Dệt may: "Lấy năng suất làm đòn bẩy tăng trưởng"
Mười một tháng, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đã đạt được 15,6 tỷ USD và dự kiến cả năm 2012 sẽ hoàn thành mục tiêu 17 tỷ USD.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nếu trong 10 năm qua, phần nhiều tăng năng lực sản xuất bằng đầu tư mở rộng tức là tăng trưởng do đầu tư thì từ năm 2011 trở lại đây, mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam là chuyển sang tăng trưởng về số lượng nhưng đi từ bài toán nâng cao năng suất trong sản xuất.
"Nếu cải thiện được cỡ 20% năng suất lao động hàng năm thì có nghĩa là chúng ta không cần đầu tư thêm về chiều rộng nhưng vẫn khai thác hiệu quả năng suất lao động mà chúng ta đã đầu tư thời gian qua," ông Trường nhấn mạnh.
Để làm rõ hơn những vấn đề nổi bật của ngành dệt may thời gian qua và phương hướng sản xuất kinh doanh trong năm 2013 ông Lê Tiến Trường đã có buổi trả lời phỏng vấn báo chí.
PV: Thưa ông, nhìn lại năm 2012, toàn ngành dệt may đã đạt được những kết quả nào nổi bật như thế nào?
- Ông Lê Tiến Trường: Năm 2012 ngành dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu được gần 17 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu sơ sợi ước đạt 1,8 tỷ USD, còn lại là xuất khẩu quần áo và vẫn giữ được mức tăng trưởng 8% so với năm 2011.
Tuy nhiên, năm 2012 mặt bàng giá chung khi xuất khẩu lại thấp hơn so với 2011 nên để đạt được tốc độ tăng trưởng 8% về kim ngạch đòi hỏi sự gia tăng về sản lượng cỡ 14-15% tùy thị trường.
Nhìn vào điều kiện kinh tế thế giới thì việc xuất khẩu dệt may không phải là không chịu tác động. Đến thời điểm cuối năm khi tổng kết lại về mức tăng trưởng GDP của các thị trường chính trên thế giới đều thấp hơn mức độ dự báo ở đầu năm 2012, tức là thị trường của dệt may đều có khó khăn nhất định trong việc tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa trong năm 2012 này.
Đơn cử, đối với thị trường châu Âu năm nay tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 5% thì dệt may Việt Nam phấn đấu xuất vào thị trường này chỉ giảm từ 2%-3%, còn Mỹ thì năm 2013 tăng trưởng dự kiến tăng thấp hơn năm 2012...
Nói như vậy để thấy rằng, kết quả có được của ngành dệt may 2012 không phải không chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới nhưng vượt qua được là nhờ có bước đi đúng đắn và lấn được thị phần của các nhà xuất khẩu khác nên mới duy trì được tốc độ tăng trưởng như vậy.
Điều này cũng thể hiện việc chúng ta vẫn duy trì năng lực cạnh tranh tốt và cải thiện được thị phần, có bước đi đúng đắn vào các thị trường ngách một cách hợp lý nên duy trì được tốc độ tưng trưởng đó.
PV: Đóng góp vào kết quả đó thì ưu thế đang nghiêng về khối các doanh nghiệp FDI hay trong nước?
- Ông Lê Tiến Trường: Doanh nghiệp FDI trong ngành dệt may hiện chiếm một tỷ trọng tương đối lớn, họ đã đóng góp cỡ 45%-50% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. Còn lại là của doanh nghiệp trong nước hiện chiếm tỷ trọng hơn 50% kim ngạch xuất khẩu.
PV: Ông có thể cho biết những điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?
- Ông Lê Tiến Trường: Điểm mạnh không phải của riêng năm 2012 mà điểm mạnh của ngành dệt may Việt Nam có được từ việc xây dựng chiến lược cạnh tranh dài hạn đúng đắn. Đến giờ phút này, qua những năm khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới đã khẳng định sự đúng đắn đó trong từng bước đi của chúng ta, và năm 2012 này chúng ta tiếp tục gắt hái thành quả từ chiến lược đúng đắn đó, chứ nó không phải là những câu chuyện ngắn hạn, đột xuất hay sáng kiến gì đặc biệt của riêng 2012.
Bởi vì đối với thị trường xuất khẩu truyền thống như dệt may thì thực sự những thao tác, thủ thuật ngắn hạn không đem lại con số quyết định cuối cùng hay là thành quả của cả một năm được mà ở đây phải đánh giá là do suốt 10 năm phát triển của dệt may khi hội nhập.
Xét về điểm yếu của ngành, sau hơn 10 năm phấn đấu, mặc dù chúng ta đã có cải thiện đáng kể về tỷ lệ nội địa hóa, từ chỗ chỉ có 25%-30% nguồn gốc nguyên liệu nội địa lên đến 48%-50% như hiện nay nhưng nếu so với các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc (90% tỷ lệ nội địa, hay Ấn Độ từ 90%-95%) thì rõ ràng chúng ta vẫn còn những hạn chế.
