Tây Trà trên 100 triệu đồng.

Cũng từ số tiền vay 25 triệu đồng vào năm 2009 của NHCSXH huyện Tây Trà, ông Hồ Văn Đạt, ở thôn Đông, xã Trà Trung, đầu tư vào nuôi bò và trồng rừng, thu về lợi nhuận đến thời điểm này ước trên 70 triệu đồng.

Không riêng gì hai trường hợp trên, nhờ nguồn vốn vay được từ NHCSXH, hàng trăm hộ dân nghèo các huyện miền núi trong tỉnh, như: Gia đình ông Đinh Văn Ngưng, ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây; hộ ông Phạm Văn Min, ở xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ... đã vươn lên thoát được nghèo, đồng thời tích lũy từ 20 - 40 triệu đồng/năm/hộ.

Cán bộ ngân hàng "kiêm" hướng dẫn chăn nuôi

Do nhận thức còn nhiều hạn chế nên người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào thiểu số không muốn vay tiền ngân hàng vì sợ không trả được. Một số khác thì muốn vay nhưng không biết thủ tục, quy định thế nào...

Vì vậy từ nhiều năm qua, trừ những hôm bão lũ chia cắt đường, cứ đều đặn hàng tuần cán bộ và nhân viên lại chia nhau về tận các xã, thôn để hỗ trợ người dân tiếp cận và giúp đỡ những ai có nhu cầu làm thủ tục vay vốn, ông Hồ Văn Nghĩa - Giám đốc NHCSXH huyện Tây Trà, tâm sự. Và sau mỗi chuyến đi mỗi cán bộ phải báo cáo bằng văn bản cho Lãnh đạo chi nhánh về kết quả làm được; những khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ... để có sự điều chỉnh kịp thời.

Nhiều cán bộ NHCSXH các huyện miền núi, còn kể: Một vài năm nay còn đỡ, chứ trước kia dù nói thế nào, nhiều người dân cũng lắc đầu nói, mình không biết làm gì nên sợ vay không trả được tiền cho Nhà nước.

Một số khác thì đồng ý "mượn tiền" với điều kiện cán bộ ngân hàng phải bày cho mình mua con giống, trồng cây gì. Cho nên để vốn vay phát huy được hiệu quả, đồng thời người dân trả nợ đúng thời hạn, cán bộ ngân hàng đã chủ động phối hợp với bộ phận chuyên môn các cấp để trợ giúp; hay tự học hỏi, tìm hiểu những vật nuôi, cây trồng phù hợp nhằm tư vấn cho bà con.

Nhờ vậy, mà tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các NHCSXH ở miền núi trong tỉnh đều dưới tỷ lệ cho phép là 1%. Trong đó riêng Tây Trà, tỉ lệ nợ xấu trong cho vay sản xuất là 0,33%, thấp khoảng gấp 3 lần cho phép.

Công Xuân

.
.
.
.