Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Đóng góp lớn cho khoa học dầu khí thế giới
Mới đây cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (một trong những tác giả của Cụm công trình khoa học xuất sắc trên) xung quanh sự kiện này.
Thăm dò, khai thác dầu khí. |
- Thưa ông, Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất về khoa học, công nghệ. Xin ông cho biết hiệu quả kinh tế, xã hội và khoa học của Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với ngành dầu khí Việt Nam?
- Đây là công trình khoa học công nghệ rất to lớn mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đạt được. Nó cũng là niềm vinh dự, tự hào không chỉ đối với 49 cán bộ khoa học tham gia trực tiếp vào công trình mà còn đối với những người làm khoa học ngành dầu khí Việt Nam. Đó cũng là sự nhìn nhận đánh giá về những đóng góp của ngành dầu khí vào sự phát triển của đất nước. Chính sự nhìn nhận này đã khẳng định vai trò quan trọng của việc tìm ra, đưa đối tượng dầu trong đá móng vào khai thác, một đối tượng chứa dầu phi truyền thống.
- Rất ít nhà địa chất trên thế giới nghĩ rằng có thể có dầu chứa nhiều trong tầng đá móng. Việc tìm ra công nghệ này là kết quả lao động tập thể của những cán bộ địa chất Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô và Nga. Công trình đã hình thành quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí mới và đã góp phần rất lớn cho kinh tế đất nước. Công trình này đã góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với sản lượng khai thác dầu từ 16-20 triệu tấn/năm. Việc phát hiện dầu trong đá móng granitoit mỏ Bạch Hổ, bể Cửu Long và tiếp theo là các thân dầu trong đá móng gnanitoit nứt nẻ ở các mỏ khác đã thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, đạt khoảng 12 tỷ USD. Tính từ năm 1987 đến năm 2009 đã có 77 hợp đồng đầu khí được ký, trong đó 53 hợp đồng đang còn hiệu lực. Cụm công trình này cũng bổ sung cho đất nước một nguồn tài nguyên dầu khí mới và to lớn, tạo động lực thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò và khia thác, tạo tiền đề phát triển ngành dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
- Vậy thân dầu đá móng ở Việt Nam có đặc thù thế nào thưa ông?
- Trước khi dầu trong móng mỏ Bạc Hổ được phát hiện đã có nhiều công ty dầu khí nổi tiếng trên thế giới như Deminex, Bon Valley, Agip…tìm kiếm thăm dò dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, do vẫn sử dụng quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống nên các công ty này không có các phát hiện dầu khí mang tính thương mại. Về mặt địa chất, đây là loại thân dầu bất thường, thông thường dầu tìm thấy ở trầm tích lục nguyên, nhưng đây lại là ở trong đá móng granitoit trước Đệ tam. Sự tồn tại bất thường này tạo ra sự khác biệt trong công nghệ khai thác, đòi hỏi những đặc thù nhất định về công thức tính toán, không tuân thủ theo quy luật bình thường, cổ điển như ngành dầu khí vẫn thường sử dụng. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về độ thấm, độ rỗng… vì vậy việc tìm kiếm này vẫn đang được hoàn thiện cùng với thực tiễn để xác định được chân lý khoa học. Thế giới hiện nay đã biết đến ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, biết rằng Việt Nam đang làm chủ một đối tượng chứa dầu đặc thù như vậy. Có nhiều nước đặt vấn đề với chúng ta hỗ trợ họ để cùng nghiên cứu, tìm ra những đối tượng tương tự như vậy ở nước họ như các nước thuộc SNG cũ, Sudan, Venezuela, Uzebekiztan…
- Sau 24 năm, Việt Nam đã khai thác từ tầng chứa móng nứt nẻ trên 200 triệu tấn dầu (khoảng 80% tổng sản lượng dầu), thu gom trên 26 tỉ m3 khí với gần 6 triệu tấn LPG và condensat, tổng doanh thu dầu khai thác từ tầng đá móng lên tới trên 50 tỉ USD. Đây quả là một kỳ tích?
