.
.

Ra mắt Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ Hai, 01/10/2018|15:12

Chiều 30/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm quản lý vốn tại 19 đơn vị gồm 7 tập đoàn, 12 tổng công ty với giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ sách là hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Dự sự kiện còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý Luận Trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương cũng đã tới dự và chứng kiến buổi lễ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã công bố Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.

Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Ủy ban này gồm 9 đơn vị trực thuộc, trong đó có 4 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu quản lý doanh nghiệp chia theo ngành, lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, hạ tầng...

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu như sau: Quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản, góp phần nâng cao vai trò của kinh tế Nhà nước. Theo Thủ tướng, việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước là bước quan trọng để phân biệt rõ, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này chính là lý do để ra đời Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tế, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã ghi rõ thời hạn thành hình của mô hình này.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban.

Thủ tướng cho rằng, dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DNNN.

Nhấn mạnh vai trò của Ủy ban trong quản lý các doanh nghiệp trọng yếu, then chốt của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta có 2 con đường: Một là xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN. Hai là tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống doanh nghiệp cũng như của cả đất nước. Hai con đường đó thì chọn đường nào?”. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất. “Con đường này khó hơn nhưng tôi tin tưởng tất cả các đồng chí có mặt ở đây hôm nay đều nhất trí lựa chọn con đường này”.

Để thành công trên con đường đã chọn, Thủ tướng đề nghị Ủy ban tập trung một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết, nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả. Tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất. Cần xây dựng mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả của từng bộ phận, từng cán bộ, từng quy chế nội bộ, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban cần có thước đo đánh giá kết quả của từng tập đoàn.

Thủ tướng đề nghị các bộ có doanh nghiệp được chuyển giao cần phối hợp với Ủy ban để chuyển giao ngay, không để chậm trễ, phức tạp, sai sót xảy ra, không để khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn Nhà nước, tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty.

Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chuyển giao về Ủy ban cần phối hợp trong công tác chuyển giao, kịp thời báo cáo Ủy ban những vấn đề, vướng mắc phát sinh. Trong lúc chuẩn bị bàn giao, không để khoảng trống, không để tiêu cực xảy ra. 

“Kỳ vọng của người dân, xã hội, cả hệ thống chính trị đặt lên vai các đồng chí rất lớn. Là cơ quan mới thành lập, Ủy ban sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban”, Thủ tướng bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban, mặc dù số lượng cán bộ ban đầu hạn chế, chủ yếu là các cán bộ biệt phái từ một số bộ, ngành và SCIC, nhưng thời gian qua, Ủy ban đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều công việc để đảm bảo sẵn sàng đưa Ủy ban đi vào hoạt động chính thức ngay khi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được Chính phủ ban hành.

Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Dự kiến khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên liên tục.

Tại Lễ ra mắt, trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban đã cùng với 5 Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông và Tài chính ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 Doanh nghiệp nêu trên về Ủy ban.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.