.
.

Việt Nam xuất siêu tháng thứ 2 liên tiếp

Thứ Ba, 05/03/2013|21:26

 

Theo Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2012. Trong đó xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) (không kể dầu thô) ước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 27,5%.


Hãng điện thoại Samsung Việt Nam đóng góp nhiều vào con số xuất siêu của VN thời gian qua
Hãng điện thoại Samsung Việt Nam đóng góp nhiều vào con số xuất siêu của VN thời gian qua

 

Ở chiều nhập khẩu, tính chung 2 tháng qua, kim ngạch ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các DN 100% vốn trong nước đạt 8,06 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,6%, tăng 7,2%; còn DN FDI ước đạt gần 9,24 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 53,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. 

Như vậy, sau 2 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức xuất siêu rất cao so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Phân tích nguyên nhân khiến xuất siêu 2 tháng qua tăng cao, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Do nhóm hàng công nghiệp điện tử và công nghiệp chế biến (đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng xuất khẩu là hàng điện thoại di động, tiêu biểu là Samsung Việt Nam). Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng khác có tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua, ví dụ như túi xách. Trước đây, mặt hàng này có kim ngạch rất nhỏ. Nhưng từ năm 2012, kim ngạch của nhóm hàng này tăng lên nhanh và trở thành một trong những mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của nước ta 2 tháng qua giảm mạnh. Có 2 nhóm hàng, gồm hàng cần kiểm soát nhập khẩu (đá quý, kim loại quý, sắt thép, ô tô, xe máy... có kim ngạch nhập khẩu giảm rõ rệt) và hàng cần thiết nhập khẩu (nguyên liệu, phụ liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp... so với cùng kỳ có tăng trưởng nhưng tăng chậm hơn). Do đó, nó góp phần kéo kim ngạch nhập khẩu giảm, trong khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng. Vì thế, có sự chênh lệch lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu 2 tháng qua.

Còn một số lý do khác khiến xuất siêu cao, ông Hải lấy ví dụ: Một số mặt hàng nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được nên giảm nhập khẩu, hoặc giá nhập khẩu một số mặt hàng giảm nên giảm giá trị kim ngạch.

Đánh giá về mức độ bền vững của con số xuất siêu, ông Hải cho rằng cần phân định ra 2 nhóm: Xuất khẩu của DN FDI và nhóm DN 100% vốn trong nước. Xuất siêu thời gian qua chủ yếu rơi vào nhóm ngành hàng của các DN FDI. Đơn cử, 2 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 2,97 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,29 tỷ USD.

Chính vì thế, để đánh giá mức độ bền vững của xuất siêu, phải căn cứ vào khả năng tiếp tục xuất siêu hay nhập siêu của 2 nhóm doanh nghiệp nêu trên. Theo đánh giá của ông Hải, với doanh nghiệp FDI (các mặt hàng như điện thoại di động, máy ảnh, máy tính... vẫn đang có đà phát triển rất lớn. Cho nên, khả năng đóng góp của khối DN này vào tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn cao. Trong khi đó, bối cảnh khó khăn chung của các DN trong nước nên nó đã làm giảm tỷ trọng nhập siêu của các DN trong nước.

Do vậy, khả năng xuất siêu của Việt Nam năm 2013 vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, các DN trong nước phục hồi sản xuất trở lại thì nhập siêu sẽ tăng, xuất khẩu của khối này cũng tăng. Cùng thời điểm, các DN FDI sẽ đến ngưỡng công suất nhất định và trở về trạng thái bình thường không tăng trưởng mạnh gây ra chênh lệch lớn giữa 2 khối DN nữa. Khi đó cán cân thương mại có thể cân bằng hoặc Việt Nam sẽ lại nhập siêu./.

Xuân Thân/VOV online

 

.
.
.
.