Mỗi năm chúng ta cải thiện từ 3%-5% tỷ lệ nội địa hóa và vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng thời điểm hiện tại nếu xét nó là một hạn chế thì đây cũng là điểm yếu làm cho năng lực cung ứng nhanh, năng lực cạnh tranh về giá tổng thể... vẫn hạn chế hơn so với nhiều nước.
Hạn chế thứ hai do đặc thù của doanh nghiệp trong nước năm 2012, rõ ràng so với doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới thì không ở đâu doanh nghiệp Việt Nam lại phải gánh lãi suất ngân hàng cỡ 12%-15% (thậm chí cuối năm 2011 có thể lên đến 18%) điều đấy cũng làm năng lực cạnh tranh của ta yếu đi và là mặt hạn chế với giá vốn của chúng ta, trong khi trên thế giới giá vốn của doanh nghiệp chỉ cỡ 3%-4% thì họ đã có dư địa rất lớn về mặt giá thành để cạnh tranh với chúng ta.
Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn cũng rất khó khăn, khả năng thu xếp đầy đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất cũng khó khăn và vì thế năm 2012 mặt hạn chế đặc thù nổi bật nhất của doanh nghiệp nội là chi phí giá vốn cao và khả năng tiếp cận vốn khó khăn so với các quốc gia khác.
PV: Việc giải quyết tỷ lệ nội địa hóa đối với nguyên phụ liệu của ngành dệt may được thực hiện thế nào trong thời gian tới thưa ông?
- Ông Lê Tiến Trường: Ngành dệt may hoạt động theo hình thức chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó tất cả các nhà phân phối thường thường sở hữu cả một chuỗi cung ứng bao gồm từ khâu may đến khâu sản xuất nguyên liệu, thiết kế và trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu này đã có định vị nhất định về năng lực và khu vực sản xuất ở các nơi.
Cho nên nếu dịch chuyển bản đồ dệt may thế giới thì không thể diễn ra trong ngắn hạn mà nó phải nhìn thấy những lợi ích lâu dài và nếu không có biến động lớn trên thế giới thì việc dịch chuyển các địa điểm trong một chuỗi cung ứng sẽ hết sức tốn kém, không đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Chúng ta được coi là một điểm đến của phát triển ngành công nghiệp dệt may ở châu Á và phục vụ cho toàn thế giới.
Hàng năm chúng ta đang cố găng nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 3%-5% nên đã cải thiện được 25% trong suốt thời gian gia nhập WTO. Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng thì vẫn thấp hơn so với mục tiêu đặt ra, nhưng mặt khác nếu đòi hỏi phải đạt được bằng mọi giá thì đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn mà ngành dệt may không thể tự thu xếp được.
Hơn nữa, nếu có vốn rồi thì chúng ta đã nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay chưa để sản phẩm của chúng ta đưa ra được sự chấp nhận của cả chuỗi để đi vào khâu may, khâu thiết kế... để người ta xác định rõ ràng rằng sản phẩm nguyên liệu làm từ Việt Nam này là đầu vào của các thiết kế, là đầu vào của các nhà máy may, thì như thế chúng ta mới có được các nhà máy hiệu quả.
Còn nếu chúng ta đầu tư một cách độc lập, không quan tâm đến chuỗi cung ứng dệt may của toàn thế giới, không quan tâm đến việc trở thành thành viên của nó một cách chắc chắn thì những nhà máy đơn lẻ đó sẽ rất khó phát huy hiệu quả nhất là trong việc cung cấp các đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu, mà chỉ phục vụ được thị trường nội địa với đơn hàng thấp hơn, qui mô thấp hơn và giá thấp hơn.
Cho nên khi đầu tư cho lĩnh vực nguyên liệu thì cần hai yếu tố là thành viên trong chuỗi cung ứng và tài chính đầy đủ.
PV: Với những khó khăn như vậy thì ngành đặt mục tiêu như thế nào trong năm 2013?
- Ông Lê Tiến Trường: Với năm 2013, trên cơ sở đánh giá thị trường, phân tích thị trường thì tiếp tục là năm còn nhiều bất ổn, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ cũng tăng thấp hơn 2012. Nhật Bản và Châu Âu có cải thiện từ số âm lên một số dương nhỏ khoảng 0,2-0,3% điều đó chứng tỏ kích cỡ của thị trường và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa chưa thực sự sáng lạn hơn.
Chúng tôi cũng hiểu về mặt dài hạn khi kim ngạch của ngành dệt may đã đạt tới một ngưỡng cao rõ ràng tốc độ tăng trưởng 10% không thể duy trì như trước nhưng áp lực hoàn thành mục tiêu xuất khẩu vẫn rất lớn.
Nếu năm 2012 này khoảng 17 tỷ USD thì phấn đấu kế hoạch năm 2013 từ 18,5- 19 tỷ USD. Như vậy là chúng ta vẫn phải thặng dư ra thêm từ 1,5 -2 tỷ USD kim ngạch nữa. Và như vậy muốn có tăng trưởng tốt và duy trì được mức độ tăng trưởng thì phải vượt qua rất nhiều trở ngại không chỉ là trở ngại về qui mô thị trường mà còn là những phản ứng, những cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh khác.
Đức Duy (Vietnam+)