.
.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nghề hiệu quả

Thứ Tư, 24/10/2012|21:34

Thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng nhà nước đã có cơ chế chính sách để mọi người có nhu cầu được tham gia học nghề một cách dễ dàng. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì dạy nghề không chỉ đơn thuần là giải quyết việc làm trong nước, mà còn tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu trong nước cũng như thị trường lao động quốc tế…

Thực trạng dạy nghề

10 năm trở lại đây, nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, trong đó, tập trung nguồn tài chính và các nguồn lực khác nên công tác đào tạo nghề đã có những bước phát triển tích cực, từng bước đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế. Để có cơ sở cho việc thúc đẩy hiệu quả triển khai công tác đào tạo nghề, một hành lang pháp lý có thể nói là tương đối đầy đủ về lĩnh vực này đã được ban hành như Luật Dạy nghề và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Mô hình, chương trình đào tạo cũng được hình thành với 3 cấp độ chính quy là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và dạy nghề thường xuyên. Với việc đa dạng hóa hình thức đào tạo đã tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tiếp cận với việc đào tạo phù hợp với khả năng, điều kiện của mình cũng như phù hợp với yêu cầu của xã hội. 
         
Hiện mạng lưới đào tạo nghề ở cơ sở đã được mở rộng và phân bố một cách hợp lý và rộng khắp ở các vùng, địa phương trong cả nước. Theo thống kê năm 2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề, 308 trường trung cấp nghề; 849 trung tâm dạy nghề (trong đó có 296 trung tâm ngoài công lập) và hơn 1.000 cơ sở khác. Số cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 35,4%.  Nhờ có sự mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề và mở rộng quy mô đào tạo đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2011 đạt 32%. 

Thực tế cũng cho thấy, các nghề được đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, từng bước phù hợp với sự phát triển các ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chương trình dạy nghề được xây dựng xuất phát từ thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, do đó, sau khi được đào tạo, học viên đã có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm. 
 
Trong chiến lược dạy nghề thì dạy nghề cho lao động nông thôn được coi là chiến lược quan trọng và chú trọng đầu tư. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, theo đó, bình quân mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề để chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ hoặc làm nông nghiệp hiện đại. 
 
Thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng nhà nước đã có cơ chế chính sách để mọi người có nhu cầu được tham gia học nghề một cách dễ dàng. Đặc biệt là nhà nước đã xây dựng và ban hành chính sách ưu tiên dạy nghề cho những nhóm người yếu thế. Đó là người dân tộc thiểu số, người nghèo, người tàn tật, và chính sách cho bộ đội xuất ngũ, cho lao động thuộc vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và dạy nghề cho lao động nông thôn. Chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng mạng lưới dạy nghề, cũng như phạm vi đối tượng ưu tiên trong quá trình đào tạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì dạy nghề không chỉ đơn thuần là giải quyết việc làm trong nước, mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai cũng như đáp ứng cho xuất khẩu nguồn nhân lực cho thị trường lao động quốc tế…
 
Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp
 
Chiến lược phát triển KT - XH Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo nghề theo hướng nhu cầu của thị trường là xu thế chung và cũng là xu thế tất yếu. Sở dĩ thời gian qua, hiệu quả đào tạo nghề chưa đạt được như mong muốn một phần vì việc phối hợp đào tạo với doanh nghiệp chưa thực sự được chú trọng. Để đào tạo nghề mang lại hiệu quả thực chất thì việc phối hợp đào tạo nghề với các doanh nghiệp và việc đào tạo nghề phải dựa trên nhu cầu của xã hội là điều hết sức cần thiết; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược; đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội, có cơ chế tài chính và chính sách thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo - là mục tiêu của nhà nước ta trong việc bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế. Thực tế cũng cho thấy, công tác đào tạo nghề không chỉ được thực hiện thành công bởi nhà nước mà cần phải mở rộng sang cả đối tượng doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp có tiếp nhận người lao động sau khi đã được đào tạo nghề hay không phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người lao động. Câu hỏi đặt ra là, việc xây dựng chương trình đào tạo đã thực sự hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội chưa?
 
Làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào đào tạo nghề vẫn là bài toán cần phải giải quyết trong thời gian tới. Và điều này chỉ có thể thực hiện thực sự hiệu quả khi có cơ chế chính sách hợp lý để các doanh nghiệp có điều kiện tham gia xây dựng chiến lược và chính sách đào tạo nghề.

                                                                                                                                            Hà An

 

.
.
.
.