Đầu tư phát triển cây cao su trên đất Lào: Kết quả và triển vọng
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản và thuỷ điện; địa thế nhiều núi non, 47% diện tích là rừng, có 800.000 ha đất canh tác nông nghiệp với 85% dân số sống bằng nghề nông | |
Nước Lào có 17 tỉnh thì đã đến 10 tỉnh giáp Việt Nam với đường biên giới dài nhất 2.069 km. Nhân dân hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị, tình cảm tốt đẹp lâu bền… Vâng, đó là những lý do mà nhiều nhà doanh nghiệp Việt Nam an tâm khi đầu tư ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào với hơn 200 dự án, có tổng trị giá 3,57 tỷ USD. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển cao su, trong đó, có 6 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng qui mô là 52. 367 ha, tổng mức đầu tư 5.841 tỷ đồng, ngoài ra đang tiếp tục triển khai nhiều dự án mới . Từ năm 2005 đến nay Tập đoàn CNCSVN đã trồng được gần 27.000 ngàn ha tại các tỉnh Chămpasắc, Savanakhet và UĐômxay trong quy hoạch tổng thể gần 100.000 ha ở Lào. |
Chủ tịch Nước Truong Tấn Sang tại lễ mở miệng cạo vườn cao su Việt Lào |
- Dự án trồng cao su tại Lào - “điểm sáng” của tình hữu nghị
Thực hiện Hiệp định hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và Bản ghi nhớ một số nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký kết ngày 10/5/2004, Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác với Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước CHDCND Lào vào ngày 18/1/2005.
Đầu năm 2005, Tập đoàn đã tiến hành khảo sát và thành lập Công ty Cổ phần Cao su Việt - Lào tại Tỉnh Chămpasak. Đây là đơn vị “phất cờ tiên phong” trong việc đầu tư phát triển cao su ra nước ngoài. Bộ khung cán bộ gọn nhẹ đã phải “bươn chảy” trong điều kiện khó khăn: cơ sở vật chất còn lạc hậu và chưa đồng bộ, lao động thu tuyển tại chỗ chưa biết gì về cây cao su, xa lạ cả văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp… Tuy nhiên, những cái khó nhất là việc phải chở cây giống (stump) từ miền Đông Nam bộ sang tận xứ người Champasak. Đoạn đường quá vòng vèo nên phải mất 2 tuần lễ mới đến nơi, mà phải làm sao giữ cho cây stump đạt yêu cầu sống cao khi đem trồng?!Nhưng với kinh nghiệm và sự năng động của Ban giám đốc công ty, với trách nhiệm và sự nhiệt tình của tập thể CBCNV, công ty cao su Việt Lào đã đề ra những sáng kiến để “giải mã” thách thức. Và “điều kỳ diệu” đã xảy ra: vườn cao su Việt Lào đạt kỷ lục về tỷ lệ cây sống cao nhất (trên 95%) và phát triển đồng đều nhất. Theo kế hoạch, dự án trồng mới 10.000 ha sẽ được thực hiện trong 5 năm, nhưng chỉ đến cuối 2007, công ty đã về đích - hoàn tất mục tiêu trước thời hạn 2 năm một cách xuất sắc. Công ty Việt - Lào đã lập kỳ tích về tốc độ trồng và đạt kỷ lục về chất lượng vườn cây mới - đó là nền tảng cho công tác khai thác hiệu quả sau này. Năm 2011, công ty đã đưa 2.691 ha vào khai thác kinh doanh, đạt sản lượng 1.555 tấn, vượt kế hoạch 3,6%. Nhà máy chế biến công nghệ tiên tiến có công suất 15.000 tấn /năm ở giai đoạn 1 cũng đã được xây dựng và khánh thành ngày 10/2/2012, bước đầu đạt hiệu quả khá tốt.
