.
.

Thực trạng tư tưởng và yêu cầu nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay

Thứ Bảy, 20/10/2012|14:32

Để đánh giá đúng thực trạng công tác tư tưởng cần phải đánh giá thực trạng chủ thể công tác tư tưởng, hoạt động tư tưởng, tức là thực trạng hoạt động nghiên cứu lý luận, hoạt động giáo dục lý luận, chính trị; thực trạng hoạt động cổ vũ động viên. Và đánh giá thực trạng của khách thể công tác tư tưởng, tức là thực trạng đối tượng công tác tư tưởng. Đánh giá sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng; đánh giá thực trạng tư tưởng chính trị, thực trạng niềm tin, thực trạng đạo đức, lối sống của các tầng lớp giai cấp trong xã hội.

Đánh giá thực trạng công tác tư tưởng phải bắt đầu bằng phương pháp tiếp cận nội hàm của công tác tư tưởng hay các phương pháp tiếp cận các phương tiện, lực lượng các “binh chủng” của công tác tư tưởng hoặc tiếp cận từ mục đích của công tác tư tưởng.

Nội hàm công tác tư tưởng, theo quan niệm phổ biến gồm ba bộ phận cơ bản cấu thành đó là công tác nghiên cứu lý luận chính trị, công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác cổ động. Với nội hàm như vậy thì chủ thể công tác tư tưởng là Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị. Khách thể đối tượng của công tác tư tưởng là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng các đoàn thể trong sạch vững mạnh; đó là các tầng lớp, giai cấp và mọi thành viên trong xã hội.

Do đó, để đánh giá đúng thực trạng công tác tư tưởng cần phải đánh giá thực trạng chủ thể công tác tư tưởng, hoạt động tư tưởng, tức là thực trạng hoạt động nghiên cứu lý luận, hoạt động giáo dục lý luận, chính trị; thực trạng hoạt động cổ vũ động viên. Và đánh giá thực trạng của khách thể công tác tư tưởng, tức là thực trạng đối tượng công tác tư tưởng. Đánh giá sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng; đánh giá thực trạng tư tưởng chính trị, thực trạng niềm tin, thực trạng đạo đức, lối sống của các tầng lớp giai cấp trong xã hội.

Trong bài này, chúng tôi muốn tìm hiểu thực trạng khách thể công tác tư tưởng: Thực trạng tư tưởng, chính trị; thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; thực trạng niềm tin và thực trạng đạo đức, lối sống của các tầng lớp trong xã hội.

Đánh giá thực trạng này, Văn kiện Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã có sự đánh giá vừa trúng vừa đúng cả về quy mô, tính chất của thực trạng này.

Đây là căn cứ rất quan trọng để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phân tích, nhận diện rõ ràng hơn các biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, nhất là chỉ rõ sự biểu hiện suy thoái nào về tư tưởng chính trị đang thực sự đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ như Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra.

Khi nói biểu hiện của sự suy thoái là phai nhạt lý tưởng. Đây vẫn còn là ở dạng trong nhận thức, trong tư duy, trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên mà muốn nhận diện nó phải chỉ ra được các biểu hiện về mặt hành động (nói, làm) của cán bộ, đảng viên thể hiện sự suy thoái tư tưởng chính trị.

Để nhận diện được rõ các biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, phải xuất phát từ bản chất mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giành và giữ vững độc lập dân tộc, là giải phóng giai cấp, xóa áp bức, bóc lột; là giải phóng xã hội, xóa bất công; giải phóng con người để mỗi con người được tự do, ấm no, hạnh phúc. Trong Cương lĩnh 2011, Đảng ta đã chỉ rõ 8 đặc trưng, 8 mối quan hệ, 8 định hướng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã lựa chọn. Những quyết định, những việc làm kìm hãm phá hoại quá trình hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, làm sai lạc 8 đặc trưng, làm chệch 8 định hướng xã hội chủ nghĩa là những biểu hiện của sự suy thoái chính trị.

Từ các căn cứ xuất phát trên chúng ta đối chiếu với thực trạng một số yếu kém của nền kinh tế - xã hội nước ta như Đại hội XI đã nhận định:

- Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng ngành và của cả nền kinh tế còn thấp, kém. Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới mà nền kinh tế vẫn tụt hậu xa hơn so với các nước khu vực và thế giới.

