Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS): Sự hồi sinh ở một “nhà máy chết”
Trở lại đường băng !
Quảng Ngãi, một ngày gần cuối tháng 11. Giữa tiết trời nắng gắt của vùng biển miền Trung, không khí lao động bên trong ụ tàu (Dock) khổng lồ của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (tên thường gọi của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất – DQS) vẫn náo nhiệt lạ thường. Nhịp độ lao động ở đây như không ngừng nghỉ, luôn hối hả, khẩn trương!
Có 2 công trình sửa chữa do Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư đang được các công nhân triển khai thi công tại ụ tàu này. Đó là giàn khoan tự nâng Tam Đảo 01 và tàu Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu 01.
Trong những bộ quần áo bảo hộ có màu xanh thẫm và trắng bạc mang dòng chữ DQS, từng tốp kỹ sư, công nhân tất bật với công việc nặng nhọc ở khu vực ụ tàu như những chú ong chăm chỉ. Người thì cặm cụi hàn cắt, chỉnh sửa, kẻ lúi húi sơn phết, kiểm tra thiết bị máy móc… Họ loay hoay như con thoi từ những giàn giáo cheo leo trên khối chân đế giàn khoan cho đến khu vực hầm máy sâu hun hút của con tàu dịch vụ dầu khí. Thế nhưng trên gương mặt đen nhẻm của những người thợ ấy, tuy lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng dường như không hề có biểu hiện của sự mỏi mệt mà chỉ toát lên vẻ lạc quan, hứng thú với công việc.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn (đứng giữa) trao đổi với Ban Lãnh đạo DQS về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty |
Có mặt trên công trình sửa chữa giàn khoan Tam Đảo 01, ông Krauishkin – Chánh kỹ sư của giàn Tam đảo 01 đi vào các ngóc ngách trong thân giàn để kiểm tra các phân đoạn sửa chữa. Vẻ mặt hài lòng vì tiến độ, chất lượng, ông nhận xét: “Công tác quản lý của DQS rất tốt, trình độ tay nghề của công nhân, các quy trình làm việc khá quy củ. Đây là lần đầu tiên DQS đảm nhận sửa chữa giàn Tam Đảo 01, chúng tôi hy vọng DQS sẽ mở ra một hướng đi mới trong tương lai về công nghệ sửa chữa giàn khoan”.
Quả thật, không khí lao động của công nhân Nhà máy Đóng tàu Dung Quất giờ đây đã có những tiến bộ khác hẳn so với chính nó cách đây 2 năm. Chỉ những ai trực tiếp mục sở thị nhà máy thì mới hiểu được sự hồi sinh mãnh liệt của DQS đến nhường nào sau 2 năm được PVN tái cơ cấu toàn diện.
Còn nhớ, trước tháng 7/2010, dưới cái thời lệ thuộc “bộ máy cồng kềnh” của Vinashin, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất – vốn từng được mệnh danh là “người khổng lồ” trong làng đóng tàu Việt Nam và cả khu vực, đã được mỉa mai như một “nhà máy chết”, tuy khổng lồ nhưng ì ạch, nợ đầm đìa và mất phương hướng. Đời sống công nhân chật vật vì không có việc để làm.
Khi ấy, các hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất dở dang, thiếu đồng bộ, tiến độ thi công chậm trễ kéo dài. Nhà máy còn gặp nhiều khó khăn như đội ngũ nhân lực non trẻ, thiếu kinh nghiệm. Nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư của nhà máy là 100% vốn vay. Hơn nữa, ngành công nghiệp đóng tàu lại đang bão hòa và gặp nhiều khó khăn do kinh tế khủng hoảng.
Thời điểm đó, sản phẩm đầu vào của nhà máy chỉ là 2 dự án đóng tàu 104.000 tấn và 105.000 tấn đóng cho chủ tàu trong nước. Do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên hai dự án này cũng bị chậm tiến độ thi công. Đó là chưa kể các hạng mục đầu tư khác như Tàu kéo Dung Quất 01, Sà lan 18.000 tấn thi công chậm tiến độ kéo dài nên bị hư hỏng nặng, chi phí khắc phục lỗi lên đến hàng trăm tỉ đồng. Riêng tàu 104.000 tấn có chi phí khắc phục sai sót do thiết kế, hư hỏng… đã phát sinh tới 139 tỉ đồng.
Thế nhưng giờ đây, sau khi Vinashin chuyển giao toàn bộ Nhà máy Đóng tàu Dung Quất cho PVN vào ngày 1/7/2010 theo chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, dưới bàn tay khối óc của những con người Dầu khí, mọi thứ ở “nhà máy chết” khi ấy đã dần hồi sinh và bắt nhịp trở lại “đường băng” phát triển.
