Thủy điện Sông Tranh 2: Đập vẫn an toàn, nhưng phải xử lý sớm
Ngày 23-3, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có cuộc họp với đại diện Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thống nhất kế hoạch, giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Từ ngày 19-3, tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã xuất hiện nước chảy ra từ thân đập chính phía thượng lưu về hạ lưu với tốc độ 30 lít/giây. Trước tình hình đó, ngày 21-3, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) các công trình xây dựng khẩn trương kiểm tra và có giải pháp khắc phục. Ngay trong sáng 21-3, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Tỉnh ủy và các Sở ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam; Cục An toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ xây dựng) và EVN đã có buổi kiểm tra thực tế hiện tượng rò rỉ nước tại thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2 và bàn giải pháp khắc phục.
Làm hết trách nhiệm, không để dân hoang mang
Ngay sau khi xuất hiện tình trạng trên, chủ đầu tư EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 (BQLDA) và các nhà thầu khắc phục sự cố rò nước theo hai bước: Kiểm tra toàn bộ hệ thống thu gom và thoát nước thấm theo thiết kế đã được phê duyệt. Thông toàn bộ các ống thu nước trong thân đập bị tắc trong quá trình thi công và thời gian vận hành. Nếu ống nào không thông được thì khoan bổ sung. Hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước trong hành lang thân đập để tăng khả năng thoát nước thấm và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thấm bên ngoài hai vai đập.
Đồng thời yêu cầu, nếu sau khi thực hiện các bước trên mà nước thấm ra hạ lưu không giảm, EVN sẽ xem xét phương án xử lý chống thấm bổ sung để đảm bảo điều kiện chống thấm tốt nhất cho công trình. Theo đó, BQLDA phối hợp với tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc phân tích số liệu quan trắc đã có để đánh giá toàn diện về chất lượng và an toàn của đập…
Động đất có ảnh hưởng?
Hiện tượng nứt, rò rỉ nước tại bờ đập Sông Tranh 2 gây nhiều lo lắng cho chính quyền địa phương cũng như nhân dân vùng hạ lưu công trình. Mắt thường quan sát cho thấy, từ vết nứt, nước chảy ồ ạt từ lòng hồ xuyên qua thân đập chính của thủy điện là điều bất thường, nhất là sau những trận động đất liên tiếp từ trước Tết đến nay khiến cho người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) sống trong tâm trạng lo lắng.
Thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh minh họa) |
Trước đó, khi xảy ra trận động đất, đoàn công tác gồm các chuyên gia địa chất, vật lý địa cầu hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực tai biến tự nhiên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu từ ngày 29-11 đến 29-12-2011, xác định nguyên nhân hiện tượng rung động kèm theo tiếng nổ tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam là động đất kích thích.
Theo các chuyên gia thì khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gẫy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gẫy dẫn tới việc xảy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. Việc xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa là một trong những hiện tượng bình thường và khuyến cáo nhân dân địa phương không nên quá lo ngại.
Việt Nam đã từng quan sát được sự xuất hiện của việc động đất kích thích có độ lớn M=4.8 tại hồ thủy điện Hòa Bình sau khi tích nước 6-7 tháng. Các động đất nhỏ còn theo dõi được đến 4-5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần, khi ứng suất trong vỏ Trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, hoạt động động đất kết thúc, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động động đất kiến tạo bình thường. Hiện tượng động đất kích thích cũng quan sát được ở nhiều nơi trên thế giới, có trường hợp đặc biệt, hiện tượng động đất kích thích kéo dài đến 20-40 năm như hồ Thủy điện Koyna, Ấn Độ.
Như vậy, số liệu động đất tại trạm Huế cho thấy, các dao động ghi được có biên độ sóng S (sóng ngang) lớn hơn nhiều so với biên độ của sóng P (sóng dọc) phản ánh các chấn động được sinh ra trong cơ chế dịch trượt. Do vậy, có thể kết luận rằng các rung động kèm tiếng nổ tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 không có liên quan với hoạt động núi lửa.