- Từ năm 2011 đến nay: Gần 100.000 doanh nghiệp phá sản, trên 3 triệu công nhân mất việc làm. Đời sống một bộ phận không nhỏ công nhân các khu công nghiệp lương rất thấp từ 1,4trđ - 1,8trđ/tháng, dẫn đến tình trạng “4 không” (không nhà, không gia đình, không chính trị, không văn hóa).

- Đời sống một bộ phận không nhỏ nông dân (20 - 30%) vẫn nghèo và cận nghèo. Đáng chú ý là bộ phận các hộ nông dân sau khi giải phóng đất nông nghiệp đưa vào khu công nghiệp, thì sau vài năm một bộ phận không nhỏ số hộ nông dân này lâm vào cảnh rất khó khăn.

- Không ít tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài nhiều năm, nhiều hoạt động kinh doanh trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng! Nhưng các cán bộ quản lý điều hành các tập đoàn, các tổng công ty rất ít bị xử lý. Điều phi lý là trong khi thua lỗ kéo dài, nợ lớn thì lương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở đây vẫn rất cao!

Năm 2011, trong khi các doanh nghiệp phải vay rất cao, hoặc một bộ phận lớn doanh nghiệp không thể nào tiếp cận được vốn, thì không ít ngân hàng lại lãi rất lớn, chia lãi “khủng”. Hoạt động tiêu cực của các nhóm lợi ích đang tác động lũng đoạn không ít các cơ chế, chính sách, quy định về kinh tế - xã hội.

Tình trạng suy thoái văn hóa, suy đồi đạo đức xã hội, tình trạng tệ nạn xã hội, tiêu cực xã hội, tội phạm xã hội đang tăng lên nghiêm trọng. Tính chất quy mô của sự suy thoái này đang đẩy nền văn hóa nước ta đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng văn hóa.

Các cuộc khiếu kiện đông người vượt cấp của nông dân ngày càng tăng về số lượng, nóng về tính chất; các cuộc bãi công của công nhân ngày càng tăng về số lượng và căng thẳng quyết liệt về tính chất đang tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xã hội mà hậu quả thật khôn lường. Một số hoạt động, quyết định, việc làm thiếu dân chủ, thiếu khoa học của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan công quyền dẫn tới nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn. Đây chính là những biểu hiện chủ yếu của sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhất là số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị này mới trực tiếp và chủ yếu dẫn đến nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, trong tài liệu chuyên đề của Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ rất rõ là:

- Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, vụ lợi, thực dụng, buông thả, hưởng thụ, thiếu lý tưởng, thiếu ý chí phấn đấu, hành động cơ hội, vì lợi ích cá nhân, đua đòi.

- Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm.

- Tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công, lãng phí, quan liêu, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy trốn, chạy khen thưởng…

- Mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Đạo đức, lương tâm nghề nghiệp bị sa sút nghiêm trọng.

Cần làm rõ những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống nào là cực kỳ nghiêm trọng, trực tiếp dẫn tới nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Theo chúng tôi cần nhận diện cho rõ mấy biểu hiện chủ yếu sau:

Đó là, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, thực dụng, ích kỷ, vụ lợi, vô trách nhiệm với dân, vô cảm với nỗi đau khổ, bức xúc của dân, công khai, trắng trợn nhũng nhiễu dân trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng giải phóng mặt bằng, nội chính (bắt sai, xử oan sai, cưỡng chế…), thực hiện các chính sách an sinh xã hội,…

Biểu hiện tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, đó là: từ phải chạy nhiều thứ khi có một cái “ghế” dẫn đến tư duy trong nhiệm kỳ của “cái ghế” này làm sao thu hồi được vốn và có lãi! Trong đó, lĩnh vực thu hồi được nhanh và nhiều nhất là: các dự án đất đai, tài chính công, công tác nhân sự… Do đó, họ bất chấp pháp luật, thay đổi quy hoạch, kế hoạch để thu hồi lợi ích tối đa. Và nguy hiểm nhất là đang hình thành các “nhóm lợi ích” - đó là sự liên minh giữa một số doanh nghiệp với một số người có chức quyền để lũng đoạn các cơ chế chính sách.