Đến nay, ngoài việc hoàn thiện và bàn giao tàu chở dầu 104.000 tấn (tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay) cho PV Trans vào tháng 6-2012 thì DQS đã bàn giao hàng chục tàu sửa chữa cho các đơn vị thành viên của PVN như Vietsovpetro, PV Trans…
Với những lợi thế về mặt bằng sản xuất, DQS đã nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị thành viên của PVN trong việc ký mới các hợp đồng sửa chữa và đã đạt được nhiều thành tựu. Trong các năm 2011 – 2012, DQS đã hoàn thành và bàn giao hàng loạt sản phẩm sửa chữa như: Hoán cải Sà lan VSP 05; sửa chữa đầu bến tàu MV Horizon Express, tàu Ba Vì, Chí Linh, Côn Sơn; Hoán cải sửa chữa tại Dock DQS: Tàu Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa, Sao Mai – 01, tàu Sao Mai – 03, Kho nỗi chứa và xử lý dầu FSO VSP – 01 của Vietsovpetro, sửa chữa tàu Eagle của PVTrans. Hiện tại DQS đang sửa chữa giàn khoan tự nâng Tam Đảo 01, tàu dịch vụ Vũng tàu 01… Các hợp đồng sửa chữa này này đã mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho DQS.
Thông qua các công trình đóng mới và sửa chữa tàu, giàn khoan, trình độ tay nghề của những người thợ đóng tàu Dung Quất đã được nâng cao, chiếm được lòng tin và tín nhiệm đối với chủ tàu.
Là người thợ làm việc tại Nhà máy Đóng tàu Dung Quất hơn 6 năm nay, anh Trần Văn Danh, 33 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ Đấu đà, đã so sánh rằng, kể từ khi PVN tiếp quản nhà máy đến nay, tinh thần của các anh em công nhân ở nhà máy đóng tàu rất phấn khởi và lạc quan hơn cái thời thuộc Vinashin. Bởi vì DQS đã có cách làm việc quy củ, bài bản hơn, anh em công nhân có được công ăn việc làm thường xuyên và ổn định, tăng thêm thu nhập.
“Chúng tôi còn được tiếp cận các công nghệ mới trong sửa chữa tàu dịch vụ dầu khí, giàn khoan. Ban lãnh đạo mới của công ty đã có những quan tâm chia sẻ về nơi ăn chỗ ăn và các phúc lợi xã hội khác đối với anh em công nhân, điều này giúp chúng tôi an tâm làm việc hơn”, anh Danh phấn chấn nói.
Những tín hiệu lạc quan
Được biết hiện nay về cơ bản DQS đã bố trí đủ việc làm cho người lao động. Thu nhập bình quân của công nhân vốn từ chỗ chỉ vỏn vẹn 2,8 triệu đồng/tháng vào năm 2010 thì đến nay đã tăng lên 6,3 triệu đồng/người/tháng.
Về mặt doanh thu, nếu như 6 tháng cuối năm 2010 chỉ là 22,56 tỉ đồng thì trong năm 2011 DQS đã đạt 574,2 tỉ đồng. Và dự kiến đến hết năm 2012 này DQS phấn đấu doanh thu sẽ đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2013, bằng việc triển khai thi công đóng mới 2 tàu dịch vụ, hoán cải sà lan 18.000 tấn cho Vietsovpetro, hoàn thiện tàu 105.000 tấn (PV Trans đang thỏa thuận với DQS về phương án cải hoán để tàu có thể vừa chở dầu như Tanker và vừa làm tàu chứa và xử lý FSO phục vụ cho mỏ dầu Đại Hùng)…thì doanh thu dự kiến của DQS trong năm 2013 sẽ đạt 1.078 tỉ đồng.
Một góc Nhà máy Đóng tàu Dung Quất |
Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó tổng giám đốc PVN trong chuyến làm việc mới đây tại Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và dự lễ phát động thi đua 90 ngày đêm hoàn thành sửa chữa giàn Tam Đảo 01 của đoàn thanh niên DQS. Ông tỏ ra hài lòng và tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, lao động hăng say, thông minh sáng tạo, bằng những nỗ lực khắc phục khó khăn của tất cả cán bộ, công nhân viên DQS thì công trình sửa chữa giàn Tam Đảo 01 sẽ sớm hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
Khi đi kiểm tra chất lượng và tiến độ các hợp đồng do nhà máy thực hiện, ông Nguyễn Xuân Sơn đánh giá cao tính tổ chức thi công khoa học của DQS đã góp phần đẩy nhanh việc thi công các hạng mục.
