Kỳ vọng khởi đầu thời kỳ tăng trưởng ổn định
Trong năm 2015, có nhiều nhân tố để tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ thực sự phục hồi tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và doanh nghiệp có triển vọng để phát triển bền vững hơn.
Đón Tết năm Ất Mùi (2015), lại nhớ Tết năm Nhâm Thìn (2012) đón Xuân trong nỗi lo lắng về tương lai ảm đạm của nền kinh tế - năm mà nền kinh tế Việt Nam được dự báo là rất khó khăn; tốc độ tăng trưởng sẽ suy giảm và có thể bước vào vòng luẩn quẩn: Sức mua giảm - hàng tồn kho tăng - sản xuất giảm - nợ xấu tăng - tín dụng giảm…
Nay, năm 2014 đã khép lại, nền kinh tế đã thoát khỏi giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài từ năm 2008, mặc dù nó để lại nhiều di chứng còn phải tiếp tục khắc phục, nhưng đã có nhiều chỉ báo cho thấy xu hướng tích cực của nền kinh tế. Hơn 15.500 doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động sau thời gian phải tạm nghỉ; kinh tế tiếp tục tăng trưởng tuy còn chậm (GDP tăng 5,93%); chỉ số giá cả ổn định nhất trong 10 năm qua (CPI tháng 12/2014 chỉ tăng 1,86% so với tháng 12/2013); lãi suất tiếp tục giảm; hệ thống ngân hàng thương mại đang được tái cơ cấu theo hướng tích cực; niềm tin thị trường được phục hồi…
Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng nếu đứng ở thời điểm này nhìn lại 3 năm trước, thì năm 2015 cộng đồng doanh nghiệp lấy lại được niềm tin về triển vọng phục hồi của nền kinh tế; có những tính toán mạnh dạn hơn để chuẩn bị nội lực cho quá trình hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và toàn cầu từ năm 2016.
Đột phá thể chế tạo động lực mới
Những đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, là cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Chúng ta kỳ vọng đến sự đổi mới đồng bộ giữa thể chế kinh tế với đổi mới nền hành chính công và tài chính công, mà những dự án luật có liên quan đang nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua trong năm 2015.
Năm 2015 cũng mở ra hướng phát triển mới, trong đó cần xem hội nhập như một cơ hội để chúng ta phát triển nhanh và doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội hội nhập này để phát triển chứ không quá lo sợ là cạnh tranh không nổi. Trong hội nhập phải đương đầu với nhiều thách thức, nhưng chính sự thách thức sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng, sức mạnh, năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.
Hiện nay các chính sách và thể chế kinh tế được cải cách mạnh mẽ và đang đi vào cuộc sống, đáp ứng được mặt bằng chung về môi trường pháp lý như các nước trong khu vực. Trong điều kiện hội nhập, thì chính nhân tố kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.
Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội (khóa XIII) về kinh tế-xã hội không chỉ bảo đảm tính khả thi của kế hoạch năm 2015, mà nhiệm vụ quan trọng hơn là tiếp tục mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khai thông thị trường; giải quyết các vấn đề kinh tế ngắn hạn đang đặt ra như: Nợ xấu của ngân hàng thương mại, lãi suất, làm giảm số doanh nghiệp khó khăn phải ngưng hoạt động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tức là vừa phải vượt qua những thách thức ngắn hạn vừa phải chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các mục tiêu dài hạn hướng nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững cho giai đoạn sau năm 2015.
Tái cơ cấu và những vấn đề trung-dài hạn
Mục tiêu quan trọng nhất của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là phải khắc phục 2 vấn đề trung- dài hạn đang đặt ra:
Thứ nhất, một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu. Từ năm 2012, sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI (cũ và mới), còn doanh nghiệp trong nước tỏ ra đuối sức và ít khả năng tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống, nên chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm.
Công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hoá trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành - cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển. Một nền nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng dựa vào xuất thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu. Thu nhập dân cư trong khu vực nông nghiệp ít được cải thiện do cơ cấu sản xuất nông nghiệp, có giá trị gia tăng thấp.
Thứ hai, năng suất tổng hợp (TPF) chậm được cải thiện: Năng suất tổng hợp là chỉ báo quan trọng thể hiện việc sử dụng các yếu tố sản xuất (tài nguyên, nhân lực và vốn) có hiệu quả. Sự sút giảm năng suất tổng hợp trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây; đồng thời tăng nhanh yếu tố vốn đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và sự tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.
Mặc dù trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 tập trung vào 3 nội dung: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, nhưng cần đặt 3 nội dung trên trong mục tiêu tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH 13 của Quốc hội và được Chính phủ triển khai thực hiện bởi Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên là thúc đẩy việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có chính sách và giải pháp cụ thể khả dĩ tác động để dẫn dắt doanh nghiệp tham gia quá trình tái cơ cấu như trong lĩnh vực nông nghiệp hay chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất; thay đổi nhận thức về cơ cấu kinh tế địa phương… Do đó, cần có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đặc biệt 3 lĩnh vực: Tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển nền công nghiệp gia công sang sản xuất và phát triển kinh tế vùng thay cho cơ cấu kinh tế địa phương.
Có thể thấy, trong năm 2015 có nhiều nhân tố để tin rằng nền kinh tế Việt Nam thực sự phục hồi tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và doanh nghiệp có triển vọng để phát triển bền vững hơn.
Tất cả những điều này đặt kỳ vọng vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường và sự lành mạnh trong cạnh tranh, triển khai có hiệu quả các đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Luật Kinh doanh bất động sản … mà Quốc hội thông qua cuối năm 2014. Hy vọng năm 2015 là năm khởi đầu thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
TS Trần Du Lịch (Theo Chinhphu.vn)