.
.

“Rất mừng” vì không hiến định thành phần kinh tế

Chủ Nhật, 03/03/2013|19:31

Trong nghị quyết của Đảng có định vị các thành phần kinh tế nhưng trong hiến pháp không định vị, điều này không có vấn đề gì mâu thuẫn cả, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Dương Đăng Huệ (Bộ Tư pháp) nêu nhận xét như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 28/2 vừa qua.

Ở Hiến pháp 1992, theo ông Huệ, các vấn đề kinh tế mang tính liệt kê rất sâu sắc với 3 chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể và tư nhân), 6 thành phần kinh tế hầu như cứ 1 thành phần kinh tế thì dành lấy 1 điều.

Một đặc điểm nữa là tính định vị, điều 19 nói rõ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc gia….

"Lần này, tôi cho rằng ban soạn thảo đi đúng hướng. Với tư cách là chuyên gia pháp lý và là một người nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, tôi rất mừng khi không liệt kê đề tên vì khái niệm các thành phần kinh tế là khái niệm Xô viết", ông Huệ nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn còn băn khoăn khi trong dự thảo hiến pháp không chỗ nào nói đến các hình thức sở hữu. Có thể không liệt kê các hình thức sở hữu nhưng phải ghi rõ, các hình thức sở hữu được nhà nước bảo hộ như nhau bằng các phương tiện như nhau, ông Huệ tỏ rõ quan điểm.

Cũng liên quan đến các vấn đề kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, khi khẳng định nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  thì tư tưởng trong thiết chế kinh tế làm thế nào để công cụ kinh tế nằm trong tay nhà nước để nhà nước có thể đảm bảo thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Do đó, trước đây chúng ta liệt kê ra là chúng ta khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước mạnh như vậy, sở hữu tập thể mạnh như vậy cũng có lý do nguyên lý về chủ nghĩa xã hội.

Ông Liên cũng phân tích, sau này chúng ta càng ngày càng phát triển kinh tế thị trường, ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế và giờ là thành viên của WTO, do đó, kinh tế thị trường và WTO có mấy nguyên tắc lớn đòi hỏi không được vi phạm là bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử.

"Rõ ràng yêu cầu đặt ra là chúng  ta sửa đổi hiến pháp trong bối cảnh chúng ta đã gia nhập sâu vào kinh tế quốc tế và đã có nền kinh tế thị trường thì những yếu tố mà ngày trước đưa ra không phù hợp , do đó xóa đi để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và không phân biệt đối xử trong vấn đề đó", Thứ trưởng Liên nói.

Đề cập các quan điểm rất khác nhau, trong đó có sự quan ngại về bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường khi bỏ yếu tố trên, ông Liên cho rằng phải tính tới bảo đảm cam kết với quốc tế khi hội nhập khi sửa đổi trong hiến pháp. Còn việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa thì sẽ có chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, khi liệt kê thì e rằng có thể sẽ không thể đầy đủ bởi sự biến động liên tục về thành phần sở hữu, khiến cho hiến pháp phải sửa đổi nhiều trong khi chúng ta khẳng định hiến pháp là  đạo luật gốc, có sức sống lâu dài.

Thời báo Kinh tế Việt Nam

.
.
.
.