Hiện nay, công ty có 2.300 lao động, trong đó gần 90% là người Lào. Ngoài tiền lương bình quân hơn 1 triệu kíp/người/tháng (tương đương 3 triệu đồng) giúp người lao động tại chỗ ổn định đời sống, công ty còn đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân khang trang để cho họ yên tâm gắn bó với công việc. Nhờ vậy, người công nhân Lào dần đi vào nề nếp, bước đầu làm thay đổi thói quen “thích thì đi làm, không thích thì ở nhà”. Ngoài ra, công ty Việt Lào cũng đã mang đến một không khí vui tươi ấm áp cho bà con trong việc đầu tư xây dựng điện đường trường trạm - theo “truyền thống” của ngành: cây cao su đi đến đâu cơ sở hạ tầng vùng sâu được nâng cấp đến đấy. Đến nay vốn đầu tư của Công ty Việt Lào đã lên đến 1.021 tỷ đồng, đạt gần 90% tổng vốn đầu tư. Sản phẩm “cao su Việt Lào” đã được xuất khẩu đi các quốc gia: Đức, Hàn, Nhật, Mã Lai, Trung Quốc tạo doanh thu 83 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3,2 tỷ. Kế hoạch năm 2012, tổng diện tích cao su đưa vào khai thác là 5.490 ha, sản lượng được giao 5.050 tấn, nhưng cán bộ công nhân cao su Việt Lào đang quyết tâm phấn đấu đạt và vượt 1000 tấn mủ.
Ông Chummaly Sayasone, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào đã đến thăm “điểm sáng của tình hữu nghị Việt Lào” và phát biểu: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đánh giá cao dự án của công ty cổ phần cao su Việt Lào. Dự án đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của huyện Bachiang và tỉnh Champasack nói chung. Tại đây sẽ có một nền công nghiệp – nông nghiệp phát triển giúp người dân Lào tại địa phương thay đổi cuộc sống thuần nông, có việc làm và có thu nhập ổn định”.
Với những thành tích nổi trội, công ty cổ phần cao su Việt Lào đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì; 3 năm liền từ 2005 – 2007 được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ cùng nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc và Bằng khen của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam. Công ty cũng vinh dự được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Bằng khen của Chính phủ Lào.
Sự thành công của dự án cao su Việt Lào đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo ngành cao su Việt Nam, không chỉ phát triển kinh tế đem lại lợi ích cho 2 dân tộc mà còn vun đắp tình hữu nghị truyền thống. Chính sự “lăn bánh ngon trớn” của “đầu tàu” công ty Việt - Lào đã kéo theo sự ra đời một số công ty mới: CTCP Quasa - Geruco, CTCP CS Đồng Nai –Việt Lào, Cao su TP. HCM; Cao su SGS…
Năm 2007, công ty Cổ phần Quasa – Geruco được thành lập, với dự án trồng 8.000 ha cây cao su tại tỉnh Savannakhet. Cũng như những doanh nghiệp đầu tư tại Lào, công ty Quasa - Geruco có được nhiều thuận lợi từ cơ chế chính sách mở cửa của chính phủ Lào và được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư vốn ban đầu rất tốt. Những cán bộ và kỹ sư sang làm việc tại Lào luôn được quán triệt ý thức hoạt động ở môi trường lao động nước ngoài, chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam về hợp tác phát triển kinh tế trên đất bạn, luôn cố gắng tìm hiểu luật pháp và phong tục tập quán của dân địa phương. Công ty đặc biệt ưu tiên tuyển dụng người dân tại Savanakhet. Chủ yếu là dân tộc Lào Lùm và Lào Thơng, họ đã quen nếp sống du canh du cư, canh tác bằng cách đốt nương làm rẫy và còn nặng về những phong tục tập quán lạc hậu, chưa quen với tác phong làm việc tập trung. Công ty đã hướng dẫn cho họ nề nếp làm việc. Với số công nhân làm việc tốt, công ty ký hợp đồng với mức lương tương đương như công nhân Việt, khoảng 4.000.000 đồng/tháng và đáp ứng mọi quyền lợi cho người lao động theo quy định của chính phủ Lào. Hiện công ty có 4 Nông trường và 1 đội sản xuất trực thuộc, với tổng số lao động thường xuyên là 618 người, trong đó, có 340 người Lào. Năm 2012, Công ty đã tuyển 100 thanh niên tại địa phương có trình độ văn hóa từ cấp 2 trở lên, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trồng và ghép cao su. Công ty đã phối hợp với Sở Lao động Savanakhet tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên trước khi đưa về làm việc tại các nông trường. Những em phấn đấu tốt sẽ được chọn gửi về Việt Nam đào tạo về trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật để trở thành cán bộ kỹ thuật nòng cốt của công ty sau này.
