.
.

Có đủ nội lực để thực hiện tái cấu trúc ngân hàng

Thứ Ba, 29/05/2012|21:57

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng các nguồn lực trong nước hoàn toàn có thể thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, song điều quan trọng là nợ xấu của các ngân hàng phải được công khai và minh bạch.

Cụ thể, theo ông Vũ Viết Ngoạn, năm 2000 Việt Nam cũng thực hiện tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng và đã rất thành công mà không cần sử dụng nhiều nguồn ngoại lực từ bên ngoài. Mặc dù, trước đó đã có rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải có sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới…

Về vấn đề nợ xấu, người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá chỉ số này của Việt Nam còn cao nhưng đây cũng không hẳn là hiện tượng hiếm trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới. Ví dụ, hệ thống ngân hàng Đài Loan (Trung Quốc) đầu những năm 2000 tỷ lệ nợ xấu cũng hơn 10%; các ngân hàng Nhật Bản trong những năm 1990 cũng có tỷ lệ nợ xấu cũng cao hơn 10%, thậm chí một số ngân hàng yếu kém của các nước này có tỷ lệ nợ xấu lên đến 17 – 18%.

Ở Việt Nam, đầu những năm 2000, tỷ lệ nợ xấu trung bình của ngân hàng cũng vào khoảng 15 – 20%, nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu lên đến 30%... nhưng chúng ta đã giải quyết được và thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công.

Vì vậy, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng việc học tập kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới và trong khu vực là điều cần thiết, tuy nhiên, khi áp dụng nó sẽ phụ thuộc vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng quốc gia.

Đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam, ông Vũ Viết Ngoạn cũng bày tỏ đồng tình với nhiều chuyên gia trong ngành khi cho rằng cần phải đảm bảo tính minh bạch của thông tin, những chuẩn mực về an toàn tài chính phải được đảm bảo và công bố thường xuyên. Các cơ quan quản lý, giám sát phải được tiếp cận với các thông tin đó một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ đó, tính an toàn hệ thống mới được củng cố và duy trì.

Việc mua bán sáp nhập (M&A) là một trong các phương thức của việc tái cấu trúc. Nếu một ngân hàng khỏe về tài chính, tốt về quản trị khi M&A với một ngân hàng yếu, có thể sẽ giúp ngân hàng yếu tái cấu trúc lại và hoạt động hiệu quả. Hoặc hai ngân hàng có hai sở trường khác nhau và khi sáp nhập sẽ giúp họ phát huy các lợi thế riêng có để trở thành một định chế mạnh hơn cũng là việc nên cổ vũ. Tuy nhiên, nếu hai ngân hàng đều yếu kém và không có lợi thế riêng mà lại hợp nhất thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà trái lại đó còn là bước lùi của việc tái cấu trúc.

Văn Chính

.
.
.
.