Gánh nặng hàng tồn
Tồn kho nhiều nhất tập trung ở các doanh nghiệp bất động sản, xi măng, sắt thép... |
Tháng 3 chính là thời điểm hàng tồn ở mức cao nhất (34,9%), sau đó giảm dần xuống 32,1% trong tháng 4, rồi lần lượt là 29,4%; 26%; 21%; 20,8% và 20,4% trong các tháng tiếp theo. Hỗ trợ cho chỉ số này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, cũng như chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đều có động thái tích cực hơn. Vào khoảng tháng 3, tháng 4, nếu tổng mức bán lẻ tăng 5%, thì 9 tháng, đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tương tự, chỉ số tiêu thụ 3 tháng tăng 3,5%, còn 8 tháng, đã tăng 6,4% so với năm ngoái.
Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn rằng, mức tồn kho hiện tại vẫn rất cao. Hơn thế, cũng đã có quan điểm cho rằng, việc tốc độ tồn kho tăng chậm lại chưa phải là dấu hiệu hoàn toàn khả quan, vì thực tế, những tháng qua, doanh nghiệp vẫn không tăng mạnh sản xuất, mà chỉ tập trung xử lý tồn kho.
Minh chứng là, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,8% của 9 tháng đầu năm ngoái.
Tồn kho nhiều nhất tập trung ở các doanh nghiệp bất động sản, xi măng, sắt thép... Ước tính, có tới 70.000 căn hộ ở TP.HCM và Hà Nội thuộc diện hàng tồn. Làm phép tính đơn giản: nếu giá trị mỗi căn hộ chỉ là 1 tỷ đồng, thấp xa so với mức giá đã được bán trong 2 - 3 năm trước, thì lượng vốn bị tồn ở đây đã lên đến 70.000 tỷ đồng, còn nếu mức giá là 2 tỷ đồng thì số vốn bị “chôn” lên tới 140.000 tỷ đồng. Một nguồn vốn khổng lồ của nền kinh tế đã bị chôn chặt như vậy, rõ ràng là điều rất đáng quan ngại.
Hàng tồn không chỉ là gánh nặng, mà nguy hiểm hơn đang trở thành “cục máu đông”, rất nguy hại cho lưu thông kinh tế, giống như nợ xấu. Ôm một khối lượng lớn hàng tồn kho, doanh nghiệp sẽ không thu được vốn, trả nợ ngân hàng, từ đó dẫn đến nợ xấu gia tăng. Mặt khác, hàng tồn luôn là yếu tố triệt tiêu động lực sản xuất của doanh nghiệp. Năm 2012, tồn kho lớn kéo dài là yếu tố chính làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phá sản, hoặc đóng cửa. Và tất yếu, kinh tế tăng trưởng chậm lại, giải quyết việc làm sẽ ngày càng khó hơn.
Hệ lụy lớn như vậy, nên thách thức hiện thời với không chỉ hệ thống doanh nghiệp, mà còn cả nền kinh tế là làm sao giải phóng hàng tồn và vực dậy nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp kích cầu tiêu dùng, trong đó có việc tăng lương hay hạ lãi suất cho vay tiêu dùng, khơi thông tín dụng, khơi thông thị trường trong nước và cả thị trường xuất khẩu…, thì mới có thể hỗ trợ đắc lực, giúp doanh nghiệp tăng vòng quay vốn, giảm hàng tồn, từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
(baodautu.vn)