Đến nay Công ty Cổ phần Quasa - Geruco đã trồng 5.700 ha. Dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành dự án và có khoảng 1.000 ha bắt đầu đưa vào kinh doanh. Với những thành tích trong các mặt công tác, nhất là việc tuyển dụng và đào tạo công nhân tại chỗ, Quasa - Geruco đã nhận được Huân chương Lao động hạng nhì do Nhà nước Lào trao tặng; đạt danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam – Lào – Campuchia năm 2009 do Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia trao tặng.
Hơn 7 năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển cao su. Trong đó có 6 dự án đã được cấp phép đầu tư có tổng qui mô là 52.367 ha với tổng mức đầu tư 5.841 tỷ đồng - 100% vốn của nhà đầu tư Việt Nam, gồm các Công ty Cổ phần: Cao su Việt Lào 10.604 ha; Qua Sa – Geruco 8.650 ha; Dầu Tiếng – Việt Lào 20.000 ha; Cao su TP. HCM 6.000 ha; Cao su SGS 6.500 ha và dự án Làng Hữu nghị thanh niên biên giới Lào - Việt 700 ha. Đến cuối năm 2011, tổng diện tích cao su trồng mới ở Lào của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt nam là 25.748 ha, đạt tỷ lệ gần 50% tổng qui mô của 6 dự án đã được cấp phép, với tổng vốn đầu tư đã chuyển qua Lào là 2.128 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục khai hoang trồng mới 2.630 ha và dự kiến sẽ chuyển tiếp thêm vốn đầu tư 634 tỷ đồng.
Mới đây, tại bản Son Phom, huyện Mường Hùn, tỉnh Uđômxay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đã tổ chức lễ ra mắt Công ty TNHH MTV Cao su Điện Biên - Bắc Lào do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai làm chủ đầu tư, có qui mô ban đầu là 5.000 ha thuộc địa bàn 3 huyện: Mường Na Mỏ, Mường Hùn và Mường Beng, tỉnh Uđômxay. Dự kiến trong năm 2012, công ty Điện Biên - Bắc Lào sẽ trồng 500ha.Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cũng đang lập dự án trồng 5.000 ha tại huyện Samui, tỉnh Salavan. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn tiếp tục tiến hành khảo sát quĩ đất để mở rộng các dự án hiện có.
Các dự án của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam tại Lào đã biến vùng đất rừng nghèo nàn lạc hậu thành những nông trường cao su bạt ngàn xanh tốt; tạo công ăn việc làm ổn định cho vài chục ngàn lao động tại các địa phương, chủ yếu là giới trẻ và làm thay đổi tập quán du canh, du cư, dựa vào thiên nhiên để họ trở thành công nhân cao su với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với sự phát triển của cây cao su, các công trình hạ tầng như đường giao thông, đường điện và các công trình phúc lợi như nhà ở, trường học, trạm xá đã được đầu tư đồng bộ phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cư dân, góp phần cải tạo bộ mặt nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Những vấn đề được đặt ra và kiến nghị
Thuận lợi khi thực hiện đầu tư tại Lào là điều kiện thổ nhưỡng đất đai phù hợp cho việc phát triển cây cao su. Quỹ đất có thể trồng cao su khá tập trung nên thuận tiện cho việc quản lý. Thời gian thuê đất lâu dài vì thế các dự án có tính khả thi về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay khi đầu tư ở Lào lại là khâu tìm quỹ đất. Do Chính phủ Lào có chính sách giới hạn đối với doanh nghiệp nước ngoài thuê đất và do sự hấp dẫn về tiềm năng đất đai cùng các tài nguyên khác của Lào đã thu hút các nhà đầu tư, tạo ra cơn sốt về quỹ đất. Các nhà đầu tư một số nước khác cũng đang cạnh tranh lập dự án trồng cao su. Có nhà đầu tư không triển khai dự án mà chủ yếu để giữ đất. Tình hình này làm môi trường đầu tư trở nên bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam so với các năm trước kia.