Hiện tượng động đất kèm theo tiếng nổ cũng gặp ở khá nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam như ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao bằng... Tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian tới có thể xảy ra những trận động đất tương tự, thậm chí mạnh hơn nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và không thể vượt quá giá trị động đất cực đại 5,5 richter như đánh giá trước khi xây dựng đập Thủy điện Sông Tranh 2.
Theo Viện Địa chất, để kịp thời theo dõi hoạt động động đất trong khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, cần thiết phải đặt một hệ thống quan sát động đất với 5 trạm địa chấn. Phân bổ trạm tùy thuộc vào điều kiện thực tế nhưng sẽ dự kiến 1 trạm tại trung tâm huyện Bắc Trà My, 1 trạm vùng đập và 3 trạm phân bổ xung quanh vùng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Khoảng cách giữa các trạm khoảng 10 – 20 km. Thời gian quan sát của mạng trạm này kéo dài 2 - 3 năm. Hệ thống trạm như vậy có thể định vị một cách chính xác động đất ở khu vực thuỷ điện, đánh giá xu thế phát triển của hoạt động động đất khu vực.
Đập vẫn an toàn và ổn định nhưng phải tích cực xử lý
HĐNTNN cho biết, qua khảo sát thực tế và trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực có liên quan, có thể khẳng định hiện tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo an toàn, kể cả sau khi có một số trận động đất kích thích trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo thiết kế thì hiện tượng thấm xuất hiện ở vị trí khe co giãn ở hạ lưu đập như hiện nay là không được phép. Về nguyên tắc, dòng thấm phải được thu vào các hành lang tiêu nước và đưa ra ngoài. Do đó, hiện tượng này phải được tích cực xử lý sớm.
Sau cuộc họp ngày 23-3, HĐNTNN, đại diện Bộ Công thương và EVN đã cơ bản thống nhất kế hoạch khắc phục hiện tượng thấm nước. Trước mắt, EVN phải chỉ đạo Ban quản lý dự án thủy điện 3, các nhà thầu khẩn trương thực hiện việc tiêu nước trong hành lang, giảm áp lực nước thấm ở phía hạ lưu, tiến tới giải quyết việc thấm nước ra mặt ngoài hạ lưu đập. Cùng với đó, EVN chỉ đạo tư vấn thiết kế cùng với các chuyên gia khảo sát kỹ hiện trạng của đập, từ đó đưa ra giải pháp chống thấm triệt để và tổng thể cho đập. Trước mắt, tập trung xử lý việc thấm nước thành dòng qua thân đập phía hạ lưu trong thời gian nhanh nhất. Hướng ưu tiên xử lý chống thấm tường thượng lưu đập, sau đó cắt dòng thấm phía hạ lưu kết hợp với việc tiếp tục tiêu nước trong hành lang đập. Việc xử lý thấm phải hoàn thành trước mùa lũ năm 2012.
Sau khi hoàn thành công tác xử lý thấm, EVN chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá tổng thể chất lượng đập thông qua kết quả quan trắc quá trình làm việc của đập, hồ sơ nghiệm thu thi công xây dựng đập đối chiếu với yêu cầu thiết kế. Từ đó, mới có cơ sở kết luận việc chính thức nghiệm thu công trình. Trong mọi trường hợp, yêu cầu phải đảm bảo khả năng chịu lực của đập, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du.
Trong quá trình thực hiện các bước xử lý, EVN phải thường xuyên báo cáo Bộ Công thương, HĐNTNN để phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý thấm và đánh giá chất lượng đập thủy điện Sông Tranh 2 đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế và đáp ứng yêu cầu cao nhất là an toàn lâu dài cho công trình.
Thủy điện Sông Tranh 2: - Tổng mức đầu tư: 5.194 tỷ đồng. - Công suất: 190 MW (gồm 2 tổ máy) - Sản lượng: 679,6 triệu kWh/năm. - Dung tích hồ chứa: 730 triệu m3 nước. - Khởi công: 5/3/2006; vận hành: Từ 19/12/2010 - Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện là Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 quản lý và giám sát công trình. - Tư vấn thiết kế chính: Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 - Tổng thầu: Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp 4 (Bộ NN-PTNN) - Công trình nằm trên địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, thuộc hệ thống công trình thủy điện bậc thang sông Vu Gia – Thu Bồn. |
Thanh Mai