Đổi mới tư duy, cách làm để đưa ngành Đường sắt phát triển hơn
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 04/TB-VPCP, ngày 6/1/2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022 và các giải pháp triển khai thực hiện.
Thông báo kết luận nêu rõ: Về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 636/TTG-CN, ngày 19/5/2021 đến khi Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay ngành Đường sắt đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia còn nhiều hạn chế, nhiều năm qua chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, nguồn vốn đầu tư hàng năm chiếm tỉ trọng thấp so với toàn ngành giao thông vận tải, thị phần vận tải đường sắt ngày càng sụt giảm trong khi vận tải đường bộ, hàng không ngày càng phát triển; tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến kéo dài, lan rộng trên cả nước đã ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt, vận tải hành khách bằng đường sắt và tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Đứng trước những khó khăn đó, Chính phủ đánh giá cao các nỗ lực phấn đấu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành khá tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021; một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được bảo đảm.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa, nhất là tư duy người đứng đầu; có các giải pháp, cách nghĩ, cách làm mới để đưa ngành Đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới. Khắc phục những tồn tại (tổ chức bộ máy cồng kềnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, cơ giới hóa, công nghệ thông tin còn hạn chế...).
Tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý công tác duy tu, bảo trì và cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới; đầu tư phải dứt điểm, không để kéo dài. Có cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư, sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt. Đồng thời, chủ động, mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá; biến nguy thành cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển trong tình hình mới; linh hoạt chuyển đổi, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhằm phát huy tối đa lợi thế vận tải hàng hóa bằng đường sắt để kịp thời hỗ trợ cho các phương thức vận tải khác.
Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan cần quan tâm, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo trì đường sắt, đầu tư mới đường sắt; nguồn lực đầu tư công dẫn dắt cho phát triển đường sắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển.
Về các kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dứt điểm 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM sử dụng 7.000 tỷ đồng vốn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Rà soát kế hoạch trung hạn 2021 - 2025; ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt quốc gia theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các dự án đang thực hiện dở dang để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua khẩn trương triển khai, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo đúng Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
ĐSVN