Trao đổi với PV Báo Năng Lượng Mới về sự hồi sinh của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất trong 2 năm qua, Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn khẳng định: PVN đã thổi vào nhà máy một luồng sinh khí mới để thoát khỏi bờ vực phá sản, tạo nên một phong cách làm việc với quy trình quản lý sản xuất mới cho DQS và quyết tâm thực hiện cho bằng được những hợp đồng, công trình đóng mới, sửa chữa tàu còn dang dở.
Theo Phó tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, sau hơn 2 năm tái cơ cấu, hiện tại DQS đã cơ bản khắc phục những công việc còn dở dang trước đây, công nhân có việc làm, nhà máy đi vào sản xuất ổn định. Bên cạnh việc hoàn thành đóng mới tàu chở dầu 104.000 tấn cho PV Trans thì DQS còn mạnh dạn phát triển thêm thị trường sửa chữa tàu chở dầu, tàu dịch vụ Dầu khí cho Vietsovpetro, PV Trans và đặc biệt là sửa chữa giàn khoan (vốn trước đây Việt Nam chưa làm được). Điều này giúp đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, khẳng định sự hồi sinh mạnh mẽ của DQS.
“Chúng tôi hy vọng với sự quyết tâm của tất cả cán bộ, công nhân viên DQS cũng như sự ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài ngành Dầu khí thì Nhà máy đóng tàu Dung Quất sẽ phát triển vững chắc trong thời gian tới”, Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn bộc bạch.
Qua tìm hiểu được biết, ngay sau khi nhận chuyển giao từ Vinashin, ban lãnh đạo mới của DQS do PVN bổ nhiệm đã khẩn trương rà soát, sắp xếp về nhân sự để ổn định số lao động hiện nay vào khoảng 1.762 cán bộ, công nhân viên (giảm hơn 500 lao động so với trước đây). Đồng thời, DQS đã tiến hành giải thể các công ty con hoạt động kém hiệu quả, điều chỉnh từ 32 phòng, ban, phân xưởng xuống còn 16 phòng. Bên cạnh đó, DQS cũng bổ nhiệm những người có năng lực, đúng người đúng việc, phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, DQS đã xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; xây dựng các quy chế về tài chính, quản lý đầu tư, mua sắm trang thiết bị; quy chế lương đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động phù hợp với quy định chung của Tập đoàn; xây dựng hoàn chỉnh bộ định mức vật tư, định mức kỹ thuật, các quy chế, quy trình hướng dẫn cho các hoạt động của Công ty...
Về thị trường, ngoài việc đóng tàu mới, PVN đã hỗ trợ DQS mạnh dạn phát triển thêm thị trường sửa chữa tàu dịch vụ dầu khí và đặc biệt là sửa chữa giàn khoan để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Vượt khó vươn ra biển lớn
Là người lãnh đạo cao nhất tại DQS ngay từ thời gian đầu tái cơ cấu, ông Nguyễn Văn Hội (Chủ tịch HĐTV Công ty, nguyên là Phó trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đã không tránh khỏi những lo toan, bận bịu trước khối lượng công việc bộn bề và trách nhiệm nặng nề để đưa nhà máy hồi sinh.
Thu xếp chút ít thời gian rảnh vào giờ nghỉ trưa, ông Nguyễn Văn Hội chia sẻ: “Nhớ lại thời điểm ấy, chúng tôi phải làm lại tất cả mọi việc từ ban đầu. DQS cần được tái cơ cấu một cách liên tục, toàn diện và sâu rộng ngay sau khi chuyển giao. Chúng tôi phải xây dựng cho được môi trường doanh nghiệp theo đúng quy chế của PVN”.
Theo vị lãnh đạo của DQS, có thể khẳng định rằng, dấu ấn của PVN đối với sự hồi sinh của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất như hiện nay là cực kỳ quan trọng. Nếu không có sự tiếp nhận và chỉ đạo sâu sát về con người và công việc của PVN thì khả năng đóng cửa nhà máy là rất lớn. Công tác tài chính của nhà máy vào thời điểm chuyển giao vốn điều lệ của DQS là 75 tỉ đồng (vốn điều lệ do Tập đoàn Vinashin cấp), trong khi tổng tài sản của DQS khoảng 6.000 tỉ đồng, phần lớn là vốn vay nên DQS rất khó khăn về mặt tài chính, các chủ hàng, các ngân hàng liên tục phát hành các công văn đòi nợ. Từ khi chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí thì DQS được Tập đoàn bổ sung vốn điều lệ là 1.867 tỉ đồng, tổng cộng vốn điều lệ của DQS đến thời điểm hiện nay là 1.942 tỉ đồng. Nhờ nguồn vốn của Tập đoàn mà DQS đã trả nợ cho các chủ hàng và phân bổ chi phí vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, PVN còn hỗ trợ về thị trường, chỉ đạo các đơn vị thành viên như Vietsovpetro, PV Trans, PTSC…giao tàu cho DQS sửa chữa.
