.
.

“Cứu” bất động sản: BIDV và Agribank “xuống tiền”

Chủ Nhật, 23/12/2012|13:48

Theo chỉ đạo giải cứu thị trường bất động sản của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết đẩy tín dụng cho khu vực này từ 20 đến 40 nghìn tỷ đồng, trước mắt giao cho 4 ngân hàng thương mại thực hiện.

Trong khi Vietcombank và Vietinbank đang im ắng thì BIDV và Agribank bắt đầu triển khai và xây dựng đề án.

Ngày 20/12, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, định hướng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc giao cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước trực tiếp hỗ trợ thị trường bất động sản đã nằm trong lộ trình của chương trình xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Trên cơ sở đó, từ tuần tới, Agribank sẽ triển khai xây dựng đề án.

Bơm vốn có chọn lọc

Theo ông Bảo, doanh số cho vay bất động sản của Agribank ở Hà Nội chỉ 2.000 tỷ đồng, còn 1.000 tỷ đồng cho vay các khu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp rải rác ở các tỉnh phía Bắc nhưng chủ đầu tư của các dự án này vẫn ở Hà Nội.

Trong khi đó, ở Tp.HCM, doanh số cho vay lớn hơn, ước 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 50% doanh số cho vay bất động sản toàn hệ thống Agribank. Trong số các dự án bất động sản mà Agribank cho vay ở Tp.HCM, có những dự án đã hoàn thành nhưng cũng còn không ít dự án chưa hoàn thành. Agribank sẽ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng mặt trận chính vẫn là tam nông, mục tiêu của Agribank không phải cho vay vào bất động sản nên đóng góp của Agribank để “giải cứu” bất động sản không thể lớn như BIDV.

Vì thế, trong thời gian tới, Agribank không bơm tiền vào mọi dự án bất động sản mà có sự chọn lọc kỹ càng.

Theo đó, trật tự ưu tiên hỗ trợ bất động sản của ngân hàng này trước hết sẽ tập trung vào các dự án của chính mình đã giải ngân. Với những dự án này, ngân hàng và chủ đầu tư cùng tập trung thẩm định lại, xác định phương án đầu ra, sau đó ngân hàng mới cơ cấu lại các khoản nợ cũ và tiếp tục giải ngân thêm. Ngoài ra, Agribank sẽ tích cực tham gia chương trình nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ.

Với BIDV, việc giải cứu thị trường bất động sản có vẻ sốt sắng hơn. Trước khi Chính phủ triệu tập lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBND Tp.HCM, Hà Nội và các chuyên gia kinh tế làm việc với 2 địa phương trên để giải cứu thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu, BIDV đã ký kết với Bộ Xây dựng bản “Thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015”.

Doanh số cho vay theo bản thỏa thuận này lên tới 30.000 tỷ đồng. Trong đó, mức cho vay tối đa đối với các chủ đầu tư là 10.500 tỷ đồng, chiếm 35% gói vốn trên; mức cho vay tối đa 70%/tổng mức đầu tư một dự án; lãi suất tương đương lãi suất VDB với thời hạn 5 năm.

Đối với người mua nhà, BIDV cho vay tối đa 19.500 tỷ đồng (chiếm 65% gói tín dụng); mức cho vay tối đa là 85%/giá trị căn nhà trong thời hạn 15 năm; lãi suất thấp hơn 10%, tương đương 90% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất thì BIDV sẵn sàng hạ lãi vay thêm.

Ngoài ra, BIDV đang dành 2.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp; 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà; tài trợ 3 dự án thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư trị giá 6.806 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, Tp.HCM.

Có tiền là bất động sản hồi phục?

Theo ông Bảo, để 4 ngân hàng thương mại nhà nước bước đầu thực hiện thành công định hướng hỗ trợ thị trường bất động sản thì trước hết, các địa phương tồn đọng nhiều dự án tồn kho phải điều chỉnh lại quy hoạch, sửa lại công năng các dự án, chuyển đổi phân khúc thị trường từ cao cấp đến phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình, nhà ở xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là điều chỉnh phần cầu thuộc 8 đối tượng nhà ở xã hội là rất cần thiết. Từ đó, nhằm tác động tốt đến tính thanh khoản thị trường để cung cầu thị trường được cân đối hơn.

Một vấn đề khác là nếu toàn hệ thống mà trước mắt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước cung thêm khoảng 20 – 40 nghìn tỷ đồng cho bất động sản thì dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ sẽ vượt quá mức khống chế hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình đang được nhà nước khuyến khích cho vay nhưng nếu phải tính cả doanh số này vào dư nợ bất động sản thì rất ít tổ chức tín dụng dám làm.

Vì vậy, ông Trần Bắc Hà cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên tính doanh số cho vay vào khu vực trên vào giới hạn cho vay bất động sản và lĩnh vực không khuyến khích.

Nguyễn Hoài (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

.
.
.
.