Ngày Tết nói chuyện nhà giàn
Nhân dịp Tết cũng nên nói chút về nhà giàn cho bà con biết đôi điều về nhưng người đang sống và làm việc tại nhà giàn chông chênh trên biển cả. Và nếu như có thêm một lời nhắn gửi, một lời mừng xuân chắc sẽ làm cho anh em ấm lòng hơn khi Tết đến xuân về.
Vậy DK1 là gì? Theo các nhà báo từng có mặt trên nhà giàn thì DK1 thì DK1 là cụm dịch vụ Kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. Trên khu vực Biển Đông, chúng ta đã có 7 cụm khu vực xây dựng nhà giàn. Mỗi nhà giàn là một Trạm Dịch vụ Kinh tế-Khoa học – Kỹ thuật (DVKT – KHKT), do Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Quân chủng Hải quân quản lý.
DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ – Khoa học – Kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.
Vào tháng 3/1988 một số tàu chiến, tàu thăm dò của nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện sâu trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi có tiềm năng lớn về dầu khí và có ý nghĩa chiến lược về an ninh – quốc phòng. Ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là khu DK1). Cùng thời gian này, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã khẩn cấp giao cho Lữ đoàn 171 nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Đông Nam.
Với những trang thiết bị đo độ sâu, Biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 đã ra khơi khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000km2, tìm ra các điểm cạn và định vị các bãi đá ngầm san hô Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính và Huyền Trân.
Từ ngày 10-15/6/1989, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây lắp xong nhà giàn đầu tiên tại bãi đá ngầm Phúc Tần (tên địa danh hành chính là Trạm KTKHDV Phúc Tần). Đây là nhà giàn được khảo sát ở vị trí số 3 nên còn được gọi là nhà giàn DK1/3 và là nhà giàn đầu tiên được xây dựng hoàn chỉnh.
Ngày 16/6/1989, nhà giàn DK1/4 hoàn thành.
Ngày 27/6/1989, Tổng cục Dầu khí nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh cũng hoàn thành nhà giàn DK1/1.
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị số 180/UT về việc Xây dựng Cụm DVKT-KHKT thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, xác định lại chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa này.
Ngày 2/11/1989, Trạm DVKT-KHKT Tư Chính B (hay Tư Chính 2 hay Nhà giàn DK1/5) được thành lập, trở thành nhà giàn DK1 thứ 4.
Ngày 10/11/1990, Trạm DVKT-KHKT Phúc Nguyên (hay Nhà giàn DK1/6) được xây dựng xong.
Giai đoạn đầu, các nhà giàn tương đối thô sơ, kết cấu dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng kim loại đặt trên nền san hô, dễ bị dịch chuyển bập bềnh trong nước khi có sóng lớn cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh.
Tháng 12/1990, một cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 làm 3 chiến sĩ hy sinh. Các nhà giàn DK1/4, DK1/6 cũng bị bão giật sập, nhưng may mắn không thiệt hại về người.
Hải quân Việt Nam tiếp tục xây lắp thêm các nhà giàn để khẳng định chủ quyền trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Các nhà giàn liên tục được xây dựng. Những nhà giàn về sau được xây dựng trên 4 cọc thép chắc chắn cắm sâu xuống đáy biển, phía trên là tổ hợp sinh hoạt, công tác có diện tích sàn khoảng 100m2.
Tuy vậy, các nhà giàn vẫn là những cơ sở mỏng manh giữa biển cả.
Ngày 12/12/1998, cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp 12 quét qua vùng Biển Đông. Sáng ngày 13/12, nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng cuốn trôi, đánh sập, 9 người bị rơi xuống biển trong đó có 3 người (Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương) hy sinh.
Với tai nạn của nhà giàn Phúc Nguyên 2A, Việt Nam chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng các nhà giàn được xây dựng trên nền thiết kế cũ. Các nhà giàn DK1/1, DK1/5 chấm dứt sử dụng hoàn toàn để đảm bảo an toàn.
Ngày 28/8/2009, Vùng 2 Hải quân mới được thành lập, nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển từ Bình Thuận đến Bạc Liêu, trong đó có khu vực trọng điểm là khu DK1.
Khu vực nhà giàn DK1 gồm 7 Cụm: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và Cà Mau với tất cả 20 nhà giàn, từng được xây dựng trên thềm lục địa. Chiều sâu mực nước bãi cạn thấp nhấp là 7m tại DK1/3 và sâu nhất là 25m tại DK1/15. Các nhà giàn được xây dựng từ năm 1989 đến 1998.
Hiện tổng cộng có 15 nhà giàn đang sử dụng, trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, 4 nhà giàn có hải đăng, 1 nhà giàn có trạm quan sát khí tượng. Có 14 nhà giàn ở khu vực giáp với vùng biển Trường Sa và một nhà giàn (DK1/10) ở bãi cạn Cà Mau trên vùng biển Tây Nam.
Từ không gian Nhà giàn DK1 gian khó ấy vút lên những vần thơ và chiến sĩ bỗng trở thành thi sĩ. Những bài thơ dung dị không chỉ tái hiện cuộc sống đời thường nơi các anh công tác…
Bài thơ của Thiếu úy Lê Ngọc Chung ở nhà giàn DK1/20 là tiếng nói từ trái tim người lính biển tâm sự với người mình yêu, kể về cuộc sống ở nhà giàn DK1. Bài thơ này Thiếu úy Chung sáng tác trong những ngày đầu bước chân lên nhà giàn DK1/20.
Lá thư đầu anh viết tặng em.
Là lá thư anh kể về đơn vị.
Cuộc sống nơi đây tháng ngày dài thế kỷ.
Sáng, trưa, chiều, tối chỉ từng ấy bước chân.
Đồng đội anh những đứa mình trần.
Chân không dép vẫn vui cười sớm tối.
Họ là những anh hùng trong thời kỳ mới.
Nhận hy sinh cho Tổ quốc thanh bình.
Anh kể em nghe những lúc biển yên bình.
Vầng trăng sáng trên nhà giàn lấp lánh.
Căn nhà nhỏ vẫn vững vàng giữa biển.
Hòa mình trong sóng nước mênh mông.
Anh kể em nghe những trận cuồng phong.
Biển giận dữ hung tàn quá đỗi.
Những con sóng bạc đầu làm sao em hiểu nổi.
Như muốn nhấn chìm tất cả xuống đại dương.
Câu chuyện cổ tích xưa còn nhớ không em.
Ngọn sóng Thủy Tinh dâng tràn ngập lối.
Nhưng không thể tràn lên những ngọn núi.
Chàng Sơn Tinh hóa phép nâng lên.
Nhà giàn tụi anh không có phép biến hình.
Đồng đội anh cũng không phải Sơn Tinh thủa ấy.
Giữa sóng biển hung tàn em có thấy.
Những con người nhỏ bé vẫn kiên trung.
Cũng chính từ nơi đây bao thế hệ đã hy sinh.
Các anh ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ.
Dâng tuổi xuân cho muôn trùng sóng bể
Thân các anh hòa với đại dương…
Biển cứ thế động rồi lại êm.
Và anh mãi yêu em tình yêu bất tận
Như cánh san hô dưới sâu đáy biển
Cứ sóng hoài, sóng mãi vẫn nở hoa.
Anh Minh (Tổng hợp)