Bên cạnh đó, chính sách đất đai của nước bạn không rõ ràng, thiếu nhất quán. Chưa có qui hoạch tổng thể về nông nghiệp; chưa có khung giá đền bù của Nhà nước, các dự án phải đền bù theo giá thỏa thuận với người dân, nên giá cả thuê đất biến động. Đến nay, có vài dự án đã triển khai trồng cao su nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng thuê đất, làm cho các nhà đầu tư không yên tâm để tiếp tục đầu tư. Thủ tục hành chính còn phải qua nhiều cửa, thời gian chậm. Thủ tục hải quan cửa khẩu cũng còn phiền phức cho nhà đầu tư .
Một vấn đề không thuận lợi nữa, là nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng. Năng suất lao động còn thấp do tập quán và phong cách sống thụ động, an phận. Nhiều hộ gia đình có nương rẫy, mùa vụ trồng cấy thường trùng với mùa trồng mới và chăm sóc cao su nên tình trạng lao động tự ý nghỉ việc rất phổ biến, mặc dù đã được ký hợp đồng tuyển dụng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang thì không được quá 10% tổng số lao động cần thiết mà thời gian được phép lưu trú quá ngắn, phải làm thủ tục gia hạn.
Lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã kiến nghị:
- Chính phủ Việt Nam bàn bạc thống nhất và sớm thúc đẩy Chính phủ Lào ban hành các văn bản hướng dẫn, các qui định cụ thể về đất đai để thực hiện chương trình hợp tác đầu tư trồng 100.000 ha cao su tại Lào đã ký kết.
- Chính phủ Lào cho phép chủ đầu tư được tiếp tục thực hiện các dự án theo hình thức thuê đất, thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất và cấp quyền sử dụng đất để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ lao động nước ngoài cho phù hợp, tạo điều kiện nâng số lượng cán bộ kỹ thuật Việt Nam nhằm đảm bảo việc quản lý chất lượng vườn cây.
- Chính phủ Lào nên có Luật đầu tư thông thoáng hơn, ban hành các văn bản hướng dẫn và qui định cụ thể để thực hiện chủ trương khuyến khích đầu tư vào Lào, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư vào Lào.
- Chính phủ hai nước cần có những thỏa thuận tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển thương mại biên giới, cho hàng hóa hai nước được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu.
Ông Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn khẳng định: Mặc dù còn khó khăn vướng mắc về chính sách đất đai và nguồn lao động, nhưng trên tinh thần hữu nghị đặc biệt, với mong muốn mang lại hiệu quả thiết thực cho đôi bên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn tăng cường đầu tư, phấn đấu đưa diện tích cao su ở Lào lên 100.000 ha như Chính phủ hai nước đã thỏa thuận. Chủ trương chung của Tập đoàn là tiếp tục mở rộng qui mô các dự án tại các tỉnh Nam và Trung Lào; phát triển cao su tại các tỉnh Bắc Lào theo hình thức phù hợp, trong đó có ăn chia theo sản phẩm 4 + 1 (Tập đoàn chịu trách nhiệm đầu tư về vốn, kỹ thuật, lương công nhân, thị trường – tiêu thụ; người dân Lào góp đất thông qua đại diện chính quyền địa phương). Sắp tới, Tập đoàn sẽ lập Văn phòng đại diện tại Viêng Chăn để làm đầu mối triển khai các dự án trồng cao su tại Lào.
Với truyền thống nghĩa tình của CBCN ngành cao su, với sự hỗ trợ tạo điều kiện pháp lý của hai Chính phủ, nhất định các dự án cao su trên đất Lào sẽ thành công, mang lại kết quả tốt đẹp cho đôi bên, góp phần gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước từ bao đời nay, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam và Lào./.
Quỳnh Lệ