Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Hội sở chính Ngân hàng Phát triển Việt Nam |
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, là ngân hàng chính sách 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng. Hoạt động của VDB không vì mục đích lợi nhuận; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo dự thảo, hoạt động của VDB bao gồm hoạt động huy động vốn; hoạt động tín dụng; hoạt động ủy thác và nhận ủy thác; góp vốn thành lập Công ty con hoặc tham gia thành lập các Công ty liên kết trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, quản lý, khai thác, bán tài sản trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và tài sản mà Nhà nước giao cho VDB xử lý thu hồi nợ; thực hiện một số nhiệm vụ khác theo Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
VDB được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới hình thức vay tái cấp vốn, chiết khấu giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở; tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán; cung ứng các dịch vụ ngoại hối, các dịch vụ thanh toán cho khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, VDB được tham gia thị trường tiền tệ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức quản lý VDB
Theo dự thảo, VDB có Hội sở chính, đơn vị trực thuộc VDB và công ty con.
Cơ cấu tổ chức quản lý của VDB gồm: Hội đồng thành viên; Ban Kiểm soát; Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc. Trong đó, Hội đồng thành viên VDB có từ 5-7 thành viên, có nhiệm kỳ 5 năm; Ban kiểm soát có từ 3-7 thành viên, cũng có nhiệm kỳ là 5 năm.
Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của VDB, điều hành hoạt động hằng ngày của VDB, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc là 5 năm, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quyết định khác nhưng không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Thanh Hoài
Theo Chinhphu,vn