- Đúng vậy, cái tên “Bạch Hổ” đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới và được ghi nhận như mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam, nhưng cũng là mỏ có trữ lượng cực lớn (trên 500 triệu tấn trữ lượng tại chỗ) được khai thác với cường độ và sản lượng cao (trên 12 triệu tấn/năm) từ tầng chứa là đá móng granitoit Mesozoi trong bể trầm tích Đệ Tam trên thế giới. Vietsovpetro đã phát hiện và bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ từ ngày 6.9.1988 đến nay đã gần 24 năm. Đến nay, Việt Nam đã khai thác từ tầng chứa móng nứt nẻ trên 200 triệu tấn dầu (khoảng 80% tổng sản lượng dầu), thu gom trên 26 tỉ m3 khí với gần 6 triệu tấn LPG và condensat, tổng doanh thu dầu khai thác từ tầng đá móng lên tới trên 50 tỉ USD. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và sự phát triển ổn định chung của nền kinh tế. Việc phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu trong đá móng nứt nẻ, hang hốc là thành tựu khoa học - công nghệ của Tập đoàn Dầu khí VN mà tiên phong là Vietsovpetro đã mang lại lợi ích kinh tế lớn và là một kỳ tích đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn cho công nghệ dầu khí thế giới.
- Theo ông, Việt Nam hiện đang sở hữu độc quyền công nghệ này và đó có là lợi thế khi ngành dầu khí đầu tư ra nước ngoài không?
- Thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ là loại thân dầu mới, phi truyền thống, lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam. Công nghệ khia thác này chưa được tổ chức nghiên cứu và áp dụng một cách hệ thống và khoa học trên thế giới. Công nghệ này đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa vào áp dụng từ nhiều năm nay và đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn. Tổng đầu tư cho các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí đã lên đến trên 13 tỷ USD. Những đối tượng thực hiện khai thác dầu móng hiện nay không chỉ có ở mỏ Bạch Hổ, Rồng (Vietsovpetro-LD Việt Nga điều hành), mỏ Rạng Đông (JVPC-Công ty Dầu khí Nhật Việt điều hành), cụm mỏ Sư Tử (Cửu Long JOC, trong đó Conoco Philip của Mỹ tham gia), mỏ Hồng Ngọc (Petronas Carigali Vietnam điều hành) và nhiều mỏ khác với sự tham gia của các công ty dầu khí quốc tế…
- Hiện nhiều công ty dầu khí của nước ngoài, đặc biệt là các công ty của Nhật đã nghiên cứu sâu về vấn đề này. Các nhà thầu cho rằng Vietsovpetro đã tìm thấy dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ thì đâu đây cũng phải có dầu. Điều này giống như một sự kích thích đối với việc các nhà thầu dầu khí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngoài những cách tìm dầu cổ điển, truyền thống ra, họ tìm dầu trong đá móng. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực dầu khí và điều này trở thành lợi thế khi đi đàm phán với các đối tác, các công ty dầu khí trên thế giới.
- Cụm công trình khoa học xuất sắc này có đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài. Ông có thể nói cụ thể hơn về họ?
- Đúng vậy. Nhà nước ta đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 10 chuyên gia Liên Xô trước đây và chuyên gia Nga. Đó là Giáo sư Viện sĩ A-rê-xep; Giáo sư TS-KH Rôt-ten-bec (truy tặng); TS. Bê-lia-nhin; TS-KH Va-khi-tôp; Kỹ sư Ê-xe-ret-kô (truy tặng), Kỹ sư Xe-mi-vô-lơs, Kỹ sư Pret-chuk; TS. Utôp-le-nhi-côp, TS-KH Ba-khi-sep và TS Ki-rê-ep. Ba nhà khoa học và là đồng tác giả của Cụm công trình này được tặng bằng khen. Đó là TS Ivanov A.N, TS Aresev E.G, TSKH Boiko V.I.
- Ông A-rê-xep Giáo sư, Viện sĩ, TS. Anh hùng Lao động Việt Nam khẳng định đây là niềm vui và tự hào lớn. Những nỗ lực của các chuyên gia Xô-viết và chuyên gia Nga trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác với Việt Nam được đánh giá là rất hiệu quả.