Còn nhớ, khi tiếp tục đóng con tàu PVT MERCURY – tàu chở dầu thô 104.000 tấn cho chủ đầu tư PV Trans. Để khắc phục những sai sót, tồn tại từ thời Vinashin thì đội ngũ thợ cơ khí, thợ hàn, thợ mài, thợ sơn, thợ điện…của DQS đều phải kiểm tra lại tay nghề, hướng dẫn lại các quy trình quy định để cho công nhân nâng cao tay nghề và tuân thủ theo quy định. Cán bộ quản lý, kỹ thuật vùi đầu vào các phòng máy tính, các tài liệu kỹ thuật để cập nhật mới các quy ước, quy phạm của ngành hàng hải, bóc tách khối lượng, bóc tách vật tư, triển khai thiết kế công nghệ để các phòng, ban thi công thực hiện. Con tàu chở dầu thô này có chiều dài 245m, rộng 43m, cao 20m, mớn nước 11,7m, vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ. Việc đóng mới thành công tàu 104.000 tấn đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của DQS và ngành đóng tàu Việt Nam.
Được biết, dưới thời của Vinashin, sau gần 4 năm thi công, tàu 104.000 tấn mới chỉ hoàn thành phần vỏ, lắp đặt một số thiết bị chính còn dở dang, chỉ đáp ứng được 40% khối lượng công việc. Đến khi DQS được chuyển giao về PVN vào năm 2010, thì chỉ trong 1 năm rưỡi triển khai thi công đã hoàn thành con tàu đúng cam kết với PV Trans. Tàu đã được đăng kiểm Việt Nam (VR) và đăng kiểm quốc tế ABS (Mỹ) cấp chứng nhận, có thể vận chuyển tuyến nội địa lẫn tuyến Quốc tế. Điều đó là một minh chứng điển hình cho sự nỗ lực đáng kể của DQS trong giai đoạn tái cơ cấu.
“Chúng tôi rất tự hào khi hoàn thành con tàu chở dầu 104.000 tấn sau thời gian dài thi công dở dang ở Vinashin. Mặc dù mới đây PV Trans đã thống nhất thỏa thuận với DQS bổ sung thêm một số hạng mục để tàu này có thể chở một lúc nhiều loại dầu nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Nhưng với khả năng đóng hoàn chỉnh con tàu chở dầu lớn và hiện đại nhất Việt Nam thì đó là một bước tiến dài của DQS về chất lượng công nghệ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề” – ông Nguyễn Văn Hội chia sẻ.
Có thể nói, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đã hồi sinh với những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, DQS vẫn cần tỉnh táo để biết rằng, phải dựa vào thực lực của chính mình để phát triển trong thời gian tới. Vì đây mới chỉ là điểm khởi đầu trong quá trình “leo dốc” bởi phía trước DQS sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là khi thị trường đóng tàu còn nhiều biến động, về công tác đầu tư thì thiếu đồng bộ vì hiện nay DQS chưa có cầu tàu trang trí nên chưa phát huy hết khả năng khai thác Dock… Ngoài nhiều yếu tố khó khăn về thị trường, đầu tư thì khoản chi phí tài chính tồn tại từ thời điểm chuyển giao gồm lãi vay, phí bảo lãnh vay vốn, chênh lệch tỷ giá khiến cho hoạt động SXKD của DQS rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hội – vị “thuyền trưởng” của DQS, đã nói lên suy nghĩ của mình để hoạt động SXKD của Công ty ổn định và phát triển trong thời gian tới: “Chúng tôi nghĩ rằng, thực lực tự thân vận động là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài việc nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí thì DQS cần tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường đóng mới tàu biển vì đây là yếu tố then chốt để phát triển. Trong tương lai, DQS cũng cần liên danh, liên kết với các đơn vị trong ngành để tạo thành khối vững mạnh, đạt được hiệu quả dựa vào quy mô, tăng cường thị phần và danh tiếng trong ngành!”.
Thế Vinh
(Theo Petrotimes)