Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành phong trào mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng trên cả nước
Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong toàn ngành và trên cả nước.
Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước được đẩy mạnh
Trong năm 2010, Sở Công Thương các tỉnh thành phố đã tổ chức được 109 đợt bán hàng về nông thôn với 1.904 lượt doanh nghiệp tham gia và 3.811 gian hàng, thu hút hơn 5.115.604 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 53.216 tỷ đồng. Các Sở Công Thương còn tiếp nhận, theo dõi 48 đợt bán hàng với 355 lượt doanh nghiệp tham gia và 573 gian hàng đạt hơn 41 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng Trung tâm BSA đã tổ chức được 53 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 734 lượt doanh nghiệp tham gia, đào tạo kỹ năng bán lẻ cho hơn 3.000 tiểu thương và thu hút hơn 750.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 39 tỷ đồng...
Tính đến tháng 10 năm 2010, các đơn vị trúng thầu gói xúc tiến thương mại thị trường trong nước đã tổ chức 24 đợt bán hàng cho công nhân tại các khu công nghiệp trên cả 3 miền với 477 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút trên 166.000 lượt khách đến thăm quan mua sắm.
Đối với hoạt động bán hàng Việt khuyến mại, trong năm 2010, các Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức 78 chương trình với 2.052 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 2.056.767 lượt khách tới tham quan mua sắm và doanh thu bán hàng đạt được là gần 800 tỷ đồng; tiếp nhận và theo dõi hơn 200 đợt bán hàng khuyến mại với hơn 16.253 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút được 7.083.191 lượt khách đến thăm quan, mua sắm, doanh thu đem lại là hơn 14.709 tỷ đồng.
Các Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước. Đến nay, các Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức 151 hội chợ, triển lãm, thu hút 12.279 doanh nghiệp tham gia, với số lượng gian hàng là 812.599 gian, thu hút hơn 61 triệu lượt khách tham quan đem lại doanh thu gần 385 tỷ đồng. Số lượng hội chợ, triển lãm do các Sở tiếp nhận, theo dõi là 335 hội chợ, thu hút gần 80 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu từ các hội chợ triển lãm này ước tính đạt gần 2.202 tỷ đồng.
Năm 2010, các Sở Công Thương đã tiến hành tổ chức được 344 chương trình hội thảo, tọa đàm với hơn 27 nghìn doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cũng như thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời, tiếp nhận theo dõi hơn 40 tọa đàm với sự tham gia của gần 7.500 doanh nghiệp trên địa bàn các Tỉnh.
Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường
Xác định các công tác này đóng vai trò quan trọng, góp phần vào thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, ngày 15 tháng 01 năm 2010, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giai đoạn 2 - giai đoạn rà soát Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương. Ngày 16 tháng 4 năm 2010, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ. Tiếp đến, ngày 07 tháng 7 năm 2010, Bộ Công Thương đã đón nhận Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) TCVN ISO 9001:2008 của Tổng cục Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO sẽ giúp việc giải quyết xử lý công việc hành chính, nhất là các công việc liên quan đến cấp phép khoa học hơn, hợp lý hơn. Ngày 20 tháng 12 năm 2010, Bộ Công Thương đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Theo đó, thông qua phương án đơn giản hoá 188 thủ tục hành chính của Bộ Công Thương nhằm tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Về hoạt động quản lý thị trường, Bộ đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố giám sát việc đưa hàng hóa về nông thôn tiêu thụ theo chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay tại Quyết định số 497/QĐ-TTg và Quyết định số 2213/QĐ-TTg; phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng chính sách kính cầu, khuyến khích tiêu dùng và lợi dụng chủ trương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu công nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong 10 tháng đầu năm 2010, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 46.130 vụ vi phạm, trong đó 9.463 vụ buôn lậu, 10.301 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 2.896 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, và 23.510 vụ vi phạm khác; với tổng số thu trên 159,1 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính trên 65 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế gần 1,92 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 93,6 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an, Biên phòng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản, lương thực.
Bài học rút ra từ khi thực hiện Cuộc vận động
Sau hơn một năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu được những kết quả bước đầu khả quan, tạo tiền đề vững chắc để triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới.
Do cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn chung các doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.
Sản phẩm, hàng hoá hiện nay đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường trong nước như kết hợp các phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại kích thích sức mua, từ đó từng bước thay đổi được hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.
Thông qua cuộc vận động, cũng tạo được những chuyển biến ban đầu trong ý thức của người tiêu dùng trong nước, đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có sự nhận thức lại tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó có tiếng nói đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, từ việc kiểm soát hàng nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước đến việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo vệ cho hàng hoá và thị trường nội địa.
Phương hướng triển khai cuộc vận động trong thời gian tới
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Đảng, nhà nước xác định là cuộc vận động lâu dài, liên tục. Để tiếp tục triển khai cuộc vận động hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ ngành, các hiệp hội ngành nghề, sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương tập trung cao cho công tác tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động, đặc biệt vào các dịp ngày lễ lớn và dịp Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm sau: Theo dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân; Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành Công Thương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Tiếp tục triển khai có hiệu quả nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước - Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Đẩy mạnh chương trình phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, bao gồm cả các loại hình thương mại hiện đại ở các đô thị và hệ thống chợ nông thôn; Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.