Vấn đề nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Do công tác tư tưởng có 3 hình thái, 3 bộ phận cơ bản đó là công tác lý luận, công tác giáo dục lý luận, công tác cổ vũ động viên, cho nên nói tính thuyết phục của công tác tư tưởng phải nói tính thuyết phục của hoạt động nghiên cứu lý luận, tính thuyết phục của hoạt động giáo dục, tuyên truyền cổ động.

Tính thuyết phục của hoạt động lý luận là phải đảm bảo cho Đảng và Nhà nước ta đi tới các quyết định về đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật hợp quy luật phát triển và hợp lòng người, đáp ứng được lợi ích cơ bản, lâu dài và trước mắt của các tầng lớp nhân dân và của toàn dân tộc.

Tính thuyết phục của công tác giáo dục lý luận là toàn Đảng nhất trí, toàn dân đồng thuận với Cương lĩnh, đường lối, cơ chế chính sách, pháp luật. Tính thuyết phục của công tác cổ động là toàn Đảng, toàn dân tự giác tích cực sáng tạo thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, pháp luật.

Công cụ chủ yếu của hoạt động tư tưởng là viết và nói. Vậy, tính thuyết phục của viết và nói là viết và nói đúng, có lý, có tình, dễ hiểu, để giúp cho đối tượng công tác tư tưởng giác ngộ nâng cao nhận thức. Nói, viết hay, hấp dẫn, để bồi dưỡng được tình cảm, biến nhận thức tình cảm thành hành động cách mạng.

Làm thế nào để nâng cao tính thuyết phục của hoạt động nghiên cứu lý luận? Chúng tôi xin đưa một ví dụ: Vì sao khi Trung ương thông qua và công bố Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và nhất là khi Hội nghị Trung ương 5, tuyệt đại đa số Ủy viên Trung ương biểu quyết đưa Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương về trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo, đã tạo nên sự đồng tình trong toàn đảng, toàn dân và bước đầu tạo niềm tin trong Đảng và trong nhân dân.

Tổng kết sâu sắc hoạt động nghiên cứu lý luận gắn chặt với tổng kết thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Trung ương từ khóa VIII đến nay, chúng ta có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để thiết thực vận dụng, nâng cao chất lượng hiệu quả, nâng cao sức thuyết phục của hoạt động lý luận.

Để nâng cao tính thuyết phục của hoạt động giáo dục tuyên truyền cổ vũ, động viên là một việc vừa cơ bản vừa cấp bách cần làm ngay, đó là Bộ Chính trị thực hiện có hiệu quả thực sự để thực hiện quyết định của Hội nghị Trung ương 4 với đúng tinh thần: Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Nêu gương tự phê bình và phê bình trên cơ sở những góp ý của các cấp ủy trực thuộc và của các đồng chí lão thành. Sau kiểm điểm, làm tốt việc xử lý trách nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm và quy hoạch thành công đội ngũ cán bộ. Chỉ trên cơ sở này chúng ta mới lấy lại được niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đồng thời với nhiệm vụ trên, chúng ta cần triển khai đồng bộ một số giải pháp quan trọng như:

Một là, đào tạo, bồi dưỡng bí thư, cấp ủy và người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị thực sự có trách nhiệm, có tâm huyết và có năng lực trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo và làm công tác tư tưởng.

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách: cán bộ lý luận, giảng viên lý luận chính trị, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, báo chí, văn nghệ sỹ phải quán triệt sâu sắc và kiên định hệ tư tưởng, cương lĩnh đường lối, thực sự có bản lĩnh, có năng lực.

Ba là, khi tiến hành các hoạt động tư tưởng (nói, viết) phải đúng, phải hay, phải có tính chiến đấu cao, tính giáo dục sâu sắc, phải có lý có tình, phải có sức cổ vũ mạnh mẽ.

Bốn là, bản thân các cán bộ tư tưởng chuyên trách của tất cả các “binh chủng” đều phải thực sự là tấm gương về bản lĩnh chính trị, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống. Với những tấm gương sáng này, thì đây thực sự là nhân tố rất quan trọng để nâng cao tính thuyết phục của hoạt động tư tưởng./.

                                                                                                          PGS. TS. Đào Duy Quát                                                                                                                                                                (Theo Tạp chí Tuyên giáo)

.
.
.
.