Cần hiểu đúng về lương và lỗ qua câu chuyện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Chỉ một câu nói của đồng chí Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh về lương của CBCNV ngành Điện mà đã dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội như vậy, nhưng mong các bạn hãy suy nghĩ thêm về một số điều sau đây: Hãy thử xem xét "lương và lỗ của EVN" ở một góc độ khác để nhìn nhận toàn diện hơn.
Công nhân lao động của EVN phải trèo lên cao để thi công lắp ráp công trình lưới điện |
1. Lương thế nào là hợp lý:
Nếu thời trẻ bạn lười học, mải chơi, không thi được vào đại học, chỉ làm được công việc đơn giản thôi thì tại sao các bạn lại đòi lương cao? Vậy việc người ta bỏ công sức học hành có ý nghĩa gì? Nếu bạn đã tốt nghiệp đại học, ra trường cả 5-10 năm mà lương vẫn thấp (dưới 10 triệu/tháng) thì tại sao bạn không bỏ việc đó đi và kiếm một việc khác làm tốt hơn, không cứ phải làm việc cho EVN mà rất nhiều nơi khác mức lương hấp dẫn hơn nhiều, kể cả ngành giáo dục hay y tế như các bạn vẫn kêu. Nếu bạn không làm được điều đó thì hãy tự vấn lại bản thân xem trình độ, năng lực của mình thế nào đã.
Tôi không nói lương ngành Điện như hiện nay là cao hay thấp, tôi không muốn nói đến con số mà hãy xem nó có tương xứng với công việc hay không: Ngành Điện là ngành công nghệ cao (đặc biệt là điện hạt nhân) và ngành Điện cần có những người có năng lực tốt hơn nữa để đảm bảo điện cấp cho các khu công nghệ cao có chất lượng tốt, tổn thất thấp… vậy các bạn muốn EVN tuyển những người chấp nhận mức lương thấp, trình độ hạn chế, không có ý chí phấn đấu vào làm việc hay các bạn muốn EVN có những người thực sự có khả năng vào làm việc?
Tôi chắc chắn một điều với mức lương thấp, không người nào có trình độ tốt muốn vào làm việc, họ sẽ xin vào làm cho nước ngoài, cho các doanh nghiệp tư nhân. Đến lúc đó hệ thống điện Việt Nam suốt ngày trục trặc, tai nạn liên tiếp xảy ra (như trường hợp 6 người chết vì đi trồng cột điện vừa rồi và nhà máy điện hạt nhân trong tương lai), hy vọng đừng có ai trong số các bạn kêu lên rằng tại sao ở tầm quản lý mà TGĐ EVN lại không nghĩ đến một việc đơn giản như thế nhỉ?
Hãy còn nhiều cơ hội cho những bạn thực sự có năng lực chứng tỏ được bản thân mình, đặc biệt hãy tham gia chương trình điện hạt nhân của quốc gia, lương các bạn sẽ cao hơn nhiều mức trung bình của EVN vừa được công bố nếu bạn thực sự có năng lực.
2. Lỗ thế nào là hợp lý?
Hãy hiểu cách tính tiền điện. Toàn thế giới áp dụng chung một kiểu tính tiền điện theo bậc thang và dùng càng nhiều thì càng phải trả nhiều, khác hẳn những ngành hàng khác.
Tại sao: Đây là kiến thức rất cơ bản nhưng tiếc rằng không nhiều người hiểu: Điện không dự trữ được nên giả sử hiện tổng công suất nhà máy điện hiện có là 1000 MW nhưng vào giờ cao điểm, khi tất cả mọi người cùng dùng điện (VD: 7h tối mùa hè, mọi người cùng về nhà, cùng dùng điện nấu cơm, bật điều hòa, quạt, đèn…), nhu cầu dùng điện tăng lên 1010 MW (trên thực tế cao hơn nhiều) thì để đáp ứng 10 MW tăng thêm này sẽ cần xây dựng thêm 1 nhà máy điện nếu không muốn cắt điện.
Chi phí xây dựng 1 nhà máy điện mất hàng ngàn tỉ đồng và ít nhất mất 3 năm (nếu thủ tục thuận lợi, có đủ tiền và đủ người có năng lực thực hiện - tất nhiên không thể là mức lương 4-5 triệu/1 tháng) nhưng chỉ để đáp ứng nhu cầu điện vào những giờ cao điểm (thường là thời điểm rất nóng vào mùa hè). Khi mọi người cùng giảm nhu cầu dùng điện thì nhà máy xây thêm này coi như không cần dùng đến nữa. Vậy, mọi người hãy làm bài tính về hiệu quả đầu tư xem như thế nào? Và hy vọng giờ các bạn đã hiểu tại sao ngành Điện gần như là ngành duy nhất kêu gọi mọi người “hãy dùng hàng của tôi ít thôi, hãy tiết kiệm điện đi”. Đó là chưa tính đến việc xây mới nhà máy thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến dân cư vùng làm hồ chứa thủy điện, nhà máy nhiệt điện sẽ làm cạn kiệt nguồn than và tăng phát thải khí CO2.
Lỗ trong thời gian qua một phần có thể là do quản lý ngành Điện chưa thực sự hiệu quả (nếu vậy thì những năm trước đã phải lỗ nhiều rồi) nhưng một phần lớn (như đã được thông tin trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương, mong các bạn đọc kỹ) là do EVN bị buộc phải huy động nguồn phát điện (chạy dầu) với giá cao hơn nhiều lần giá bán ra cho người dân để đảm bảo cắt điện ít nhất trong thời gian nóng nực của mùa hè.
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, tiền của bạn, bạn có muốn làm điều đó không? Bao nhiêu người trong số các bạn kêu ca ở đây thực sự quan tâm đến việc giảm sử dụng điện của gia đình trong giờ cao điểm, tiết kiệm điện mặc dù nội dung này được phát hằng ngày trên các kênh truyền hình, đài phát thanh? Một trong những biện pháp tốt nhất để người ta quan tâm đến tiết kiệm điện là đánh vào túi tiền, nhưng chính phủ hiện nay tăng giá rất chừng mực do bất kỳ động thái nào liên quan đến vấn đề này, phần lớn mọi người đều "giãy nảy" lên vì thấy túi tiền của mình vơi đi.
Hãy thực sự thấu hiểu và hành động để chia sẻ không chỉ với ngành Điện mà với cả quốc gia, với môi trường mà chúng ta đang sống. Một lãnh đạo tốt phải biết cách đột phá để phát triển, nếu chỉ làm theo ý kiến số đông, sợ va chạm mà không suy xét tổng thể sẽ chỉ giữ ấm "ghế" của mình thôi. Bất kỳ việc gì cũng sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả tức thời cho tất cả mọi người, phải có sự hy sinh nhỏ mới có được cái lớn.
Một điều nữa tôi muốn nói với các bạn: Các bạn có thực sự muốn sếp của mình có thu nhập bằng mình không, hay các bạn muốn người có thu nhập cao phải gắn với trách nhiệm cao. Hãy nhìn vào trách nhiệm tương xứng và tìm ra nhược điểm trong quản lý để phê phán. Đừng đòi hỏi lương người ta bằng lương bạn, nhưng phải quản lý sao cho thật tốt. Bên cạnh đó, CBCNV ngành Điện cũng là người lao động như các bạn thôi, khi doanh nghiệp lỗ họ không thể là người phải gánh trách nhiệm và phải giảm lương (nhưng thu nhập có thể giảm). Theo Luật lao động, kể cả khi doanh nghiệp phá sản, việc đầu tiên doanh nghiệp phải làm là trả đủ lương cho người lao động.
Theo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam